Tham vọng chinh phục thị trường thế giới là điều hoàn toàn chính đáng, nhất là khi người mẫu Việt thế hệ mới như Tuyết Lan, Huyền Trang, Hoàng Thùy,… có thể sánh ngang người mẫu ngoại về chiều cao cũng như kỹ năng trình diễn. Thế nhưng, tâm lý luôn muốn đi tắt để nhanh khẳng định bản thân khiến họ đánh mất cơ hội tiến triển của người mẫu Việt trên thị trường quốc tế.
Phải có công ty đại diện
Huyền Trang từng cho biết cô quyết phát triển nghề người mẫu của mình tại New York - kinh đô thời trang thế giới với sự giúp sức của Huy Võ và người mẫu Hà Anh (cựu giám khảo mùa giải trước của cuộc thi Vietnam’s next top model). Thế nhưng, đi chưa được bao lâu, Huyền Trang đã trở về và như lời tiết lộ của nhà sản xuất chương trình Vietnam’s next top model, Huyền Trang đề nghị hợp tác cùng công ty này.
Lý giải cho lời đề nghị của Huyền Trang, bà Quỳnh Trang (giám đốc sản xuất chương trình Vietnam’s next top model) nói: “Đề nghị của Huyền Trang hoàn toàn dễ hiểu bởi cô đã nhận ra một điều, khi theo đuổi công việc người mẫu ở nước ngoài, nếu cô không có agency (công ty quản lý) đại diện, cô chỉ là một con số không”.
Tuyết Lan tại Milano Show ở New York
Nếu ở Việt Nam, các thương hiệu thời trang, nhà thiết kế luôn làm việc trực tiếp với các người mẫu thì ở nước ngoài, các công ty chỉ làm việc qua công ty đại diện. Người mẫu chỉ có một việc duy nhất là làm việc theo lịch trình của các công ty đại diện vạch ra. “Ở những nước công nghiệp thời trang phát triển, công việc người mẫu không chỉ đơn giản là một nghề mà nó còn là một công việc kinh doanh” - nhà thiết kế Minh Hạnh nói.
Từ đó,mọi quy trình đều được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Trong khi đó, “ở Việt Nam, các người mẫu quen làm việc tự do, không qua các công ty và thậm chí còn cho rằng nếu làm việc thông qua công ty, họ bị chia sẻ lợi nhuận” - ông Thanh Long cho biết.
Người mẫu Tuyết Lan vừa ký hợp đồng với công ty quản lý người mẫu hàng đầu tại Mỹ Wilhelmina Models qua hỗ trợ của Công ty Be U Models. Đây chính là bước khởi đầu trong việc đưa Tuyết Lan sang New York để phát triển sự nghiệp người mẫu chuyên nghiệp quốc tế có công ty đại diện nên Tuyết Lan có bước khởi đầu thuận lợi.
Ai cũng là siêu mẫu (?!)
Khác hẳn với môi trường hoạt động thời trang chuyên nghiệp của thế giới, Việt Nam có siêu mẫu nhiều hơn người mẫu. Để có được danh hiệu siêu mẫu, một người mẫu quốc tế có đến chục năm chứng tỏ bản thân với những thành tựu vang dội. Điều đó lý giải trong hàng ngàn người mẫu đang hoạt động trên thế giới hiện nay, số người được gọi siêu mẫu chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp. Thế nhưng ở Việt Nam, ai cũng là siêu mẫu, từ những người làm nghề nhiều năm, vài năm đến những người vừa được phát hiện từ một cuộc tranh tài mang tên Siêu mẫu Việt Nam hay Vietnam’s next top model, dù vốn liếng nghề nghiệp của họ chưa có gì đáng nói.
Người mẫu Tuyết Lan kể lại: “Việc đã được chọn ở vòng tuyển lựa mà không được diễn catwalk là chuyện hết sức bình thường ở nước ngoài, bởi dù bạn có đi catwalk giỏi nhưng không hợp với bộ trang phục cần trình diễn, bạn vẫn bị sa thải. Đó là nguyên tắc mà bản thân tôi hay Hoàng Thùy đều hiểu rõ”. Thực tế, ngay cả người mẫu nổi tiếng (ngoại trừ các siêu mẫu đã có thương hiệu toàn cầu) cũng đều phải qua tuyển chọn. Và đây chính là điều hoàn toàn trái ngược với cách làm việc ở Việt Nam.
Hoàng Thùy trình diễn tại New York. Ảnh: XƯƠNG VŨ
Người mẫu Hoàng Thùy kể một lần chụp ảnh ở New York, nhiệt độ ngoài trời lúc đó - 50C. Khi thấy tôi lạnh run, người quản lý nói với êkíp chụp ảnh rằng cho tôi vào chụp trong phòng vì trang phục quá mỏng manh, chắc chắn tôi sẽ quỵ mất. Lúc đó, tôi còn nhớ như in ánh mắt của cả êkíp và câu trả lời của họ rằng: “Cô ấy là một người mẫu và hãy làm việc với một thái độ chuyên nghiệp”. Có lẽ, đây chỉ là một câu chuyện nhỏ nhưng với cách làm việc của người mẫu Việt như thực tế sẽ khó thích nghi với môi trường ở nước ngoài.
Không phải ngẫu nhiên mà các “chân dài” như Ngọc Oanh, Hoàng Thùy, Tuyết Lan hay Bảo Hòa trước đây phải tham gia các cuộc thi Người mẫu châu Á, Top model of the world, Elite model look,… Bởi đây chính là cơ hội để những người mẫu này làm dày thành tích của mình, một hành trang cần thiết giúp họ có thể bước đến các kinh đô thời trang nước ngoài.
Người mẫu Thúy Hạnh khẳng định: “Người mẫu Việt thế hệ mới hoàn toàn có tiềm năng, cơ hội để trở thành người mẫu quốc tế. Thế nhưng, vấn đề là người mẫu Việt phải hình thành thái độ làm việc chuyên nghiệp cùng với quyết tâm phát triển nghề”. Dẫu vậy, đến nay, người mẫu Việt vẫn chỉ tập trung cho các cuộc thi nhan sắc, kể cả những cuộc thi không tiếng tăm để tìm danh hiệu, một phương thức dễ kiếm tiền ở quê nhà thay vì nuôi tham vọng bước vào thị trường lớn như các người mẫu nước ngoài vẫn làm.
Phong cách quốc tế
Bà Quỳnh Trang, Giám đốc sản xuất chương trình Vietnam’s next top model cho biết: Để có được chữ ký chấp thuận đến Việt Nam của siêu mẫu Tyra Banks, nhà sản xuất Vietnam’s next top model phải làm việc với 10 công ty đại diện của Tyra Banks từ công ty quản lý chuyên về thỏa thuận hợp đồng, công ty về hình ảnh đến công ty về quảng cáo, công ty về lịch trình,…
Và dù Tyra Banks vốn là một nhà kinh doanh chuyên nghiệp chứ không đơn thuần là một siêu mẫu nhưng khi nhận được đề nghị chụp thêm một tấm ảnh ngoài 6 tấm ảnh đã thỏa thuận theo hợp đồng nhân chuyến cô đến Việt Nam, câu trả lời của Tyra Banks là “Hãy liên lạc với New Yorks, nếu họ đồng ý thì sẽ không có vấn đề gì cả”. Điều đó phản ánh phần nào thái độ, phong cách chuyên nghiệp của một người mẫu quốc tế. |