Việc dùng đường không gây bệnh đái tháo đường type 2 nhưng quá nhiều đường có thể gây tăng cân và tình trạng béo phì sẽ làm tăng nguy cơ đái tháo đường. Một khi đã bị đái tháo đường, bệnh nhân dùng nhiều đường khiến bệnh càng tồi tệ hơn vì lúc đó cơ thể khó điều chỉnh mức độ đường trong máu.
Dùng đường và đái tháo đường
Dù dùng đường không trực tiếp dẫn tới bệnh đái tháo đường nhưng đã có nhiều bằng chứng cho thấy việc dùng nhiều đường trong cộng đồng có thể khiến bệnh đái tháo đường type 2 trở nên phổ biến hơn. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Viện Công nghệ Massachusetts và ĐH Harvard được công bố trên tạp chí PLOS One liên quan đến dữ liệu tại 175 quốc gia, cho thấy tỉ lệ đái tháo đường tăng cao hơn khi thực phẩm được cung cấp cho dân cư chứa nhiều đường hơn. Cụ thể, cứ mỗi 150 calo từ đường trong thực phẩm tăng thêm thì tỉ lệ đái tháo đường tăng thêm 1%. Biến thiên như vậy vẫn tiếp tục ngay cả khi nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh những yếu tố khác liên quan với đái tháo đường như béo phì, tập thể dục và mức tiêu thụ calo tổng thể. Do đó, có thể cho rằng việc dùng đường góp phần gây bệnh đái tháo đường, ít nhất ở mức độ dân cư. Nghiên cứu này không chú trọng quan sát cá nhân nên không hậu thuẫn lập luận dùng nhiều đường có thể gây đái tháo đường. Tuy nhiên, nó khiến người dùng nhiều đường thận trọng hơn và xem xét lại, đặc biệt ở những người có kèm theo yếu tố nguy cơ đái tháo đường khác.
Tuy không có nghiên cứu cho thấy mối liên quan trực tiếp giữa việc dùng đường với đái tháo đường nhưng có một công trình được công bố hồi năm 2012 trên tạp chí Food & Nutrition Research đã xem xét lại vài nghiên cứu trước đó, nêu khả năng thường dùng các dạng nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường.
Nước ngọt được xem là thức uống cần hạn chế vì chứa nhiều đường Ảnh: NEWS HUB
Nguy cơ bệnh khác
Một nghiên cứu được công bố trên tờ JAMA Internal Medicine hồi năm 2014 nêu khả năng dung nạp thêm 25% calo từ đường có thể khiến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng hơn gấp đôi so với người dùng 10% calo từ đường hoặc ít hơn.
Một số nguy cơ thường gặp khác cho sức khỏe do việc dùng nhiều đường:
- Bệnh gan, đặc biệt là gan nhiễm mỡ không do rượu.
- Một vài dạng ung thư.
- Thay đổi mức độ hormone.
- Mức độ cholesterol cao.
- Tăng cân và béo phì.
- Vài bệnh mạn tính như hội chứng đa nang buồn trứng (PCOS).
- Viêm mạn tính và rối loạn chức năng hệ miễn dịch.
Cơ thể cần glucose để vận hành vì vậy đường rất cần thiết. Glucose hiện diện trong nhiều loại thực phẩm nên việc thêm đường vào thức ăn nhiều khi không cần thiết. Các loại nước ngọt, kẹo, thực phẩm chế biến có đường phụ gia thường bị xem là không lành mạnh và cần bị hạn chế. Hội Tim Mỹ (AHA) khuyến nghị giới hạn mức độ đường đối với đàn ông trung bình hằng ngày không quá 9 muỗng cà phê - tương đương 36 g hoặc 150 calo từ đường. Phụ nữ không nên dùng hơn 6 muỗng cà phê - tương đương 25 g hoặc 100 calo từ đường.
Hạn chế lượng đường ăn vào ít hơn 10% tổng calo hằng ngày là một cách khác để giữ mức tiêu thụ đường được kiểm soát. Điều này ngăn ngừa lượng đường tiêu thụ quá mức, bất kể nhu cầu năng lượng hằng ngày.
Bệnh nhân đái tháo đường được khuyến cáo cần thận trọng hơn nữa khi dùng thực phẩm chứa đường, chỉ nên dùng thực phẩm chứa carbohydrate có chỉ số đường huyết thấp hoặc trung bình như bánh từ bột mì thô, hạt chưa xay xát kỹ; tránh dùng rượu và thức uống có cồn.
Yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 2
- Dư cân hoặc vòng bụng to.
- Hơn 45 tuổi.
- Từng bị đái tháo đường khi mang thai.
- Lượng đường trong máu cao hoặc kháng insulin.
- Cao huyết áp.
- Ít tập thể dục.
- Có mức độ cholesterol xấu (HDL) và triglyceride cao.
- Có vấn đề về tuần hoàn máu ở tim, não và chân.
Vài biện pháp giúp đề phòng đái tháo đường:
- Giảm cân.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày, 5 ngày/tuần.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn hằng ngày.
- Dùng thực phẩm nhiều chất xơ, ít đường, ít chất béo.
Yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 2
- Dư cân hoặc vòng bụng to.
- Hơn 45 tuổi.
- Từng bị đái tháo đường khi mang thai.
- Lượng đường trong máu cao hoặc kháng insulin.
- Cao huyết áp.
- Ít tập thể dục.
- Có mức độ cholesterol xấu (HDL) và triglyceride cao.
- Có vấn đề về tuần hoàn máu ở tim, não và chân.
Vài biện pháp giúp đề phòng đái tháo đường:
- Giảm cân.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày, 5 ngày/tuần.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn hằng ngày.
- Dùng thực phẩm nhiều chất xơ, ít đường, ít chất béo.