Những hình ảnh hóa thân vào nhân vật sân khấu cải lương của Ngọc Đợi, Lê Văn Gàn, Diễm Kiều chỉ có được trong những đêm thi Chuông vàng vọng cổ.
Khi cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2011 do Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sắp diễn ra vòng thi chung kết xếp hạng, những người quan tâm đến cuộc thi nói riêng, nghệ thuật cải lương nói chung, lại không khỏi chạnh lòng. Năm năm qua, cuộc thi này đã phát hiện nhiều gương mặt ca diễn triển vọng cho sân khấu cải lương nhưng trong số những thí sinh đoạt giải cao bước ra khỏi cuộc thi, không mấy người tìm được đất để thể hiện khả năng ca diễn của mình.
Đi hát quán nhậu, nhà hàng
Sau khi đoạt giải Chuông bạc 2007, Lê Văn Gàn, người có chất giọng trầm ấm, vút nhẹ câu ca khi xuống xề, gợi cho khán giả nhớ về cách ca đầy ma thuật và điêu luyện của “Hoàng đế dĩa nhựa” Tấn Tài, đã đi kiếm đất diễn ở các quán vọng cổ. Giai đoạn đầu, đêm nào cũng phải uống rượu, bia theo lời mời của các thực khách, Lê Văn Gàn suýt hư giọng. “Bạn bè đồng nghiệp khuyên tôi nên hạn chế uống rượu, bia để còn giữ giọng chờ có ngày được mời hát trên sân khấu” - anh xúc động kể.
Tương tự, Võ Thành Phê – giải Chuông vàng 2008, thỉnh thoảng mới có sô quay hình phim truyện cải lương, thời gian còn lại vẫn phải đi hát sô ở các quán bia và đến nhà hát theo yêu cầu của các đại gia. Các giọng ca nữ như: Mỹ Vân, Ngọc Lê, Thu Vân, Nhơn Hậu, Như Huỳnh… cũng rất ít có sô diễn nên chủ yếu vẫn nhận sô hát quán ăn.
Bùi Thanh Phong, giải tư năm 2007, tâm sự: “Mơ ước của tôi là được đứng trên sân khấu biểu diễn nhưng lấy đâu ra cơ hội nên đành phải đi hát ở quán để mưu sinh. Từ Bến Tre lên TPHCM lập nghiệp, sau cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, tôi phải làm cật lực để nuôi vợ và con gái. Vợ tôi phải nhận hàng may gia công về làm tại nhà trọ. Có những đêm đi hát về, tôi còn phải phụ vợ để kịp giao hàng cho khách. Dù vậy, có tháng chi tiêu vẫn thiếu hụt, phải xoay xở đủ bề”.
Theo Bùi Thanh Phong, thù lao hát ở quán nghệ sĩ tối thiểu từ 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/nghệ sĩ, tùy theo mức độ nổi tiếng đến đâu. Thỉnh thoảng có các đại gia yêu thích cải lương tổ chức tiệc, các “chuông vàng”, “chuông bạc” cũng có dịp được mời đến ca, tiền thù lao có khi được cho đến 5 - 7 triệu đồng/người nhưng phải ca liên tục và uống với khách đến mức “không say không về”.
Võ Thành Phê tâm sự: “Đích đến của nghề nghiệp mà chúng tôi đeo đuổi không phải là hát quán, hát đám tiệc. Tôi chỉ mong có được dịp đứng trên sân khấu, trước khán giả đích thực của mình, được hát bằng trái tim và cảm xúc”.
Sân khấu “Chuông vàng”?
Có lẽ người may mắn nhất trong số các thí sinh đoạt giải cao của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ là Võ Minh Lâm. Đoạt giải Chuông vàng năm 2006, Võ Minh Lâm được mời về Đoàn Thắp sáng Niềm tin của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và trên sân khấu này, Võ Minh Lâm đã có vai Triệu Sóc trong vở Đứa con họ Triệu, đoạt Giải Mai Vàng 2010 hạng mục Nam diễn viên sân khấu được yêu thích nhất.
Một số giọng ca bước ra từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ đã được Sân khấu Vàng của NSƯT Minh Vương, Lệ Thủy nâng đỡ như: Võ Thành Phê, Như Huỳnh xuất hiện trong vở Rạng ngọc Côn Sơn do NSƯT Minh Vương đạo diễn và Đoạn tuyệt do NSƯT Bạch Tuyết đạo diễn; Cao Thúy Vy (giải tư 2007) xuất hiện trong vở Tô Ánh Nguyệt do NSƯT Lệ Thủy đạo diễn; Lê Văn Gàn diễn vai nông dân trong vở Tình sử Dương Quý Phi do NSƯT Vũ Linh dàn dựng… Điều này chứng tỏ họ đủ sức đứng trên sân khấu chuyên nghiệp nhưng cơ hội được tham gia các vở diễn thì quá hiếm.
NSƯT Minh Vương đặt vấn đề: “Vì sao chúng ta không mạnh dạn xây dựng hẳn một sân khấu dành cho các thí sinh bước ra từ Chuông vàng vọng cổ? Với lượng thí sinh đoạt giải cao 5 năm qua, chúng ta có thể xây dựng một sân khấu dành cho họ. Đài Truyền hình TPHCM sẽ phối hợp với Nhà hát Trần Hữu Trang, Hội Sân khấu TPHCM để làm công việc quy tụ, tập huấn, dàn dựng tác phẩm để họ “có đất dụng võ”, không bỏ phí tài năng như hiện nay”.
Ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM:
Cần chung tay !
Trong khó khăn chung của sân khấu cải lương hiện nay, việc trả lại những chuẩn mực cho nghệ thuật này, từ khâu tổ chức, dàn dựng đến biểu diễn là rất quan trọng. Yếu tố con người quyết định tất cả những cải tiến. Mà cải tiến là hướng đến sự đổi mới toàn diện, trong khi cải lương rất cần sự quan tâm để cải tiến những chuẩn mực lâu nay bị tác động chủ quan làm cho bệ rạc, thiếu chuyên nghiệp.
Sự xuất hiện của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ mỗi năm mỗi thay đổi đã đưa ra những chuẩn mực hết sức cần thiết cho sự vực dậy hoạt động biểu diễn của nghệ thuật cải lương. Những chuẩn mực đó cần giữ gìn ngay trong những hạt nhân nòng cốt là các thí sinh đoạt giải cao trong 5 năm qua. Cái đáng nói chính là sự thiếu tập hợp để các em được tập huấn, được nâng cao mình hơn trong nghề, thay vì thả nổi như hiện nay. Để làm được công việc này không chỉ có Đài Truyền hình TPHCM, đơn vị tổ chức cuộc thi, mà là Hội Sân khấu TPHCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cùng đứng ra tổ chức.
T.Hiệp ghi |
“Sân khấu cải lương thu hẹp đất diễn từ nhiều năm qua, ngay cả nghệ sĩ chuyên nghiệp còn lao đao tự tìm đất sống để nuôi nghề thì nói gì đến thí sinh đoạt giải chuông vàng, chuông bạc” - một nghệ sĩ chua chát nói như thế. |