Năm vở diễn sân khấu được bạn đọc đề cử Giải Mai Vàng 2011 (Báo Người Lao Động tổ chức, nhãn hàng Sắc Ngọc Khang của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú tài trợ) có đến 4 vở là của sân khấu kịch nói. Điều này cho thấy sức hút của sân khấu kịch nói trong năm 2011 vẫn không giảm.
Một chọi hai
Ba vở kịch được bạn đọc đề cử Giải Mai Vàng lần này đều dựa theo tác phẩm văn học và đã tạo được ấn tượng đẹp đối với khán giả: Quyền lực của tình yêu (tác giả: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: Hữu Châu, Sân khấu Kịch IDECAF), Hãy khóc đi em (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc, dựa theo tiểu thuyết Trăng nơi đáy giếng của Trần Thùy Mai, đạo diễn: Ái Như, Sân khấu Hoàng Thái Thanh) và Con nhà nghèo (dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Viễn Hùng chuyển thể, đạo diễn: NSƯT Hồng Vân, nghệ sĩ Minh Hoàng, Sân khấu Kịch Phú Nhuận).
NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: “Vở kịch thơ Quyền lực của tình yêu của tác giả Nguyễn Quang Vinh được Hữu Châu dàn dựng với sự tham gia của các diễn viên nhiều kinh nghiệm của Sân khấu Kịch IDECAF đã thật sự được xem là tác phẩm “đỉnh cao” của sân khấu này trong năm 2011. Những bí mật chốn cung cấm, âm mưu tranh giành quyền lực không còn là điều mới mẻ với khán giả nhưng qua bản dựng của nghệ sĩ Hữu Châu, vở kịch đã có sức hấp dẫn người xem.
Nghệ sĩ Diễm Châu (trái) và nghệ sĩ Mỹ Uyên trong vở Sống thử (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM)
Lần đầu tiên dựng kịch thơ, Hữu Châu đã mang đến cho khán giả nhiều điều thú vị. Thành công trong dàn dựng của Hữu Châu chính là mang lại sự lãng mạn, chất trữ tình cho câu chuyện và các nhân vật. Tôi cho rằng Hữu Châu đã có được một vở kịch đỉnh cao trong sự nghiệp dàn dựng của anh, từ âm nhạc, cảnh trí đến trang phục và kết cấu vở diễn đạt trình độ thẩm mỹ cao”.
Nghệ sĩ Thanh Thủy và NSƯT Thành Hội trong vở Hãy khóc đi em (Kịch Hoàng Thái Thanh)
NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng nói về vở Hãy khóc đi em: “Tôi ít khi dùng hai chữ “hoàn hảo” để nhận xét tác phẩm nhưng xem vở Hãy khóc đi em, tôi thật sự hài lòng về sự hoàn hảo trong diễn xuất của dàn diễn viên trẻ. Bản dựng mới ngoài NSƯT Thành Hội và Thanh Thủy thì các vai diễn đều giao cho người mới, trong đó Hồng Ánh chỉn chu, rất thú vị với vai Thắm. Bản dựng mới này chặt chẽ hơn về đường dây, kết cấu kịch, phục trang, thiết kế sân khấu... và cả âm nhạc nữa”.
NSƯT Thành Lộc và NSƯT Mỹ Duyên trong vở Quyền lực của tình yêu (Sân khấu Kịch IDECAF)
Nghệ sĩ Tú Trinh nói: “Ái Như thật sự đã đem những trăn trở của đời sống kịch vào vở diễn này, khi mà kịch bản hay ngày càng hiếm nên phải làm lại vở cũ. Cách dựng của Ái Như là bám vào cảm xúc chứ không dùng kỹ thuật, tính cách các nhân vật được chăm chút rất kỹ và ngôn ngữ âm nhạc được sử dụng rất hợp lý”.
Vở kịch Con nhà nghèo là điểm son cuối năm của Sân khấu Kịch Phú Nhuận. Tác giả Lê Duy Hạnh nhận xét: “Kịch bản văn học là xương sườn vững để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Không gian vở được bài trí hết sức mộc mạc, cho thấy được bối cảnh của nông thôn Việt Nam thời kỳ đen tối dưới chế độ cai trị của thực dân phong kiến.
NSƯT Kim Tử Long và nghệ sĩ Kim Huyền trong vở Con nhà nghèo (Sân khấu Kịch Phú Nhuận)
Bản dựng trở nên sâu lắng vì chất văn học của nhà văn Hồ Biểu Chánh, được Hồng Vân và Minh Hoàng bám một cách trung thành. Diễn viên trẻ có được đất diễn vì nhân vật chia thành 2 giai đoạn lúc trẻ và già nên những vai của Kim Tử Long, Hồng Vân, Kim Huyền, Thanh Duy… đều có đất để tung hoành. Cái hay của hai đạo diễn là lồng ghép những mảng miếng hài châm biếm vào kịch rất hợp lý. Âm nhạc dân gian đưa vào kịch thuyết phục. Cái hay của kịch là tạo cơ hội để diễn viên trẻ tỏa sáng và thử nghiệm mình ở nhiều cấp độ khác nhau trong cảm xúc”.
Vẫn có cơ hội cho cải lương
Vở Đả chiến phá sông Ngân của cố NSND Năm Châu (tức tác giả Nguyễn Thành Châu) do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng đã tạo được tiếng vang từ những thể nghiệm mới của anh. NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét: “Là một vở diễn cũ từng được các nghệ sĩ cải lương quay video cách nay hơn 10 năm nhưng trên sân khấu sàn diễn, vở cải lương này chưa từng được các đoàn hát dàn dựng. Chính vì thế, lần này, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã đưa lên sàn diễn Đả chiến phá sông Ngân phục vụ khán giả cải lương. Mặc dù là vở diễn cũ, câu chuyện cũ nhưng nội dung của vở diễn xem ra vẫn còn hấp dẫn khán giả bởi tính nhân văn sâu sắc.
Nghệ sĩ Trinh Trinh và NSƯT Kim Tử Long trong vở Đả chiến phá sông Ngân (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang)
Vũ Minh có nhiều kinh nghiệm trong việc xâu chuỗi cảm xúc các vai diễn nên anh đã vận dụng những yếu tố đó để làm mới mảng miếng, tình huống của vở diễn này. Vở diễn đã mang lại cho người xem những thông điệp giàu ý nghĩa về lòng chung thủy cũng như sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Trong cuộc sống, nếu tất cả đến với nhau bằng một tình yêu chân thật thì không có khó khăn, thử thách nào có thể ngăn cách. Bám vào tư tưởng này nên từ cảnh trí đến vũ đạo, âm nhạc và kỹ xảo đều toát lên sự chân thật để mang lại cảm xúc trọn vẹn cho người xem”.
Sống thử: Đề tài “độc”
Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM năm nay ít có vở mới. Vở Sống thử vì thế đã tạo được sức hút đối với khán giả khi đặt ra một vấn đề rất được bạn trẻ quan tâm.
NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: “Nguyễn Công Ninh lâu nay ít dựng vở. Anh làm vở kịch này là do sự thúc hối của ban giám đốc nhà hát về việc phải có một vở diễn mang tính xã hội. Cách dựng của Ninh nhìn chung vẫn mang tính khám phá, thể nghiệm nên từ câu chuyện kịch tưởng chừng đơn giản, anh cắt lớp, lắp ghép và tạo nên sự kết nối hết sức thú vị.
Đề tài sống thử tưởng chỉ là một việc mà báo, đài nói đến như cảnh tỉnh giới trẻ trước những hậu quả của nó nhưng qua kịch, nó được khái quát bởi tài năng dàn dựng của Ninh để có câu chuyện kịch đầy cảm động”. |
TÀI TRỢ GIẢI MAI VÀNG 2011 BẢO TRỢ TRUYỀN HÌNH