Khóa diễn viên trẻ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vừa diễn vở Khói sóng Tiêu Tương (tác giả Hoa Phượng - Cô Nguyệt) để báo cáo tốt nghiệp. Không khí nhộn nhịp làm nghệ sĩ (NS) Thanh Tú nhớ lại năm 1963, khi ông đoạt được HCV Giải Thanh Tâm nhờ vai Lưu Kiến Xuân trong vở này, cùng đợt với Bạch Tuyết, Kim Loan (Mộng Tuyền), Trương Ánh Loan, Tấn Tài và Diệp Lang.
Đóng cặp với Thanh Nga, Phượng Liên…
NS Thanh Tú tên thật là Mai Văn Tú, SN 1939, là đệ tử ruột của cố NSƯT - nhạc sĩ Út Trong. Ông được thầy giới thiệu gia nhập Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga năm 1961. Lúc đó, NS Thành Được đã rời đoàn để thành lập gánh Út Bạch Lan - Thành Được nên các vai kép đều giao lại cho Thanh Tú.
Nghệ sĩ Thanh Tú (vai Nhuận Điền, phải) và NSƯT Thanh Sang (vai Trần Minh) trong vở Bên cầu dệt lụa
Sở hữu giọng ca truyền cảm, hình thể vạm vỡ và gương mặt điển trai, NS Thanh Tú đóng cặp rất ăn ý với NSƯT Thanh Nga trong các vở: Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Tấm lòng của biển…
“Vở Khói sóng Tiêu Tương là một bước đệm để tôi thăng tiến. Từ đó, các hãng phim biết đến, mời tôi đóng vai chính trong nhiều phim. Tuy nhiên, tôi không ỷ lại mà vẫn cố công học nghề khi qua Đoàn Ánh Chiêu Dương (năm 1969) của NSND Năm Châu.
NS Thanh Tú nổi tiếng với vai Nhuận Điền (vở Bên cầu dệt lụa của tác giả Thế Châu) - ảnh Thanh Hiệp
Môi trường này đã tôi luyện thêm tôi qua các vở: Nước biển mưa nguồn, Vợ và tình, Sân khấu về khuya… Những bài học mà thầy Năm Châu, Phùng Há dạy tôi vẫn còn nguyên vẹn tới giờ” - NS Thanh Tú nhớ lại.
Ngày nay, thỉnh thoảng nghe tin có diễn viên trẻ không thích đóng thế vai, NS Thanh Tú băn khoăn: “Họ không tự tin với bản thân. Với nghề này, việc thế vai là cơ hội. Sau khi thế NS Thành Được, năm 1971, tôi được bầu Xuân mời ký hợp đồng đóng cặp với NS Phượng Liên thay cho cặp Hùng Cường - Bạch Tuyết rời đoàn lập gánh riêng.
Chúng tôi đã giữ vững bảng hiệu Dạ Lý Hương. Tôi không lặp lại nét diễn của NS Hùng Cường mà tạo cái mới trong cảm xúc qua từng vai. Qua các tuồng: Bọt biển 3, Người dừng chân đêm mưa, Kẻ sợ tình, Đời là một chữ T…, chúng tôi được khán giả khen ngợi hết lời” - NS Thanh Tú hào hứng.
NS Thanh Tú và Trang Bích Liễu trong vở Giấc mộng đêm xuân (Sân khấu vàng 2008) (ảnh Thanh Hiệp)
Dính nghiệp làm bầu
Khi ở Đoàn Dạ Lý Hương, sự xuất hiện của NS Trang Bích Liễu đã làm thay đổi cuộc đời buồn tẻ của NS Thanh Tú. “Trước khi gặp và yêu cô ấy, tôi đã 3 lần đổ vỡ hạnh phúc gia đình… Sau 3 lần gãy gánh, tôi có 3 dòng con, tất cả đều được cha mẹ tôi cưu mang, chăm sóc” - ông ngậm ngùi.
Thấy mình có lỗi với cha mẹ nên NS Thanh Tú ngán ngẩm chuyện “đi thêm bước nữa”. “Song, có lẽ do duyên đã định nên khi gặp Trang Bích Liễu, tôi như cây khô bỗng tươi xanh, dù biết phải vượt bao khó khăn trở ngại mới trở thành chồng vợ. Tôi bị gia đình Trang Bích Liễu cấm cản, bởi cha mẹ cô ấy biết tôi có 3 đời vợ, sợ con gái đau khổ.
NS Thanh Tú và NSƯT Minh Vương trên Sân khấu vàng (ảnh Thanh Hiệp)
Chúng tôi đã rời đoàn hát để xuống Cần Thơ lập gánh Thanh Tú - Trang Bích Liễu cho đến ngày cha mẹ cô ấy chấp nhận mới quay về chịu tội” - ông hồi tưởng. Vượt qua sóng gió, suốt mấy mươi năm qua, ông bà đã là một đôi uyên ương trên sân khấu.
Khi về Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, NS Thanh Tú rất được khán giả hâm mộ với vai Nhuận Điền trong vở Bên cầu dệt lụa. Sau khi NSƯT Thanh Nga qua đời, NS Trang Bích Liễu từng thế vai Quỳnh Nga trong Bên cầu dệt lụa nhưng chưa bao giờ NS Thanh Tú rời bỏ vai Nhuận Điền. “Có lẽ nhờ tôi chung thủy với nhân vật nên tổ thương. Từ vai diễn này, tôi đã vượt qua nhiều nghịch cảnh” - NS Thanh Tú thừa nhận.
Hơn 40 năm theo đuổi sân khấu cải lương, NS Thanh Tú không khỏi bùi ngùi khi đúc kết những bài học mà ông chiêm nghiệm. “Tôi vay nợ lập đoàn hát, ban đầu để tránh xa sự khống chế của gia đình bên vợ nhưng đồng thời cũng muốn nhanh chóng tạo dựng sự nghiệp. Đoạt Giải Thanh Tâm cùng Diệp Lang và Tấn Tài nhưng tôi thấy mình không tiến bộ về nghệ thuật ca hát như họ. Chính nghề làm bầu đã hạn chế nghề diễn. Trước tôi, Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương… đều dính nghiệp làm bầu, sau khi rứt ra mới tồn tại và phát triển được” - ông bộc bạch.
NS Thanh Tú, Bạch Tuyết, Phượng Liên và Thanh Sang trong chương trình Xuân hội ngộ 2009 (ảnh Thanh Hiệp)
Sau năm 1975, NS Thanh Tú tiếp tục lập Đoàn Kim Tinh diễn thường trực ở Hậu Giang, đến năm 1976 phải giải tán do lỗ lã. Ông phải bán nhà trả nợ và về hát ở các đoàn tập thể: Thanh Nga, Phước Chung, Văn Công TPHCM… Năm 1978, NS Trang Bích Liễu sinh con, cuộc sống của họ lâm vào cảnh thiếu thốn. Lúc đó, NS Thanh Tú mới dẹp bỏ mộng làm bầu, tính quay lại nghề diễn viên thì đã trễ.
“May là khi tham gia Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, tôi có được vai Nhuận Điền, đi đến đâu bà con cũng thương. Có lần trên đường từ Hậu Giang về, kẹt phà mà vợ đau bụng sinh, tôi chạy vào nhà dân xin cứu giúp.
Chủ nhà đang say ngủ, nghe tôi giới thiệu là NS bèn dọ hỏi: “Chú em nói là NS, vậy có biết Nhuận Điền là thằng nào không?”. Tôi vội đáp: “Thưa bác, thằng đó chính là con” rồi ca liền mấy câu vọng cổ để chứng minh. Chủ nhà tin ngay và lấy ghe đưa vợ tôi tới kịp nhà bảo sanh. Tất cả cũng nhờ vai Nhuận Điền” - ông bày tỏ tri ân.
Mắc nợ Nhuận Điền
Khi sân khấu cải lương gặp khó khăn, vợ chồng NS Thanh Tú chấp nhận rời xa, mở quán nhậu Bên Cầu Dệt Lụa gần Bến xe Miền Tây - TPHCM. “NS không biết làm kinh tế, quán lỗ lã hoài nên tôi đành dẹp. Đó cũng là lúc tôi bị huyết áp dẫn đến tai biến cách đây 3 năm tưởng đã không còn ngồi dậy được” - ông cho biết.
Giờ thì NS Thanh Tú đã có thể tự đi lại nhưng vẫn chưa ca vọng cổ được. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng: “Tôi biết Nhuận Điền sẽ không lâm nạn vì khán giả và đồng nghiệp vẫn còn thương. Tôi mong mau bình phục để được diễn lại vai này, dù có chết trên sân khấu cũng vui. Cuộc đời tôi đã mắc nợ Nhuận Điền nhiều rồi”. |
Kỳ tới: Mỹ Châu: Đa sầu, trầm lạnh