Vietnam Motor Show 2016 diễn ra từ 6-9/10 là triển lãm của những lần đầu tiên. Lần đầu tiên quay lại Hà Nội sau thời gian dài tổ chức ở TP HCM, lần đầu tiên có sự phân hoá trong VAMA để một số hãng tham gia sân chơi khác và cũng là lần đầu tiên, tất cả sản phẩm chủ lực của các hãng đều là xe nhập khẩu.
Ford với Explorer, sản phẩm bán chạy nhất thị trường Bắc Mỹ trong năm qua và kỳ vọng tạo đột phá tại Việt Nam với mức giá 2,18 tỷ. Bên cạnh đó, Isuzu mang tới mu-X, chiếc SUV cỡ trung cạnh tranh cùng Fortuner và Ford Everest. Isuzu còn mang tới chiếc bán tải D-Max phiên bản mới. Hai sản phẩm đều nhập khẩu từ Thái Lan.
Sang Toyota, thương hiệu có thị phần lớn nhất tại Việt Nam dù có diện tích sàn diễn khiêm tốn nhưng vẫn đủ kéo khách bằng Fortuner thế hệ mới nhập từ Thái Lan, mẫu xe đã ra mắt tại nước này từ tháng 7/2015. Fortuner dù chỉ mang về để trưng bày, chưa có thời gian và giá bán ra thị trường, nhưng vị trí chính giữa gian hàng cũng đủ để thấy hãng xe Nhật kỳ vọng lớn vào chiếc SUV có doanh số cao nhất phân khúc.
Chevrolet ra mắt Trax nhập khẩu từ Hàn Quốc, đối thủ Ford EcoSport, cùng đó là bản mới của Colorado. Hai thương hiệu của Trường Hải là Mazda trưng CX-3 nhập Thái và Kia với Quoris nhập khẩu Hàn Quốc. Một hãng nhập khẩu nhiều xe từ Thái Lan là Mitsubishi vẫn truyền thống đó khi mang tới Pajero mới.
Thái Lan trở thành nơi nhập khẩu ưa thích của các hãng khi một tâm điểm khác của triển lãm là Honda Civic, mẫu xe kỳ vọng sửa chữa lỗi lầm, đưa chiếc sedan cỡ C trở lại vị thế cao ở thị trường Việt từ đầu 2017 cũng nhập khẩu Thái Lan.
Không gian nhỏ bé của triển lãm vẽ nên bức tranh về một cuộc chơi của toàn xe nhập khẩu. Hạn chế về diện tích khiến các hãng không thể vẽ vời thêm những mẫu xe thiên về trình diễn công nghệ hay xu hướng thiết kế, do đó những cái tên xuất hiện đều ngầm cho thấy, đó là những xe sớm muộn sẽ bán tại Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Motor Show diễn ra theo chiều hướng này. Từ lần triển lãm năm 2014 ở Sài Gòn xu hướng này đã bắt đầu hình thành, cho thấy một thị trường mà xe nhập khẩu thắng thế trong tương lai.
Trong số những xe át chủ bài, nhiều cái tên mà phiên bản cũ bán ở Việt Nam dưới dạng lắp ráp như Toyota Fortuner hay Honda Civic. Lý giải cho nguyên nhân xe nhập khẩu, một vài vị đại diện hãng cho biết vì chưa chính thức phân phối ở Việt Nam nên sản phẩm trưng bày là xe nhập, khi bán ra, việc nhập hay lắp ráp còn tuỳ thuộc vào phản ứng của thị trường.
Đổi lại một chuyên gia trong ngành phân tích, làn sóng dịch chuyển xe lắp sang nhập dần manh nha. Với những mẫu xe lần đầu tiên bán ở Việt Nam như Explorer hay mu-X, Trax, hãng chọn cách nhập khẩu để đạt tối đa lợi ích kinh tế.
"Không thể sản xuất trong nước ngay trong khi chưa thể cân đo chính xác phản ứng thị trường", vị này cho biết.
Ngược lại với những mẫu xe từng phân phối tại Việt Nam dưới dạng lắp ráp, phiên bản mới chuyển sang nhập khẩu cũng là cách tính hợp lý cho hiệu quả kinh doanh. Nguyên cớ cho dấu hiệu dịch chuyển lắp ráp sang nhập khẩu hình thành từ khi những thoả thuận thương mại tự do đưa ra lộ trình giảm thuế, đặc biệt là AFTA với thuế nhập khẩu xe trong khối ASEAN đến 2018 còn 0%.
Thái Lan có sản phẩm tương đồng Việt Nam là một lợi thế, chính phủ nước này thúc đẩy xuất khẩu chống lại suy yếu của thị trường trong nước là một lợi thế khác. Chưa hết, sản xuất một xe lắp CKD ở Việt Nam có thể chịu mức thuế chung 20-25% cho linh kiện rời, nhưng nhập nguyên chiếc từ ASEAN thì mức thuế chỉ 0%.
Vị Tổng giám đốc một hãng xe có tốc độ tăng trưởng nhanh tại Việt Nam từng nói, quyết định nhập khẩu hay tiếp tục lắp ráp chung quy lại cũng chỉ là bài toán kinh tế, phương án nào mang lại lợi nhuận cao nhất thì hãng sẽ chọn.
Triển lãm ôtô của một nước là bức tranh dự báo cơ cấu thị trường ở nước đó trong tương lai. Với những lợi thế về chính sách và nguồn gốc, xe nhập khẩu, đặc biệt từ Thái Lan sẽ đe dọa sự thịnh vượng của xe lắp ráp trong những năm tới, nếu không kể tới những chính sách can thiệp của chính phủ.