Gần đây, một nữ sinh làm đơn tố cáo bị thần tượng là nam ca sĩ Châu Việt Cường cưỡng hiếp hai lần. Vụ việc được công an Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội đang tích cực điều tra. Theo đơn trình báo, nữ sinh trên tình cờ quen ca sĩ Cường qua mạng xã hội và thường xuyên trò chuyện. Lần gặp mặt đầu tiên, nữ sinh trên đã bị nam ca sĩ này cưỡng hiếp. Trong khi đó, phía ca sĩ Cường lại trả lời các phương tiện truyền thông là việc “quan hệ” nữ sinh trên xuất phát từ "tình cảm nam nữ"…
Vụ việc đang được điều tra, chưa biết thực hư thế nào nhưng vụ việc trên một lần nữa "gióng hồi trống" cảnh báo giới trẻ Việt nói chung cần thận trọng hơn trong cách ngưỡng mộ một ca sĩ, thần tượng nào đó. Tránh tình trạng quá cuồng nhiệt với một "tượng đài ảo" và vướng vào những rắc rối không cần thiết cho bản thân, ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này.
Nữ sinh tố cáo bị thần tượng cưỡng bức
Việc yêu thích, say mê một bài hát, một ca sĩ trong, ngoài nước nào đó không phải là điều xấu nhưng nên có chừng, có mực. Thiết nghĩ, đến lúc xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến giới trẻ, phụ huynh cần quản lý con em ở độ tuổi “xì-tin” chặt hơn để giảm bớt đi sự “cuồng nhiệt” thần tượng đầy ẩn họa.
Thời gian vừa qua, đã có nhiều bài báo, loạt phóng sự kể về thực trạng “fan cuồng” ở bộ phận giới trẻ Hàn, cuộc sống không có ánh sáng, lang thang khắp nơi để theo thần tượng khiến nhiều người kinh hoàng. Những bạn trẻ tuổi ăn tuổi học đã bỏ ngang mọi chuyện, tập trung sức lực và tiền bạc bám thần tượng “trên từng cây số”. Thậm chí, để đủ tiền mua vé xem thần tượng, chi phí ăn ở… một số bạn gái đã chấp nhận “bán dâm” kiếm tiền phục vụ sở thích của mình.
Chuyện “rùng rợn” tưởng chỉ có ở nước bạn ấy dường như đang du nhập vào nước ta và ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ. Trong vài năm gần đây, ngoài Anh, Mỹ, làn sóng văn hóa Hàn đổ bộ vào Việt Nam khá mạnh và tạo nên tác động đến giới trẻ Việt, đến hiện tại chỉ thấy tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Một bộ phận lớn học sinh từ lớp 6 đến 12 chăm chỉ theo dõi tin tức của các oppa, unie… Họ lập diễn đàn, hội trên mạng để thu nạp thành viên. Những hội này thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt và các thành viên xuất hiện thường xuyên hơn cả trên lớp học. Để chứng tỏ độ yêu thích thần tượng, những người hâm mộ nhí ra sức sưu tập, săn lùng ly tách, poster, đĩa nhạc… có in ảnh thần tượng để mang về nhà ngắm.
Tốn tiền bạc, công sức để tưởng nhớ những người tận… xứ Hàn và cả những xứ khác chưa đủ, mỗi khi có một thần tượng nào sang Việt Nam, lập tức các trang mạng lại nhộn nhịp hùn hạp tiền bạc để lên kế hoạch đón tiếp. Cả hội đến sân bay đợi chờ hàng tiếng đồ hồ chỉ mong ước được “trông tận tay, day tận mặt” thần tượng. Thậm chí, nhiều bạn trẻ bỏ tiền đi máy bay, thuê nhà trọ và ăn bánh mì cầm hơi chờ đợi đến lúc thần tượng xuống máy bay, đi ngang qua.
Đôi lúc, thần tượng đi theo ngõ VIP hoặc không xuất hiện như thông báo, nhiều bạn khóc ầm ĩ, ngất xỉu… vì thất vọng. Nhưng có khi thần tượng xuất hiện rồi, nhiều bạn đã trông thấy rồi cũng bật khóc vì sung sướng. Và rồi sau đó là cả một cuộc chiến với cha mẹ để đòi mua vé đến xem thần tượng biểu diễn. Để có tiền, một số bạn trẻ không ngại tuôn ra những lời dọa dẫm tự tử, tuyệt thực, gào khóc ầm ĩ làm phiền đấng sinh thành.
Trong chương trình giao lưu văn hóa gần đây giữa Việt – Hàn, một số bạn trẻ đã không ngại thể hiện những hành động thái quá như chạy bộ theo xe chở các thần tượng bất chấp nguy hiểm, hôn ghế thần tượng đã ngồi… Những hành động trên biến một số bạn trẻ trở thành những người “kỳ quặc”, một sự cuồng thái quá, tiêu cực.
Trước những thực trạng trên, nếu mỗi gia đình và xã hội không thực sự nghiêm túc trong việc định hướng cho suy nghĩ của giới trẻ về việc lựa chọn thần tượng thì nhiều bạn trẻ sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng không phân biệt được tốt, xấu, chạy theo tâm lý đám đông và gây rắc rối cho chính bản thân mình.