Nhịp sống
03/01/2023 09:00

An Nhơn bứt phá lên thành phố trước hạn

Theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ đề ra, thị xã An Nhơn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định vào năm 2025. Tuy nhiên, qua kết quả tự rà soát, đánh giá cuối năm 2022, thị xã An Nhơn đã đạt tất cả tiêu chí thành lập thành phố

Cách TP Quy Nhơn - thủ phủ tỉnh Bình Định khoảng 20 km, thị xã An Nhơn xưa từng là kinh đô của vương quốc Champa và vương triều của Hoàng đế Thái Ðức - Nguyễn Nhạc.

Vùng đất giàu trầm tích văn hóa

Cụ thể, cuối thế kỷ thứ X, đầu thế kỷ XI, khi dời đô từ Đồng Dương (Quảng Nam) về phía Nam, vương triều Champa đã quyết định chọn Đồ Bàn (nay thuộc xã Nhơn Hậu, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) làm kinh đô mới, do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan xây dựng. Văn bia Champa gọi là kinh đô Vijaya, sử Việt thời Lê gọi là thành Chà Bàn, còn sử liệu sau này gọi là thành Đồ Bàn.

Từ đó đến cuối thế kỷ 15, thành Đồ Bàn trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa, tôn giáo, kinh tế phồn thịnh của vương quốc Champa. Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục Champa, đã sát nhập vùng đất Bình Định vào lãnh thổ của Đại Việt. Lúc này, thành Đồ Bàn không còn giữ được vai trò là kinh đô của vương quốc Champa.

Đến thế kỷ 18, khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra, thành Đồ Bàn xưa được Nguyễn Nhạc chọn làm đại bản doanh. Sau đó, tại tòa thành này, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, thành Đồ Bàn chính thức mang tên thành Hoàng Đế và trở thành kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc.

Năm 1802, triều đại Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân (Huế). Năm 1805, nhà Nguyễn cho lập lăng Võ Tánh ngay trên nền điện Bát Giác của thành Hoàng Đế và dùng lầu Bát Giác làm nơi hương khói gọi là Bát Giác lầu. Đến năm 1815, nhà Nguyễn cho triệt hạ hết các cung điện cũ của thành Hoàng Đế, dỡ đá ong của thành cũ mang đi xây thành mới, trừ lầu Bát Giác được sửa sang lại làm Đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sau này còn có tên gọi là Đền Chiêu Trung).

An Nhơn bứt phá lên thành phố trước hạn - Ảnh 1.

Thị xã An Nhơn phấn đấu lên thành phố vào năm 2024

Là vùng đất giàu trầm tích văn hóa nên thị xã An Nhơn hiện có đến 20 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, gồm 7 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, An Nhơn không chỉ nổi tiếng với danh lam thắng cảnh, mà còn là vùng đất trăm nghề như nhiều vùng kinh đô khác.

Điển hình như các làng nghề bún, bánh An Thái ở xã Nhơn Phúc; rượu Bàu Đá, bánh tráng Trường Cửu ở xã Nhơn Lộc; tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, gốm Vân Sơn, bún tươi Ngãi Chánh ở xã Nhơn Hậu; rèn Tây Phương Danh ở phường Đập Đá… dù đã trải qua hàng trăm năm nhưnng hiện vẫn giữ nguyên những nét văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán đặc trưng của mình.

Đến đích thành phố trước hạn

Cuối năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc thành lập thị xã An Nhơn và các phường trực thuộc. Sau hơn 10 năm "lên đời", An Nhơn ngày càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò của một trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam tỉnh Bình Định, là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn.

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của thị xã An Nhơn đều đạt trên 15%. Riêng năm 2022, tổng giá trị sản xuất của An Nhơn đạt gần 21.600 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần; thu nhập bình quân đầu người hơn 60 triệu đồng/người, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước.

Ông Đào Xuân Huy - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Nhơn – cho biết để tập trung lãnh đạo xây dựng thị xã trở thành thành phố, ngày 15-7-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết với mục tiêu phấn đấu trong năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quyết nghị thành lập thành phố An Nhơn trực thuộc tỉnh Bình Định, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

An Nhơn bứt phá lên thành phố trước hạn - Ảnh 2.

Thị xã An Nhơn ngày nay

Để đạt được mục tiêu trên, thời gian qua, An Nhơn đã tập trung ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ. Đồng thời ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các tiêu chuẩn đô thị còn thiếu, còn yếu; nghiên cứu cho chủ trương một số cơ chế hỗ trợ các xã, phường trong đầu tư phát triển, nhất là trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông trọng điểm để kết nối các khu vực trung tâm; xây dựng và phát triển các khu dân cư khu vực trung tâm mở rộng của các xã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III; đầu tư, nâng cấp, mở rộng hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông, thoát nước, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng…

"Trong quản lý đô thị, công tác quy hoạch được chúng tôi ưu tiên đầu tư, vì đó là tiền đề để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng, phát triển cũng như cải tạo và chỉnh trang đô thị. Đồng thời, An Nhơn cũng đặc biệt quan tâm việc làm sao giữ giá trị, dấu ấn văn hóa làng xưa trong phố hiện đại. Do vậy, trong quá trình quy hoạch, triển khai nâng tầm đô thị lên thành phố, thị xã luôn coi trọng yếu tố bảo tồn không gian văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, lịch sử để bảo đảm sự phát triển hài hòa không gian đô thị", ông Huy nói.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, kết quả tự rà soát, đánh giá đến cuối năm 2022, thị xã An Nhơn đạt 5/5 tiêu chí thành lập thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định. Về việc thành lập phường thuộc đô thị loại III, thị xã An Nhơn có 2 xã hoàn thành 18/18 tiêu chuẩn; 3 xã hoàn thành 17/18 tiêu chuẩn và 1 xã hoàn thành 16/18 tiêu chuẩn.

Về dự kiến lộ trình thực hiện hoàn thành việc thành lập mới các phường và thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định, ông Lê Thanh Tùng cho biết phấn đấu trong năm 2023 được Bộ Xây dựng thẩm định và ban hành văn bản về việc đánh giá tiêu chí đô thị loại III và đánh giá các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đối với các khu vực dự kiến thành lập phường; hoàn thành hồ sơ và trình kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định thông qua Đề án thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập thành phố An Nhơn.

Đến năm 2024, hồ sơ Đề án thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập thành phố thuộc tỉnh Bình Định được Bộ Nội vụ thẩm định trình Chính phủ, trình Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua và ban hành Nghị quyết về việc thành lập các phường, thành lập thành phố An Nhơn..

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, thống nhất chủ trương thành lập các phường thuộc thị xã An Nhơn và thành phố An Nhơn thuộc tỉnh Bình Định.

Theo đó, ngoài 5 phường hiện có, UBND tỉnh Bình Định xin chủ trương thành lập thêm 6 phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 6 xã, gồm: Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu và Nhơn Phong; thành lập thành phố An Nhơn trên cơ sở nguyên trạng 244,494 km² diện tích tự nhiên và quy mô dân số 180.019 người của thị xã An Nhơn hiện có.

Theo UBND tỉnh Bình Định, thị xã An Nhơn là đô thị vệ tinh của thành phố Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội trong khu vực miền Trung - Tây nguyên theo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh. Bên cạnh đó, An Nhơn hiện có hệ thống giao thông rất thuận lợi với QL1, QL19 và đường sắt Bắc - Nam đi qua. Đây cũng là địa phương có dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.

Ông Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Bình Định: An Nhơn có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành thành phố phát triển năng động trong giai đoạn sắp đến. Tuy nhiên, để An Nhơn về đích đúng hẹn, Đảng bộ thị xã cần rà soát tất cả tiêu chí, tiêu chuẩn về phát triển đô thị đã và chưa đạt. Trên cơ sở đó đề ra lộ trình, thời gian thực hiện thật cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cán bộ, đề ra giải pháp khả thi. Bên cạnh đó, An Nhơn cũng cần quan tâm đến công tác quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch, đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại, đô thị, công nghiệp, logistics và tập trung huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông mang tính kết nối, hạ tầng cấp, thoát nước đô thị, xử lý rác thải, chất thải đô thị, trồng cây xanh khu vực nội thị.

Bài và ảnh: Anh Tú
từ khóa :
CaraWorld Caree Day 2024  Cơ hôi cho thế hệ mới trong ngành bất động sản

CaraWorld Caree Day 2024 Cơ hôi cho thế hệ mới trong ngành bất động sản

Doanh nghiệp 13:30

CaraWorld mở đợt tuyển dụng lớn nhất năm, tìm kiếm hàng nghìn nhân tài tiếp theo của ngành bất động sản.

Home Credit chung tay xây trường mới cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa

Home Credit chung tay xây trường mới cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa

Hoạt động cộng đồng 07:59

Home Credit vừa công bố khoản đóng góp bổ sung 200 triệu đồng cho chương trình “Chuyến xe Home Love” nhằm xây mới trường học tại huyện Quế Phong, Nghệ An.

Eximbank "chắp cánh" HOZO 2024 vươn tầm quốc tế

Eximbank "chắp cánh" HOZO 2024 vươn tầm quốc tế

Ngân hàng 13:57

Eximbank khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ sự kiện văn hóa, giải trí nội địa mang tầm quốc tế với vai trò nhà đồng hành của HOZO 2024

Các thương hiệu kem nổi tiếng Nhật Bản sắp ra mắt tại Việt Nam

Các thương hiệu kem nổi tiếng Nhật Bản sắp ra mắt tại Việt Nam

Doanh nghiệp 13:56

Các thương hiệu kem nổi tiếng của Tập đoàn Morinaga Milk (Nhật Bản) sẽ có mặt tại các cửa hàng thuộc Tập đoàn Aeon Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh từ đầu tháng 11.

Cá nhân hóa góc làm việc với bàn phím Logitech POP Icon Keys

Cá nhân hóa góc làm việc với bàn phím Logitech POP Icon Keys

Tiêu dùng 10:49

Với thiết kế sáng tạo và nhiều tính năng thông minh, Logitech POP Icon Keys giúp người dùng tối ưu năng suất và cá nhân hóa không gian làm việc.

Người thuê nhà tại các tỉnh phía Nam được áp giá điện như thế nào?

Người thuê nhà tại các tỉnh phía Nam được áp giá điện như thế nào?

Tiêu dùng 10:48

Từ ngày 11-10-2024, sinh viên, người lao động thuê nhà tại các tỉnh, thành phố phía Nam được áp giá điện như thế nào?

VPBank mang nhiều trải nghiệm đẳng cấp đến khách hàng cao cấp

VPBank mang nhiều trải nghiệm đẳng cấp đến khách hàng cao cấp

Ngân hàng 10:48

Đằng sau những bộn bề lo toan về công việc, tài chính, những cuộc họp, các nữ tướng cũng cần không gian để thư giãn và tái tạo năng lượng cho chính mình.