Kể từ ngày gặp phỏng vấn ông ở chung cư 1AB Cao Thắng (Q.3 - TPHCM) cách đây hơn 1 năm, về sau này, mỗi lần tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe và các vai diễn, nghệ sĩ Hồ Kiểng thường hỏi ngược lại: “Con khỏe hả bây?”. Tôi bảo mình lúc nào cũng khỏe cả, chỉ lo cho ông những hôm phơi nắng, đi xa hay thức đêm thức hôm ở phim trường. Ông cười hề hề bảo: “Chú còn khỏe re”. Khỏe re mới thức suốt 4 đêm liền thực hiện các cảnh quay cho vai diễn trong bộ phim Mùa hè lạnh; khỏe re mới nhận hết vai diễn này đến vai diễn khác, chấp nhận đi bất cứ đâu thậm chí lặn lội ra tận Huế chỉ để quay vài phân cảnh ngắn ngủi.
NSƯT Hồ Kiểng và Lý Nhã Kỳ trong phim Mùa hè lạnh
“Hết kiếp xuống mồ trắng tay không…” - tôi nhớ mãi câu thơ ông ngâm nga vào một buổi sáng nắng vàng vắt qua khung cửa. Đó là cách ông nghĩ và sống, làm gì cũng hết mình, sống đời thanh tịnh chẳng màng bon chen danh lợi. Nếu sống là để lại thì ông đã có hơn 200 vai diễn, 304 vở kịch trên đài phát thanh, 48 vở kịch nói, rồi cải lương, ảo thuật, tấu hài… Những năm tháng cuối đời, ông còn làm thơ, nhiều đến nỗi đóng thành tập. “Giờ thì tập hợp đóng thành tập, mai mốt có điều kiện chú sẽ cho in sách. Thơ này, bài ca cổ này, viết nhiều lắm…” - ông bày tỏ nguyện vọng.
Nghệ sĩ chân chính NSND Thế Anh hay tin NSƯT Hồ Kiểng mất đã kêu lên trong nỗi đau, bởi với ông, Hồ Kiểng là đồng nghiệp có hơn 40 năm gắn bó từ thời còn công tác chung trên sân khấu Đoàn Kịch Thanh Niên - đoàn kịch nói Nam Bộ hoạt động tại miền Bắc: “Chúng tôi biết nhau từ thời hai đứa còn tham gia những vai kịch ở Đoàn Kịch Thanh Niên, múa cờ, múa tầm vông, vai gì anh cũng làm. Tính anh chân chất, đầy yêu thương nên vai nào cũng nhận. Dù chỉ chạy thoáng qua sân khấu anh vẫn diễn đầy nhiệt huyết. Sự nghiệp nghệ thuật của anh Hồ Kiểng là chỉ đóng vai phụ nhưng tính cách và số phận nhân vật tỏa sáng còn hơn cả vai chính. Chính vì sống biết yêu thương, biết san sẻ và quý trọng công sức lao động nghệ thuật chung để tạo ra tác phẩm chân thật gửi đến với người xem, anh đã thành một nghệ sĩ chuyên diễn vai phụ có tính cách, số phận hay nhất, ngay khi tuổi ngoài 80 vẫn cứ tiếp tục được đứng trước ống kính diễn xuất”. NSND Thế Anh xúc động nói: “Anh ấy sống đúng nghĩa là một nghệ sĩ chân chính. Trong căn nhà nhỏ chưa đầy 15 m2, một chiếc giường với cây quạt cũ kỹ, thế là đủ”. |
Không màng lợi danh Nghệ sĩ Quyền Linh bàng hoàng khi hay tin NSƯT Hồ Kiểng qua đời: “Mấy ngày trước ông còn đến Hội Điện ảnh TPHCM để nhận số tiền 1,5 triệu đồng do UBND TPHCM hỗ trợ mỗi tháng cho các nghệ sĩ lão thành. Ông cười hồn nhiên, động viên tôi: “Mày bỏ sàn quay đi làm MC miết, về với phim đi con!”. Tôi hỏi lại: “Lần này con đóng vai phụ, bố đóng vai chính nha?!”. Ông lắc đầu: “Thôi, hỏng ham vai chính. Số tao là diễn vai phụ từ hồi nào tới giờ và chỉ… vai phụ mà thôi!”. Quả nhiên, với cá tính đôn hậu của người con được sinh ra ở xứ dừa Bến Tre, NSƯT Hồ Kiểng luôn tự hào về những vai phụ với tính cách nông dân đã ăn sâu vào máu của ông và cho ông một đời sống an nhiên. Mặc cho cuộc sống có khó khăn, ông vẫn nỗ lực hoàn thành từng vai diễn. Ông không màng lợi danh khi nhiều đồng nghiệp khuyên nên làm đơn xin được cấp nhà, xin được xét tặng danh hiệu NSND. Ông vẫn thích sống bình dị trong căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn 15 m2 và bằng lòng với danh hiệu NSƯT của mình.
T.Hiệp |
Sống với đam mê NSƯT Hồ Kiểng tên thật Hồ Kiểng, sinh ngày 27-12-1926 tại Phước Long, huyện Giồng Trôm - Bến Tre. NSND Thế Anh cho biết: NSƯT Hồ Kiểng đi bộ đội năm 1954, tập kết ra Bắc được 6 năm, ông bắt đầu xin theo học tại Đoàn Kịch Điện ảnh Hà Nội trong suốt 4 năm. Đó là những năm chàng trai 29 tuổi Hồ Kiểng rất háo hức với nghề. Tuy không được xem là sinh viên chính thức, ông vẫn chăm chỉ học diễn xuất và ra trường với bằng tốt nghiệp đàng hoàng. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông đánh dấu sự xuất hiện trên màn bạc đầu tiên của NSƯT Hồ Kiểng. Cuộc đời của ông không để áp lực của sự nổi tiếng đè nặng, nên ông sống đúng nghĩa đam mê nghệ thuật. Năm 1997, nghệ sĩ Hồ Kiểng được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Do bệnh tim tái phát dẫn đến té ngã, được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu, dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng lúc 16 giờ 15 phút ngày 3-4, tại Bệnh viện Nguyễn Trãi - TPHCM. Linh cữu của NSƯT Hồ Kiểng được quàn tại Nhà Tang lễ TPHCM (số 25 Lê Quí Đôn, quận 3). Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ ngày 4-4. Lễ hỏa thiêu sẽ được tổ chức tại Nghĩa trang Củ Chi - TPHCM.
T.Hiệp |