Lúc đó anh đã yêu một cô thôn nữ tại quê nhà, cô gái này có hai người cháu rất dễ thương tên Minh và tên Phụng, vì thế anh quyết định lấy tên hai người cháu của người mình yêu, ghép lại thành nghệ danh Minh Phụng. Và nghệ danh này đã theo anh suốt gần 50 năm gắn bó với thế giới màn nhung.
Từ vai lão đến kép đẹp
Khác với các nghệ sĩ vào nghề thường đi từ những vai trẻ, Minh Phụng lại vào nghề từ vai lão. Vốn là người thích nghiên cứu, nghiền ngẫm vai diễn, anh thích quan sát cuộc sống để hình thành tính cách nhân vật. Từ vai nhà sư trong vở Bến tang thương, anh đã có thêm một số vai lão để thử nghiệm bước đầu đến với sân khấu cải lương. Có lần anh nói: “Vào nghề có ngay vai lão đã mừng, nhiều anh em còn phải đóng vai quân sĩ, làm hậu đài rồi mới vào nghề diễn viên. Tôi cảm ơn cơ hội đã cho tôi đóng những vai lão đầu đời để thấy mình cần rèn luyện tính kiên nhẫn. Nghề hát mà lụp chụp, tranh giành sẽ không khá nổi”. Sau đoàn Tân Đô, cuộc đời đi hát của anh luân chuyển qua nhiều đoàn hát nhỏ như: Hoa Thảo, Hậu Tân, Thanh Phương... về đến đoàn Thanh Phương, anh mới bắt đầu có vai kép trẻ, đó là dũng sĩ An Dũng Phương trong vở Bên cầu định mệnh.
Đầu năm 1964, anh về đoàn Quốc Việt. Trên sàn diễn này anh đã gặp và yêu nghệ sĩ Kiều Tiên – người vợ sau này của anh. Đến cuối năm 1964, anh về đầu quân cho sân khấu Thủ Đô. Tên tuổi anh được chú ý qua các vở: Sầu quan ải, Hoa chiều hương muộn, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Mây trôi về phương cũ, Gió bạt ngàn... Tên tuổi anh nổi lên như diều gặp gió, tiền công được ký thời đó lên tới vài trăm triệu đồng. Số tiền này đã giúp cho cha mẹ anh thay đổi cuộc sống, nuôi các em anh ăn học. Năm 1965, sự nghiệp của anh thăng tiến vượt trội với sự kiện ông bầu Long mời anh về diễn trên sân khấu Kim Chung 5 và giao các vai kép chánh diễn chung với các nữ nghệ sĩ tài danh như: Út Bạch Lan (Trinh tiết một loài hoa), Mỹ Châu (Bích Vân cung kỳ án), Diệu Hiền (Thạch Sanh)... Đến năm 1970, khi anh đóng cặp với Lệ Thủy, qua các vở kiếm hiệp kỳ tình: Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau... anh đã tạo cho mình một vị trí sáng chói trong lòng công chúng với các vở tuồng gắn liền với tên tuổi của anh như: Hỏa sơn thần nữ, Băng Tuyền nữ chúa, Mùa thu lá bay, Áo vũ cơ hàn... Năm 1976, anh về đoàn Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An, trên sân khấu cách mạng anh đã có vai chính trong các vở: Con cò trắng, Lửa phi trường, Gánh cỏ sông Hàn...
Đêm diễn để đời
Tối 27-12-2006, HTV đã tổ chức chương trình Những cánh chim không mỏi – NSƯT Minh Phụng do đạo diễn NSND Huỳnh Nga và NSƯT Bạch Tuyết dàn dựng tại rạp Hưng Đạo. Đây cũng là chương trình khép lại chủ đề Những cánh chim không mỏi của HTV sau 5 năm tổ chức nhằm tôn vinh những nghệ sĩ đã cống hiến cho sự nghiệp sân khấu dân tộc. Trong đêm diễn đó, NSƯT Minh Phụng và các đồng nghiệp đã phối hợp thật ưng ý nhằm giới thiệu đến khán giả những dấu ấn nghệ thuật của anh theo từng giai đoạn. Đó là một chân dung gắn bó với thế giới màn nhung và ôm ấp một hoài bão được bền bỉ với tình yêu sân khấu, cho dù những năm gần đây căn bệnh tim, suy thận đã không cho phép anh có đủ sức khỏe để thể hiện vai diễn mới.
Một ưu điểm mà các bạn đồng nghiệp mỗi khi nhắc đến Minh Phụng đều khâm phục đó là tính hòa đồng, nhã nhặn của anh. NSND Huỳnh Nga đã kể trong đêm diễn: “Một lần, tôi thấy anh Minh Phụng nổi nóng, đó là lần anh bắt gặp một anh hề diễn tục trên sân khấu và đề nghị đoàn phải thay vai của anh hề đó. Đối với Minh Phụng, đã lên sân khấu là phải nghiêm túc, dù đó là một vai chọc cười cũng không được rời xa kịch bản, diễn cương, diễn ẩu. Sáng hôm đó anh đã thức dậy lúc 7 giờ để triệu tập anh em nghệ sĩ và tìm người thay vai anh hề đó. Câu chuyện này cho thấy Minh Phụng rất nghiêm khắc với nghề nghiệp của mình”.
Thật vậy, trong hơn 50 chương trình Những cánh chim không mỏi do Ban Văn nghệ HTV tổ chức, chương trình của NSƯT Minh Phụng đã có một cảnh trí thật ấn tượng và sang trọng. Chính anh đã đề nghị anh em diễn viên phải hết sức chăm chút, cùng anh làm nên một bức tranh đẹp cho cải lương. Anh đã diễn xuất sắc các trích đoạn: Hàn Mặc Tử (diễn với Kiều Tiên và Hữu Tài, Bích Thủy), Lời ru - Mùa thu lá bay (với NSƯT Bạch Tuyết), Xin một lần yêu nhau (với Lệ Thủy), Trả lại tình xưa (với NSƯT Thanh Kim Huệ, Bảo Quốc, Phượng Hằng, Ngân Tâm). Tham gia chương trình còn có các nghệ sĩ: Thanh Tuấn, Trọng Hữu, Chí Hải, La Kính, Linh Hằng, Giang Bình...
Nghệ sĩ Kiều Tiên, vợ của NSƯT Minh Phụng, tâm sự: “Những ngày nằm điều trị căn bệnh suy thận rồi dẫn đến hoại tử các ngón chân, anh thèm được đi hát, cứ nằm mơ thấy hát trễ tuồng. Đêm diễn cuối cùng anh được diễn là live show NSƯT Ngọc Đáng tổ chức tại rạp Hưng Đạo, đêm đó anh đau chân lắm, nhưng vẫn đến sân khấu hát trích đoạn Xin một lần yêu nhau”.
Xin vĩnh biệt NSƯT Minh Phụng – người nghệ sĩ đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp sân khấu cải lương. Ở chốn vĩnh hằng, anh sẽ mỉm cười hạnh phúc vì công chúng không bao giờ quên anh.