NSND Kim Cương xúc động: “Tôi chưa kịp đến thăm thì anh đã ra đi. Tôi nhớ những ngày đầu khi vừa về nước, anh Duy đã tìm gặp tôi, anh Trần Văn Khê, anh Nguyễn Văn Đông để ôn lại những kỷ niệm của sân khấu kịch Kim Cương. Anh còn tinh tế nhận xét những nét diễn của tôi qua từng tác phẩm sân khấu mà theo anh, nó lồng chứa biết bao ký ức của anh về quê nhà”.
Ca sĩ Ánh Tuyết, Đức Tuấn, Quang Linh, Quang Dũng, Cẩm Vân, Khắc Triệu… là những người túc trực tại nhà nhạc sĩ Phạm Duy. Ca sĩ Ý Lan, cháu ruột của ca sĩ Thái Hằng (vợ quá cố của nhạc sĩ Phạm Duy) cùng với ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo, Tuấn Ngọc cũng đã kịp trở về Việt Nam tiễn đưa nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Duy Cường bên di ảnh của bố - nhạc sĩ Phạm Duy - trước khi đưa linh cữu ông về nơi an nghỉ cuối cùng
Đưa quan tài nhạc sĩ Phạm Duy ra xe hướng về Nghĩa trang Bình Dương
Hàng ngàn khán giả đến đưa tiễn nhạc sĩ Phạm Duy
Ca sĩ Tuấn Ngọc đại diện gia đình bên vợ cảm tạ quan khách, thân hữu đã đến đưa tiễn
Ca sĩ Thái Hiền, Thái Thảo và những thành viên trong gia đình đau xót
Đoàn đại biểu Hội Nhà văn TPHCM do nhà văn do nhà văn Lê Quang Trang làm trưởng đoàn đến viếng
Trong số những người bạn hữu đến tiễn đư a người nhạc sĩ tài hoa về đất Bình Dương an nghỉ, nhà thơ Kiên Giang xúc động: “Nhạc sĩ Phạm Duy có một thời niên thiếu thật hay. Anh sinh ra tại phố Hàng Cót, Hà Nội, là con trai của nhà văn Phạm Duy Tốn nên những áng văn thơ đã rót vào hồn ông rồi rải trên khuông nhạc. Năm 1942, khi 21 tuổi, ông đã có sáng tác đầu tay "Cô hái mơ". Ít ai biết ông xuất thân từ một gánh cải lương, đó là năm 1944 khi trở thành ca sĩ hát tân nhạc trong gánh hát cải lương Đức Huy – Charlot Miều. Cùng gánh hát này, ông đã đi khắp mọi miền đất nước. Nhờ thời kỳ hát rong mà Phạm Duy được gặp nhiều tài danh lớn như thi sĩ Lưu Trọng Lư, nhạc sĩ Lê Thương, Lê Xuân Ái, Văn Đông... và nhất là nhạc sĩ Văn Cao, người sau này trở thành bạn thân thiết”.
Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê xúc động khi đến viếng bạn lần cuối. Ông nói: “Trong năm qua, lần lượt những nhạc sĩ tài hoa đã ra đi, tôi xót xa tiễn biệt Phạm Duy và lòng cứ lâng lâng xúc động khi nghe những giai điệu rất đẹp mà anh đã để lại cho đời”.
GS-TS Trần Văn Khê viết vào sổ tang những dòng lưu niệm tiễn đưa nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn và ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)
Ca sĩ Quang Dũng đến đưa tiễn người nhạc sĩ mà anh gọi bằng bố
NSND Kim Cương và ca sĩ NSƯT Hồng Vân bên quan tài của nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Elvis Phương thắp hương tiễn biệt nhạc sĩ Phạm Duy
Công chúng đến đưa tiễn nhạc sĩ Phạm Duy đã được nghe nhiều sáng tác gắn liền với tên ông như: Tình ca, Về miền Trung, Tình hoài hương, Bà mẹ quê, Em bé quê, Hẹn hò, Cỏ hồng, Ngày đó chúng mình, Cây đàn bỏ quên, Phượng yêu, Kiếp nào có yêu nhau, Đừng xa nhau, Mưa rơi, Đường em đi, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Trả lại em yêu, Giết người trong mộng...
Vốn có tiểu sử bệnh tim và đã từng hai lần trải qua phẫu thuật, nhưng sự ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy vẫn rất đột ngột. Ông qua đời khi đang tham gia thực hiện một bộ phim tư liệu về cuộc đời mình.
Cách đó vài tháng, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép phổ biến 21 ca khúc của ông như: Mùa thu chết, Giọt mưa trên lá, Tạ ơn đời, Tiễn em, Đi đâu cho thiếp theo cùng, Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Nước mắt rơi, Những gì sẽ đem theo về cõi chết, Phố buồn, Tiếng hát trên sông Lô, Viễn du, Xuân nồng, Biển khúc, Em hát, Khúc ru tình, Nỗi nhớ vô thường, Tình qua tin nhắn.
Công chúng yêu âm nhạc mãi mãi nhớ đến những ca khúc của ông. Các thế hệ ca sĩ sẽ mãi lưu dấu hình ảnh một người nhạc sĩ tóc trắng bạc phơ, mỉm cười lặng lẽ ở một góc khán phòng nghe họ hát những ca khúc của chính mình.
Đạo diễn Đinh Anh Dũng xúc động tiễn biệt nhạc sĩ Phạm Duy
Ca sĩ Quang Linh hát tiễn đưa nhạc sĩ Phạm Duy
(*) Lời trong ca khúc "Kiếp nào có yêu nhau" của Phạm Duy