Sacombank sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Southern Bank và cam kết duy trì quyền, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác, cổ đông của cả 2 ngân hàng. Việc Southern Bank sáp nhập Sacombank là phù hợp với định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng (NH) Nhà nước trong chương trình tái cấu trúc hệ thống NH nhằm mang đến cho thị trường những định chế tài chính lớn mạnh, an toàn và chuyên nghiệp hơn.
Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 NH lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỉ đồng; vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỉ đồng; mạng lưới hoạt động lên đến 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia; tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người. Với nguồn lực mạnh hơn, Sacombank có thể nâng cao hơn nữa về quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ cho khách hàng, tăng khả năng cung ứng vốn ra thị trường. Sacombank cũng đưa ra các phương án kỹ lưỡng để ổn định cả về nhân sự, tài chính, kinh doanh, đặc biệt là các phương án quản trị rủi ro sau sáp nhập.
Trước đó, đại hội đồng cổ đông bất thường của Sacombank được tổ chức vào ngày 11-7-2015 đã thông qua tỉ lệ hoán đổi cổ phần sáp nhập là 1 cổ phần Southern Bank (PNB) hoán đổi thành 0,75 cổ phần Sacombank (STB). Ngoài ra, 1 cổ phần của cổ đông Sacombank tại ngày chốt danh sách để hoán đổi cổ phần khi sáp nhập sẽ nhận thêm 0,3875 cổ phần NH sáp nhập, trong đó gồm: 0,0875 cổ phần từ tỉ lệ chuyển đổi cổ phần Southern Bank; 0,080 cổ phần là cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013; 0,120 cổ phần là cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014; 0,0875 cổ phần là thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ; và 0,0125 cổ phần từ thặng dư vốn cổ phần. Đồng thời, ngày 21-9-2015 vừa qua, NH Nhà nước đã có Công văn số 7168/NHNN-TTGSNH chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Sacombank từ 12.425 tỉ đồng lên mức 18.853 tỉ đồng.
Thảo Nguyên