Khi calo được dung nạp nhiều hơn nhu cầu, cơ thể tích trữ calo dư thừa này dưới dạng triglyceride để dùng về sau khi cần năng lượng. Triglyceride rất quan trọng cho sức khỏe nhưng mức độ triglyceride cao có thể dẫn tới bệnh tật như bệnh tim mạch, do đó việc từng bước giảm triglyceride sẽ kéo giảm nguy cơ mắc bệnh này.
Nguyên nhân triglyceride tăng cao
Tỉ lệ triglyceride trong máu được xem là lành mạnh phải ở mức thấp hơn 150 mg/dl (miligam/decilit). Tỉ lệ có nguy cơ ở mức từ 150 mg/dl đến 199 mg/dl và tỉ lệ cao ở mức từ 200 mg/dl đến 299 mg/dl. Tỉ lệ trên 500 mg/dl bị xem là cực cao. Mức độ triglyceride trong cơ thể cao kéo theo nguy cơ tăng cao ở vài dạng bệnh tật. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Diabetes Endocrinology, mức độ triglyceride cao trong máu có thể gây sự tích tụ mảng bám thành mạch. Mảng bám này là tổ hợp của cholesterol, triglyceride, canxi, chất thải tế bào và fibrin. Tích tụ mảng bám thành mạch làm tăng nguy cơ bệnh tim do mảng bám ngăn chặn dòng máu chảy bình thường trong mạch. Mảng bám có thể vỡ ra và huyết khối hình thành trong mạch máu có thể gây cơn đau tim và đột quỵ. Do đó, mức độ triglyceride và cholesterol lành mạnh là 2 yếu tố quan trọng cần thiết để theo dõi sức khỏe trái tim. Mặt khác, triglyceride cao có thể khiến nguy cơ tổn hại ở tụy tăng cao.
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến triglyceride tăng cao liên quan đến chế độ ăn và sự chuyển hóa trong cơ thể. Một công trình đăng trên tạp chí Nutrients liệt kê các yếu tố góp phần làm tăng triglyceride, gồm: di truyền, chế độ ăn nhiều calo, ăn nhiều mỡ, dùng chất có cồn, đái tháo đường (chủ yếu type 2), bệnh về thận (chứng urê huyết), mang thai hoặc do dùng một số loại thuốc như: thuốc uống chứa estrogen, thuốc chứa corticoid, thuốc tamoxifen. Theo thống kê, nhóm đối tượng dễ có nguy cơ triglyceride tăng cao gồm bệnh nhân tim mạch trước tuổi 50, phụ nữ mang thai hoặc dùng estrogen, người béo phì.
Chủ động giảm triglyceride
Có nhiều cách kéo giảm mức độ triglyceride một cách an toàn và thùy thuộc vào lý do triglyceride tăng cao trước đó. Nếu chúng ta ăn vào lượng calo lớn hơn nhu cầu, kết quả là sẽ có triglyceride dư thừa. Theo Hội Tim Mỹ, (AHA), đã có bằng chứng cho thấy khi thể trọng giảm từ 5% đến 10%, triglyceride có thể giảm 20%. Mức giảm triglyceride liên quan trực tiếp với giảm cân.
Điều cần lưu ý là nên quan sát và điểu chỉnh chế độ ăn theo cách lành mạnh. Dùng nhiều rau quả, ngũ cốc thô chưa xay xát kỹ, hạt nhân đồng thời hạn chế dung nạp calo. Nên tránh thức ăn nhiều muối, thực phẩm từ ngũ cốc đã xay xát kỹ, đường. Về chất béo, nên tránh chất béo từ thịt, từ sữa để nguyên chất béo, vài loại dầu thực vật như dầu dừa, dầu cọ..., tóm lại là các loại chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa. Chất béo không bão hòa, đặc biệt là chất béo đa không bão hòa (PUFA) có thể làm giảm triglyceride. Omega-3 và một vài loại hạt là cách để bổ sung PUFA tốt nhất. Muốn giảm hoặc ổn định triglyceride, nên thay thế bữa ăn nhiều thịt đỏ và nhiều chất béo bằng thịt gia cầm nạc, cá hoặc hải sản khác, sữa ít béo. Nên hạn chế tỉ lệ khẩu phần ăn chứa carbohydrate thấp hơn 60%. Chế độ ăn chứa hơn 60% carbohydrate sẽ làm tăng triglyceride.
Thực phẩm chứa các loại đường đơn, đặc biệt là đường fructose tinh luyện, làm tăng triglyceride. Nước ngọt, nước có ga, nước ép trái cây chứa đường là dạng thức uống cần hạn chế nhất. Những loại đường cho vào thực phẩm có thể làm tăng triglyceride cần lưu ý là: đường trắng, đường nâu, mật ong, nước ép trái cây cô đặc, glucose, fructose, dextrose, maltose, lactose, sucrose và các dạng xirô. Lượng đường hằng ngày được các chuyên gia khuyến cáo dùng tối đa là 36 g ở nam giới và 24 g ở phụ nữ. Rượu cũng là thức uống trực tiếp làm tăng triglyceride ở nhiều người, nên hạn chế dùng thức uống có cồn là biện pháp cần thiết ở nhóm người này. Các chuyên gia lưu ý rằng mọi thay đổi chế độ dinh dưỡng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc.
Việc tập luyện thể dục, thể thao cũng giữ vai trò quan trọng để kéo giảm mức độ triglyceride. Vận động để đốt cháy calo là cách bảo đảm triglyceride trong cơ thể được sử dụng. Mọi dạng luyện tập đều có ích lợi nhưng hiệu quả sẽ thay đổi căn cứ vào mức độ triglyceride ban đầu, khối lượng và cường độ tập luyện. Đi bộ 30 phút mỗi ngày có thể là cách bắt đầu tốt hoặc những loại hình vận động không quá căng thẳng như đạp xe, bơi lội. Hội Tim Mỹ khuyến nghị nên tập thể dục ở mức độ trung bình 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần.
Một số cách giúp giảm triglyceride: Giảm cân, giảm các loại đường, cân nhắc khi dùng chất béo, ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3, tập thể dục.