NS này bày tỏ sẽ góp phần tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ tham gia với nhóm sân khấu xã hội hóa mà anh đã gầy dựng 10 năm qua. "Trước mắt trong live show xuyên Việt của tôi sắp được tổ chức, tôi sẽ mời một số bạn tham gia. Đồng thời vào mùa vu lan báo hiếu năm nay, chương trình Vầng trăng mẹ lần 2 sẽ có sự góp mặt của các bạn diễn viên trẻ khóa này. Xem các bạn diễn tôi rất cảm động, trước hết là ý thức chịu khó rèn luyện, lao vào những vai diễn khó" - NS Vũ Luân cho biết.
Được biết, sự kết hợp đào tạo giữa Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM là kết quả của cuộc hội thảo“Thực trạng sân khấu cải lương tại TPHCM” được tổ chức tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM ngày 09-11-2010.
Thạc sĩ Lê Ngọc Hóa – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM cho biết sân khấu cải lương đã từng có thời kỳ lừng lẫy. Hiện cải lương đang có nhiều khó khăn nhưng công chúng không hẳn đã quay lưng với cải lương. Nói cách khác, quần chúng đang mong muốn điều gì đó lớn hơn từ nghệ thuật cải lương. Để bảo tồn và phát huy bộ môn này, phải có những giải pháp đồng bộ. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế tổ chức quản lý, chế độ bồi dưỡng nhân tài, khuyến khích sáng tạo thì vấn đề quan trọng là đào tạo, xây dựng đội ngũ nghệ sĩ kế thừa.
Điều làm cho tất cả nghệ sĩ và khán giả đến xem bất ngờ là sự đa dạng trong phong cách diễn xuất của 20 diễn viên khóa đào tạo này. Nguyễn Tấn Phát khắc họa tính cách một kẻ ác ôn, dùng nhiều thủ đoạn chiêu dụ Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai tố giác tổ chức cách mạng. Nguyễn Hoàng Hải, Diễm Kiều, Lê Thanh Tâm diễn đạt vai những người nông dân chất phác, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đồng đội, dù chưa một lần biết mặt…
Nhìn những nụ cười, những giọt nước mắt trong đêm báo cáo của họ, ai cũng bùi ngùi vì bắt đầu từ đêm diễn đó, họ đã là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng sàn diễn nào sẽ cưu mang bước tiến khi mà sân khấu vẫn còn điu hiu?