- Đạo diễn Lý Huỳnh: Tính đến thời điểm này, cũng đã tròn 36 năm kể từ ngày tôi bước chân vào điện ảnh, với vai diễn đầu tiên đại tá Hoàng trong bộ phim Cô Nhíp (cố đạo diễn Khương Mễ). Rồi cũng đã tham gia đóng 52 phim và sản xuất 31 phim. Với nghệ thuật thì mình chỉ biết làm hết sức, bằng sự tận tâm và tất cả khả năng của mình chứ không phải làm vì những giải thưởng, danh hiệu.
*Vậy ông có thấy tiếc nuối khi đã bỏ điện ảnh gần 10 năm mới quay trở lại với Tây Sơn hào kiệt?
- Khi làm xong phim Nước mắt buồn vui năm 2000, hãng phim Lý Huỳnh đã rút chân khỏi điện ảnh vì tôi thấy rằng nếu tiếp tục làm phim thì sẽ rất khó thu hồi vốn. Thời thế thay đổi, nếu trước đây số lượng rạp chiếu trải rộng lên đến mấy chục rạp thì sau này đã co cụm lại, phim ra cũng bị cạnh tranh rạp chiếu. Tạm dừng không có nghĩa là ngưng hẳn, mà chúng tôi cũng âm thầm chuẩn bị nguồn lực để trở lại. Cái gì cũng cần đúng thời điểm của nó. Thị trường điện ảnh bây giờ đã đổi thay nhiều.
*Hình như hãng phim Lý Huỳnh cũng đang chuẩn bị làm tiếp bộ phim lịch sử về Đô đốc Bùi Thị Xuân?
- Chúng tôi đã nộp kịch bản lên Cục Điện ảnh, ngay sau khi được duyệt sẽ bắt tay đi tìm bối cảnh, nghiên cứu phục trang… Lần này bối cảnh chính cũng ở Bình Định và Buôn Ma Thuột. Trang phục của phim Tây Sơn hào kiệt, chủ yếu là trang phục binh lính, xem lại cái nào có thể phù hợp với phim này thì tái sử dụng một phần, còn nếu không thì may mới toàn bộ. Riêng về nhân vật Bùi Thị Xuân, chúng tôi cũng sẽ trở lại Bảo tàng Quang Trung một lần nữa để có thể xây dựng hình tượng chân xác nhất về nhân vật - như đã từng làm với nhân vật anh hùng Nguyễn Huệ trong Tây Sơn hào kiệt.
* Tây Sơn hào kiệt công chiếu, cũng có không ít ý kiến cho rằng phim thiếu cảnh hoành tráng, ông rút kinh nghiệm trong cách thể hiện Đô đốc Bùi Thị Xuân?
- Tôi lắng nghe hết ý kiến khen chê về Tây Sơn hào kiệt, tổng hợp đại đa số ý kiến chê phim thiếu hoành tráng là ở trận chiến cầu phao sông Hồng và trận đánh đồn Ngọc Hồi. Đúng là chúng tôi đã chọn bối cảnh chưa thật hoàn hảo và không chọn cách sử dụng kỷ xảo vi tính để nhân quân số. Nhưng bản thân tôi cũng thấy được an lòng khi phim được xác lập kỷ lục Việt Nam là Bộ phim truyện nhựa thể loại dã sử võ thuật được dàn dựng quy mô, hoành tráng nhất.
* Một thời đình đám với thể loại phim hành động, vì sao ông không mang những phim như Hồng hải tặc, Kế hoạch 99, Phi vụ phượng hoàng… trở lại màn ảnh rộng ở thời điểm này?
- Chắc chắn chúng tôi sẽ làm! Kịch bản thì cũng đã có sẵn cả, chúng tôi cũng có câu lạc bộ võ thuật sinh hoạt định kỳ để khi nào “cần lên phim là có” nhưng nói thật, làm phim lịch sử hay hành động gì thì kinh phí, thời gian đều phải tốn kém gấp 3,4 lần phim tâm lý xã hội. Trước mắt, tôi đang tập trung cho phim về các vị anh hùng lịch sử. Sau Bùi Thị Xuân sẽ là Hai Bà Trưng. Còn nhiều kịch bản phim lịch sử ấp ủ chưa làm được.
Vai diễn ông Hai Lúa để đời của NSND Lý Huỳnh trong phim Vùng gió xoáy
* Từng là một tay đấm cừ khôi của Sài Gòn, thách đấu cả với huyền thoại Lý Tiểu Long, có không những khoảnh khắc bất chợt ông tiếc nuối về một thời vàng son đã đi qua?
- Nhớ chứ, nhưng không phải là sự nuối tiếc. Những năm thập niên 60, 70 có thể nói tôi là võ sĩ không ai địch lại đấy. Thượng đài 12 trận thì thắng 10, hòa 1 thua 1. Tôi nhớ cả lời thách đấu mà không bao giờ thành hiện thực với Lý Tiểu Long, khi đó đạo diễn Hàn Anh Kiệt – võ sư của đoàn phim điện ảnh Hồng Kông qua Việt Nam quay phim Long hổ sát đấu, ông đi tìm diễn viên phải biết tung “liên hoàn bát cước”, vậy là tôi được chọn.
Đại úy Xăm trong phim Hòn đất
- Bây giờ thì có thể nói là tôi hài lòng với tất cả những vai diễn mình đã đóng, những bộ phim mình đã làm, thấy mình đã làm hết tâm sức, đã thật sự cống hiến hết mình. Còn phim ảnh nếu tôi không làm được nữa thì các con tôi sẽ làm. Lý Hùng đã từng làm phó đạo diễn, chỉ đạo võ thuật trong phim Tây Sơn hào kiệt. Lý Sơn cũng có thời gian làm đạo diễn. Cả gia đình tôi là một tập thể làm nghệ thuật, đều hướng về cái chung là điện ảnh nên việc gì cũng chia sẻ, gánh vác cùng nhau được cả.
* Đạt được những thành tựu lớn lao trong nghệ thuật, nhưng nhìn về phía những trắc trở riêng trong hạnh phúc của các con, với ông đó thể là một chấp nhận cho khái niệm “hy sinh vì nghệ thuật”?
- Mỗi người một số phận, một cuộc đời. Bản thân một người cũng không thể thay đổi được gì. Làm cha làm mẹ thì ai cũng đau lòng khi con cái không được hạnh phúc trọn vẹn nhưng quan trọng là tinh thần, mỗi thành viên làm gì cũng tập trung hỗ trợ lẫn nhau.
Luôn đạt đến “đỉnh cao”
Có thể không quá khi nói rằng trong suốt cuộc đời của NSND Lý Huỳnh, ông làm gì cũng để lại dấu chân trên đỉnh cao của vinh quang: một “con báo đen” của võ thuật Sài Gòn; một ông Hai Lúa - mang về cho ông Giải nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim VN lần 6 vào năm 1983 - cũng trở thành biểu tượng về người nông dân của một thời; rồi cũng chính ông là người đã mở màn cho thể loại phim hành động những năm thập niêm 80 của thế kỷ trước bằng bột phim sốt vé Người không mang họ; sang phim lịch sử lại ghi đậm dấu ấn bằng Đêm hội Long Trì; không chịu thua kém đồng nghiệp làm phim tâm lý xã hội, Lý Huỳnh cũng có bộ 3 tập Nước mắt học trò… NSND Lý Huỳnh nói ở vai trò diễn viên, trong số 52 phim đã đóng, ông thích nhất 4 vai diễn ông trùm Ba Búa trong phim Mối tình đầu (đạo diễn Hải Ninh), ông Hai Cũ, đại úy Long trong Mùa gió chướng và đặc biệt là Hai Lúa trong Vùng gió xoáy (cố đạo diễn - NSND Hồng Sến). “Tôi rất nhớ ngày trước đi đâu cũng được gọi là ông Hai Lúa, đến giờ tôi thấy mình cũng giống ông Hai Lúa đi nhận danh hiệu vậy” - NSND Lý Huỳnh nói vui. |