Vẫn cách nói chuyện chậm rãi, từ tốn, khuôn mặt hiền hiền nhưng không ngu ngơ như hình ảnh thường gặp mỗi khi anh diễn trên sân khấu, Chí Tài tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời của một người đi chầm chậm nhưng chắc chắn.
Cặp tấu hài trời sinh
Người trong giới ví Hoài Linh – Chí Tài là một cặp tấu hài trời sinh. Nếu Hoài Linh ứng phó nhanh lẹ trên sân khấu thì Chí Tài lại diễn một cách chầm chậm. Đó cũng là lý do Chí Tài lên sân khấu luôn “bị Hoài Linh ăn hiếp”. Chí Tài kể: “Có lúc đang diễn chung trên sân khấu, Hoài Linh bật cười vì không ngờ cái mặt tôi khi diễn vừa ngu vừa đần như vậy. Linh liền dùng giọng Bắc để nói lấp: Cái mặt mày trông cứ đần thối”.
Chí Tài tâm sự: “Có lúc Hoài Linh nói với tôi thế là anh em mình đã làm cùng nhau 15 năm rồi đó anh Tài ơi. Tôi giật mình vì nghĩ chỉ mới có 7, 8 năm. Năm ngoái, Hoài Linh làm live show 15 năm tình bạn của “Gã lưu manh và chàng khờ”. Đi đâu khán giả cũng nói hai người giống như trời sinh ra một cặp. Nghe vậy, tôi cũng thấy vui vì nghĩ mình có số may mắn. Chắc do tổ đãi”.
Hơn 15 năm đứng trên sân khấu hài, Chí Tài không thể nhớ nổi mình đã diễn bao nhiêu vở. Anh chỉ biết rằng sự ưu ái của khán giả dành cho mình là một món quà vô giá mà anh luôn gìn giữ.
Từ tay ngang… tỏa sáng
“Linh hay chê tôi là căng thẳng quá, hay lo quá. Tôi lo chứ. Hoài Linh lúc đó rất nổi tiếng, lỡ mình làm không được thì ảnh hưởng tới người ta. Tôi sợ lắm”.
Nghệ sĩ Chí Tài với niềm tin chiến thắng
Lần đầu tiên nghệ sĩ Chí Tài có mặt trong hạng mục đề cử Diễn viên hài của Giải Mai Vàng 2011 với vai ông Tài trong vở Phước Lộc Thọ. Nghệ sĩ Chí Tài nói đó là niềm hạnh phúc không dễ gì có được. |
Những giọt nước mắt không lời
“Mỗi người có một khả năng riêng. Có khi tôi tập 9, 10 lần cũng chỉ bằng người ta tập 2, 3 lần thôi. Tôi không muốn vì mình mà làm ảnh hưởng tới những bạn diễn khác. Trong nghề nghiệp, mỗi ngày mình bước lên thêm được một bước cũng là rất vui. Lúc còn nhỏ xíu, khoảng 4 hay 5 tuổi, tôi coi tivi và ước mơ mình được làm tài tử. Giờ này, sau 40 năm, ước mơ đó đã trở thành sự thật” - Chí Tài nói trong niềm hạnh phúc.
“Tôi thích ngồi đàn và sáng tác một mình trong một căn phòng, yên lặng. Có lúc ngồi trước gương, đàn và hát một mình, hát xong thấy mắt mình ướt. Thì ra mình khóc mà mình không biết” - Chí Tài tâm sự.
Anh cho biết: “Mỗi lần về Việt Nam, vợ gọi điện thoại về hoài à! Tôi động viên cô ấy, giờ anh đang làm tốt công việc, hãy để cho anh yên tâm làm. Chứ mai mốt già rồi khó có ai mời mình diễn lắm. Chúng tôi không có con nhưng bù lại, tôi may mắn gặp được một người vợ rất thông cảm và thương yêu chồng”.
Lớn lên trong cơ cực…
Suốt những năm tuổi thơ, gia đình Chí Tài gồm 12 người sống trong một căn phòng còn lại trong nhà kho để máy móc dưới tầng hầm tòa nhà Bưu điện TP, quanh năm suốt tháng không có ánh sáng mặt trời, càng không có gió nên rất ngột ngạt. Năm 1965, sau khi ba anh xin nghỉ làm, tự túc qua Mỹ học kỹ sư thì cả gia đình bị đuổi khỏi căn hầm đó. Tá túc tại nhà người bà con ở quê được một năm, thấy các con phải nghỉ học, mẹ anh lại đưa các con quay lại Sài Gòn thuê nhà gần ga xe lửa Thủ Đức để tìm kế sinh nhai.
Chí Tài kể: “Ngày còn ở Việt Nam, cứ mỗi 4 giờ sáng, tôi đi lấy báo phát cho 100 địa chỉ. Sau đó về nhà tắm rửa đi làm những việc vặt cũng cho tờ báo đó. Tối thì đi đệm đàn cho các phòng trà. Sau này qua Mỹ, công việc của tôi cũng rất cực.
Ban ngày, tôi đi làm cho công ty, các buổi tối cuối tuần thì chơi đàn trong các quán bar. Tôi sợ nhất là thứ năm và chủ nhật. Vì hết giờ đánh đàn đã là 2 giờ sáng mà 4 giờ 30 phút tôi đã phải thức dậy để được đi nhờ xe đến nơi làm. Khổ lắm! Giờ nhắc đến tôi còn sợ nữa”. |