Đêm 1-6, gia đình NSƯT đạo diễn Bạch Lan đã đưa bà vào cấp cứu tại Bệnh Viện 115 vì chứng bệnh nhồi máu cơ tim. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bà đã không qua khỏi. Sự ra đi đột ngột của người cả đời gắn với sân khấu, nghệ thuật gây bất ngờ và thương tiếc khôn nguôi.
Biết tin NSƯT đạo diễn Bạch Lan qua đời, NSƯT Mỹ Uyên xúc động: “Tôi học nhiều điều từ cô Bạch Lan, trong đó có tính nghiêm khắc khi làm việc. Những năm sau này dù đã về hưu, cô Bạch Lan luôn tâm niệm hai câu thơ: "Tới tuổi thì phải về hưu. Lòng yêu nghệ thuật không hưu bao giờ”. Vì thế, cô vẫn sống với sân khấu thông qua việc tích cực tham gia giảng dạy, dàn dựng”.
Từ Pháp điện thoại về trong đêm khi hay tin NSƯT Bạch Lan qua đời, nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân khóc nức nở, vì có thể nói chương trình cuối cùng NSƯT đạo diễn Bạch Lan dàn dựng là DVD nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân về với quê hương.
Ngoài ra, ba vai diễn giúp Hà Mỹ Xuân đoạt HCV Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 – 1990 đều do NSƯT đạo diễn Bạch Lan dàn dựng. “Tôi không thể tin chị Lan qua đời. Ba vai diễn mà chị dàn dựng cho tôi trong Hoa đất, Thứ phi Phi Yến và Đôi mắt tình yêu, đã là ba kỷ niệm không thể nào quên. Cả đời chị sống cho sân khấu, hết lòng vì diễn viên trẻ. Chị còn là một nhà quản lý cương trực, một đạo diễn có nhiều sáng tạo khi đưa những thể nghiệm độc đáo vào sân khấu cải lương” – Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân chia sẻ.
Với NSƯT Ca Lê Hồng, những kỉ niệm về nữ đạo diễn tài hoa này rất nhiều. Tuy nhiên, điều bà nhớ nhất chính khoảng thời gian mà NSƯT đạo diễn Bạch Lan quen với thiếu tá phi công Lê Văn Do (người sau này là ông xã của NSƯT đạo diễn Bạch Lan), giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1961. Đến năm 1964 cả hai tổ chức đám cưới.
“Thời đó, Lan theo đoàn văn công đi diễn khắp nơi, còn anh Do thì đóng quân ở sân bay Cát Bi – Hải Phòng. Thời chiến bận rộn lắm, có lần Lan xuống thăm ông xã vào ban đêm, còn anh Do thì phải huấn luyện bay đêm. Dù không gặp được nhau, nhưng trong suy nghĩ của Lan mái ấm gia đình của những người lính lúc nào cũng ấm áp, hạnh phúc. Bốn tháng tuổi đứa con đầu lòng của Lan đã phải dứt sữa để mẹ lên đường thực hiện nghĩa vụ. Tinh thần chiến đấu hiên ngang và ý chí bảo vệ đất nước đặt trên tình cảm lứa đôi, tình yêu gia đình đã hằn sâu trong những tác phẩm sân khấu của Bạch Lan”- NSƯT Ca Lê Hồng cho biết.
Người nghệ sĩ luôn xem mình là chiến sĩ
Sinh năm 1939 tại Sài Gòn, năm 16 tuổi, NSƯT đạo diễn Bạch Lan (tên thật là Nguyễn Thị Xuân Lan) theo người bác họ là nhà cách mạng Phùng Văn Cung – vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, tập kết ra Bắc. Sau khi ra Hà Nội, bà học phổ thông trung học tại Trường Học sinh miền Nam Nguyễn Khuyến, Nam Định. Đến năm 1958, bà được tuyển vào Đoàn Kịch nói Nam Bộ (tiền thân của Đoàn Kịch nói Cửu Long Giang sau này) và từ đó gắn bó với sân khấu.
Bà có người chú ruột là nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bạch, chính ông đã truyền cho bà lòng say mê nghiệp diễn. Và như bao người làm nghệ thuật khác, bà trở thành diễn viên giỏi, thể hiện nhiều vai diễn xuất sắc trước khi chuyển sang đạo diễn. Bà cũng đã từng nhiều lần tham gia chiến dịch phục vụ bộ đội tại chiến trường.
Tính đến hôm nay, NSƯT đạo diễn Bạch Lan đã dàn dựng 90 tác phẩm sân khấu, trong đó có rất nhiều kịch bản nổi tiếng được công chúng yêu mến: Đứng gác dưới ánh đèn neon, Cái ghế, Độc thoại Mê Đê, Bi kịch lạc quan, Trên mảnh đất đời người, Thanh gươm và bà mẹ... Đặc biệt, trong phim Hòn Đất, bà để lại nhiều cảm tình cho khán giả qua nét diễn xuất mộc mạc, chân thực với vai bà Cà Sợi.
Vĩnh biệt NSƯT đạo diễn Bạch Lan – người nghệ sĩ luôn đặt mình trong tư thế người chiến sĩ cách mạng. Công chúng và các thế hệ nghệ sĩ vẫn luôn nhớ về bà.
Linh cữu NSƯT đạo diễn Bạch Lan đã được đưa về quàn tại Nhà tang lễ TPHCM (25, Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ truy điệu bắt đầu lúc 14 giờ ngày 4-6, sau đó sẽ đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TPHCM. |