Từ ngày 18 đến 25-2, vòng chung kết giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 11 do Hội Sân khấu, Đài Truyền hình TPHCM, Đài PTTH Hậu Giang tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát Truyền hình (Đài Truyền hình TPHCM - HTV) và Nhà hát Quân Đội. 22 diễn viên trẻ đến từ 10 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của TPHCM và các tỉnh phía Nam đã và đang tranh tài với hai bảng: HCV triển vọng (19 diễn viên) và HCV xuất sắc (3 diễn viên).
Khán giả theo dõi giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 11 và giới chuyên môn đều đánh giá cao chất giọng của 22 diễn viên trẻ khi họ đã vượt qua vòng bán kết diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ và Trung tâm Văn hóa Hậu Giang vừa qua. Do điều kiện kinh tế, giải thưởng Trần Hữu Trang đã bị gián đoạn 6 năm, sau lần tổ chức năm 2007, nhưng thời gian đó lại là một cơ hội tốt để các “sĩ tử” rèn luyện làn hơi và tìm kiếm cho mình cách thể hiện riêng qua mỗi chất giọng.
Ngọc Đợi (trái) và Hồng Nhiên trong trích đoạn Thời con gái đã xa
Nhờ vậy, họ đến với mùa giải năm nay đều tự tin vì đã có chất giọng riêng và sở hữu ít nhiều những giải thưởng từ các sân chơi tuyển chọn giọng ca vọng cổ như: Chuông vàng vọng cổ (HTV), Bông lúa vàng (Đài TNND TPHCM), Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền (Cần Thơ), Giải thưởng ca cổ Út Trà Ôn (Vĩnh Long)… NSND Huỳnh Nga nhận xét: “Yếu tố ca được quan tâm hàng đầu nhưng với giải Trần Hữu Trang còn cần phải kết hợp với diễn xuất”.
Đúng là nếu chỉ cần nghe ca thì không phải đến với giải thưởng Trần Hữu Trang khi sân chơi này đòi hỏi cả tài năng ca và diễn. Nhìn thấy rõ có hai khuynh hướng thí sinh xuất hiện trong mùa giải năm nay, một bên được đào tạo chính quy và một bên được trui rèn theo phương pháp truyền nghề.
Hai diễn viên đoạt giải Chuông vàng vọng cổ: Võ Minh Lâm (2006), Ngọc Đợi (2007) có chất giọng nhưng về diễn xuất vẫn còn nhiều hạn chế. Diễn viên Võ Minh Lâm diễn trích đoạn Đêm trước giờ hoàng đạo có sự chỉn chu trong diễn xuất, nhưng bị áp lực của lớp độc diễn Kiếp tằm (chỉ ngồi trên xe lăn để diễn xuất tâm trạng người nghệ sĩ bất lực khi bị tàn phế), đây là lớp diễn thách thức đối với những diễn viên còn non nghề. Hoặc Ngọc Đợi vào vai Diệu (trích đoạn Thời con gái đã xa) – cô diễn thân phận một nữ chiến sĩ chịu nhiều mất mát, chiến tranh đã cướp đi nhan sắc và tuổi thanh xuân. Dù có làn hơi ngọt ngào nhưng diễn xuất của Ngọc Đợi trong đêm 18-2 vẫn chưa làm khán giả xúc động.
Hai giọng ca được xem là chuẩn này chưa biết có làm nên chuyện ở cuộc so tài giành chiếc HCV. Còn với các diễn viên khác đến với sân chơi đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao trong ca diễn của giải thưởng Trần Hữu Trang từ những môi trường hoạt động biểu diễn cải lương không còn trọn vẹn vở tuồng, thay vào đó chỉ diễn trích đoạn, ca cổ thì sẽ rất buồn tẻ nếu không có những bứt phá như các mùa giải trước.
Những diễn viên ở bảng triển vọng như: Hồng Thủy, Phương Anh (Nhà hát Tây Đô), Ngọc Quyền (Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9), Hoàng Hải, Phương Trần, Lê Thanh Tâm, Thanh Toàn (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Đoàn Minh (Đoàn 1 Trần Hữu Trang), Thúy An, Mỹ Hạnh, Vĩnh Sơn (Đoàn Cao Văn Lầu – Bạc Liêu), Hoài Thanh, Thành Tây (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM)… và 3 gương mặt dự thi giải xuất sắc: Trúc Ly (Đoàn Hương Tràm – Cà Mau), Hoài Vương (Tiền Giang), Huỳnh Hải Long (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM) đều mang tâm trạng hồi hộp khi đến với mùa giải. Vì với họ, ca diễn trên sân khấu chuyên nghiệp vẫn còn nhiều bỡ ngỡ mà nếu chỉ có thi ca, không cần diễn xuất thì việc họ có mặt ở vòng chung kết đã là một nỗ lực rất lớn.