Sau đây là những kiến thức cơ bản mà những người mê quay phim có thể tham khảo để sử dụng hiệu quả chiếc DSLR trong quá trình sáng tác của mình.
Tỷ lệ khung hình
Đối với những bộ phim chiếu rạp, tỷ lệ hình ảnh rộng theo chiều ngang rất rộng để giúp người xem có thể bước vào trong câu chuyện. Tỷ lệ chuẩn phim quốc tế thường là 2.39:1 hoặc 2.40:1 làm cho chiều dài hơn gấp đôi chiều cao. Ở Mỹ, tỷ lệ thông dụng nhất cho các phim lại là 1.85:1. Nhưng thông dụng nhất trên các trang chia sẻ cộng đồng hiện nay là chuẩn FullHD 1.920 x 1.080 có tỷ lệ 16:9.
Căng nét
Đa số các máy DSLR bán chuyên và chuyên nghiệp đến giờ vẫn chưa có khả năng lấy nét liên tục khi quay phim (trừ những máy trang bị cảm biến lai có điểm căng nét lệch pha trên cảm biến hình ảnh, ví dụ EOS 70D). Vì vậy việc căng nét khi quay phim cần luyện tập và có những phụ kiện hỗ trợ.
Bố cục và phối cảnh
Bố cục trong phim ảnh và nhiếp ảnh tương đối giống nhau như tỷ lệ 1/3, đường chân trời khi quay cảnh thường phải canh thẳng. Khi quay phim với DSLR, luật phối cảnh xa gần cũng giống như trong nhiếp ảnh. Để lấy cảnh rộng với nhiều thông tin của khung cảnh xung quanh thì dùng ống kính góc rộng. Để đặc tả nhân vật mà không bị thông tin khung cảnh xung quanh làm nhiễu, dùng ống có tiêu cự dài.
Máy quay
Sự xuất hiện của những chiếc máy ảnh có khả năng quay phim đã thay đổi hoàn toàn nền công nghiệp nhiếp ảnh. Không những giới trẻ tận dụng giá thành thấp của những chiếc máy ảnh này mà những nhà làm phim chuyên nghiệp cũng tận dụng sự linh hoạt cũng như chất lượng hình ảnh cao từ những chiếc DSLR.
Không chỉ nhà quay phim nghiệp dư mà DSLR còn là sự lựa chọn của những đoàn làm phim chuyên nghiệp với kinh phí cả triệu USD.
Shane Hurlbut, đạo diễn hình ảnh nổi tiếng ở Hollywood đã quyết định ghi hình bộ phim hành động triệu đô Act of Valor bằng hàng loạt chiếc máy 5D mark II của Canon. Ngoài ra hiện nay trong thị trường có các dòng máy ảnh EOS 700D và 70D của Canon đều hỗ trợ tính năng quay phim khá tốt.
Ống kính
So với những máy quay phim chuyên nghiệp sử dụng ngàm ống kính PL, ống kính của DSLR có lợi thế hơn nhiều do dải ống kính đa dạng (Fish-eyes – Tilt Shift) và sẵn có. Thường thì những nhà làm phim sẽ chọn ống kính fix để tăng chất lượng hình ảnh. Nhưng đối với những tay máy mới bắt đầu tự làm phim thì chỉ cần chọn những ống kính có tiêu cự phù hợp với cảnh để thể hiện nội dung. Việc sử dụng ống kính như thế nào, góc máy ra sao thường được chuẩn bị rất kỹ từ trước đối với các đoàn làm phim.
Mẫu máy ảnh Canon EOS 70D có hỗ trợ tính năng quay phim khá tốt.
Bộ thăng bằng
Những bộ thăng bằng (steadicam) vác vai rất đắt tiền, hay sử dụng khi quay trận đấu bóng đá hay trong phim hành động. Nhưng với DSLR, chi phí đó đã giảm đi rất nhiều khi các nhà sản xuất đã tạo ra những bộ thăng bằng đơn giản để phù hợp với trọng lượng của DSLR nên giá thành cũng đã dễ chấp nhận cho người mới làm phim.
Hậu kỳ
Hiện nay có rất nhiều phần mềm dành cho những người muốn tự làm phim, dễ sử dụng và hiệu quả. Có thể kể đến iMovie thường được cài sẵn trên máy Mac hoặc có thể tải về từ App Store. Hay Pro Show Gold cho phép ghép những đoạn phim, nhạc nền lẫn hình ảnh rất nhẹ và hiệu quả. Phần mềm Davinci Revole Lite dành cho những người chuyên nghiệp hơn với thế mạnh chỉnh màu .
Những thước phim "tập sự" với DSLR tương thích tốt với nhiều phần mềm chỉnh phim vì thường được xuất với định dạng Mov hoặc Avi chuẩn MPEG-4 AVC / H.264, có thể làm việc trực tiếp trên hầu hết các phần mềm hậu kỳ thông dụng.