Giá iPhone 6s bản thấp nhất ở Hong Kong khoảng 721 USD còn ở Trung Quốc là 829 USD. Nhưng tại chợ điện tử Hoa Cường Bắc (Huaqiangbei) ở Thâm Quyến, người dùng có thể mua "iPhone thế hệ mới nhất" này chỉ 91 USD mà thôi. Đây là một trong những nơi nổi tiếng bán đồ điện tử và hàng "nhái" ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Chợ điện tử Huaqiangbei. Ảnh: SCMP.
Tang Shouquan, một người chuyên bán sản phẩm Apple và Samsung "nhái", chia sẻ với trang South China Morning Post (SCMP) rằng họ thường mua phiên bản thật từ Hong Kong để đối chiếu và ngay lập tức điều chỉnh màu sắc, hình dáng sao cho thiết bị giả trông như thật. Trong ngày đầu tiên iPhone 6s được bán ra, hàng giả chưa có bản vàng hồng (Rose Gold) do "dân buôn" chưa biết chính xác màu sắc sản phẩm trên thực tế , nhưng chỉ sau vài ngày bản Rose Gold đã sớm có mặt.
Nhìn bề ngoài, người mua rất khó phân biệt iPhone giả với hàng thật do hệ điều hành Android đã được tùy biến giao diện để các icon giống hệt giao diện hệ điều hành iOS của Apple. Máy được trang bị chíp lõi kép, bộ nhớ trong 8 GB và sử dụng cổng sạc Lighning như trên iPhone của Apple.
Tang cho hay, phần lớn hàng "nhái" được bán cho khách có thu nhập thấp. "Thị trường iPhone giả ở Trung Quốc rất lớn", Tang khẳng định. "Nhiều người mơ ước sở hữu sản phẩm đẳng cấp thế giới, nhưng với những người đến từ vùng sâu vùng xa, đó mãi chỉ là giấc mơ. Họ chẳng bao giờ có thể mua được chúng cả".
iPhone là sản phẩm thời thượng tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
iPhone được coi là một trong những món đồ thời thượng nhất ở Trung Quốc, bên cạnh máy tính MacBook, túi Hermes hay trang phục Prada. Trên trang web Taobao, nhiều thương gia còn bán cả ly Starbucks giả để những người không đủ tiền mua cà phê của thương hiệu này vẫn có thể dùng chúng để đựng cà phê tự pha rồi mang theo bên mình.
Hoa Cường Bắc từ lâu đã bị tai tiếng vì bán iPhone nhái/giả ngay từ thế hệ đầu tiên cho tới sản phẩm mới nhất năm nay. "Giá iPhone cũng đang giảm mạnh do ở đây các cửa hàng cạnh tranh rất gay gắt", Tang kể. Ông nhắc tới một người từng xây dựng một nhà máy lớn trong thành phố khoảng 4-5 năm trước để làm iPhone 4 và iPhone 4s giả.
"Thời điểm đó, ông ta rất nổi tiếng. Đại diện các cửa hàng bán lẻ khắp cả nước xếp hàng dài trước văn phòng ông ta với túi tiền trong tay. Mỗi ngày, ông ta kiếm được tới 300.000 nhân dân tệ (tương đương khoảng 47.000 USD). Nhưng giờ thì khó mà lãi như vậy do sự cạnh tranh quyết liệt hơn. Trước chúng tôi bán iPhone 4s giả với giá 300 USD, còn giờ iPhone 6s giả chỉ tầm 100 USD thôi", Tang nói.
Các cửa hàng với logo Apple mọc lên san sát tại một con phố ở Thâm Quyến. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, theo Reuters, không chỉ có iPhone giả mà ở Trung Quốc còn có cả cửa hàng Apple Store giả. Trên một con phố sầm uất ở Thâm Quyến, có tới 30 cửa hàng gắn logo quả táo màu trắng của Apple, nhân viên mặc áo phông màu xanh da trời, còn iPad và iPhone được trưng bày trên những chiếc bàn gỗ bóng bảy. Tuy nhiên, Apple chỉ có một Apple Store và năm cửa hàng ủy quyền ở Thâm Quyến. Tất cả những cửa hàng khác là giả mạo dù họ cũng bán đồ Apple thật.
"Ở Trung Quốc có rất nhiều người hâm mộ Apple", nhân viên tên Zhao tại một trong những cửa hàng không được Apple ủy quyền chia sẻ. "Rất nhiều người 'ngốc nghếch' sẵn sàng trả thêm tiền chỉ để sở hữu iPhone 6s trước tất cả những người khác".
Và thế là tình trạng buôn lậu đã diễn ra.
Tương tự ở Việt Nam, các cửa hàng cử nhân viên hoặc thuê người mua iPhone sớm ở Hong Kong, Mỹ... rồi mang về nước bán với giá cao gấp đôi, gấp ba giá thực trong những ngày đầu tiên.
Apple không bình luận về sự xuất hiện tràn lan của những cửa hàng như thế này, nhưng một số chuyên gia phân tích cho rằng điều đó cho thấy sức hút của Apple và giúp cho thương hiệu hãng này càng được nhiều người biết đến.