. Phóng viên: Đường xa vạn dặm giữa CD và live show có gì khác nhau?
- Nhạc sĩ Quốc Trung: CD Đường xa vặn dặm là một dự án độc lập về hòa âm và thu thanh, còn live show là một chương trình biểu diễn dài hơi hơn có những lớp lang về kịch bản. CD chỉ có 7 bài, chủ yếu dựa vào chèo, xẩm và ca trù; còn chương trình biểu diễn có sự góp mặt của rất nhiều chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống. Những nhạc cụ dân gian quen thuộc sẽ được kết hợp với phong cách hòa âm hiện đại.
. Kết cấu của Đường xa vạn dặm tại Việt Nam có gì mới hơn so với live show được tổ chức tại Nhật Bản hồi cuối tháng 9? Khán giả Nhật Bản đã đón nhận chương trình của anh như thế nào?
- Theo nhận xét của tôi thì hai đêm diễn tại Tokyo là hai đêm diễn khá thành công. Đây không phải là lần đầu tiên khán giả Nhật nghe nhạc dân tộc Việt Nam nhưng lại là lần đầu tiên họ nghe nhạc dân tộc của ta được làm mới trên nền world music hiện đại. Khán giả đến với đêm diễn của tôi đều là những khách mời đặc biệt, trong đó có cả hoàng tử và công chúa Nhật Bản. Cuối đêm diễn, họ đã tới bắt tay và chúc mừng thành công của chúng tôi. 100 CD Đường xa vạn dặm đã được bán hết sạch. Cũng sau chương trình này, một nhà sản xuất Nhật Bản đã tiếp xúc với tôi bàn về kế hoạch đưa CD và chương trình Đường xa vạn dặm tiếp tục biểu diễn tại Nhật.
Về kết cấu, Đường xa vạn dặm ở Việt Nam cũng như ở Nhật, gồm 9 chương: Hạc trong sương, Đào liễu, Ngồi tựa song đào, Vọng nguyệt, Lưu lạc, Dòng sông một bờ, Độc thoại và Đường xa vạn dặm... Tất cả chúng tôi gồm ban nhạc, mixer và NSƯT Thanh Hoài (chèo), NSƯT Thúy Hường (quan họ) và Xuân Diệu (hát xẩm)... cố gắng cống hiến cho khán giả một đêm nhạc độc đáo và thú vị dựa trên nền world music.
. World music là dòng nhạc khó nghe, kén khán giả và không dễ nổi tiếng. Tại sao nó lại là sự lựa chọn của anh?
- Tôi không nghĩ vậy. Ở nước ngoài, world music rất phát triển, thậm chí nó còn phát triển không kém gì pop trong thời gian gần đây. Chúng ta xưa nay có thói quen nghe ca khúc, vì thế nhạc không lời sẽ khó được đón nhận.
Tuy nhiên, tôi thấy thời gian gần đây, khán giả rất quan tâm đến những sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn cá nhân của nhạc sĩ, ca sĩ. Album của Lê Minh Sơn, Tùng Dương có thể không phải là những album phổ thông, dễ nghe, nhưng thị trường vẫn đón nhận đấy thôi. Tôi phát hành CD Đường xa vạn dặm khoảng 5.000 bản nhưng tôi nghĩ tôi sẽ phải in thêm. World music là một hình thức âm nhạc mở mà người nghe có thể cảm nhận theo cách riêng của họ và tôi tin khán giả sẽ thích.
. Sau Thanh Lam và Hồng Nhung, anh đã chọn được người ưng ý để hợp tác lâu dài, như đã từng hợp tác với Thanh Lam trước đây?
- Tất nhiên, vì với sự kết hợp nhạc sĩ – ca sĩ này, tôi vừa có thể làm nghề mà tôi yêu thích vừa có thể giúp các ca sĩ phát huy được mặt mạnh của mình, sở trường của mình. Tùng Dương và Khánh Linh là sự lựa chọn mới nhất của tôi, cả hai đều có cá tính âm nhạc rõ nét, ở Tùng Dương là sự liêu trai, còn giọng hát của Khánh Linh thì rất trong sáng.
. Thế còn sự “hợp tác” trong cuộc sống?
- Tìm được người có thể chia sẻ với mình trong cuộc sống hoàn toàn chẳng đơn giản chút nào. Tôi muốn có người để chăm sóc các con, nhưng người thứ ba xuất hiện sẽ làm nảy sinh nhiều chuyện phức tạp. Tôi nghĩ tạm thời mình sống như thế này đã là được. Bằng lòng với cuộc sống của mình là được.
. Những công việc của “gà trống nuôi con” có chiếm của anh nhiều thời gian lắm không? Tại sao anh lại nhận nuôi cả hai cháu thay vì để chúng ở với mẹ?
- Tôi kiểm soát được thời gian của mình. Dù bận rộn đến đâu, tôi cũng dành thời gian cho con cái, vì chúng là tất cả. Khi tôi và Lam chia tay nhau, không phải tôi nhận mà là tôi giành nuôi hai cháu, đơn giản là vì tôi có điều kiện chăm sóc hai con tốt hơn Lam. Lam đi rất nhiều, không có thời gian chăm sóc lũ trẻ. Sau những cuộc ly hôn, con cái bao giờ cũng là những người chịu thiệt thòi nhất và tôi muốn bù đắp cho chúng.