Theo Nielsen, phải mất thời gian khá dài mobile Internet mới có thể tiếp cận được Việt Nam nhưng tới đây, lượng người dùng sẽ gia tăng nhanh chóng. Hiện tại, chỉ 41% người dùng Internet vào mạng qua điện thoại di động, tỷ lệ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng do xu hướng thích ứng nhanh với công nghệ mới của người Việt Nam, tỷ lệ này trong vòng 12 tháng tới sẽ là 75%.
Cũng theo báo cáo, hiện tại chỉ 21% người dùng Việt Nam sở hữu điện thoại có thể truy cập Internet nhưng một năm sau, tỷ lệ này sẽ lên đến 46%.
"Cho dù khả năng chi tiêu đang giảm do áp lực lạm phát, người Việt Nam vẫn rất thích đầu tư cho công nghệ và duy trì kết nối liên tục. Quy mô thị trường kỹ thuật số Việt Nam tương đối nhỏ so với các nước phát triển, nhưng hầu hết các mẫu smartphone mới nhất trên thế giới đều được người tiêu dùng Việt Nam săn lùng và lên kế hoạch mua", ông Darin Williams, Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam nói.
Tuy nhiên, ông Darin cảnh báo nếu xu thế này tiếp diễn, sẽ có một số vấn đề cần lưu tâm. Hạ tầng viễn thông di động cần phát triển mạnh hơn nữa. Bản thân các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần nghiên cứu và quan tâm nhiều hơn tới những trải nghiệm tinh tế của người dùng. Và điều quan trọng nhất, theo ông Darin, đó là giá cả cần giảm thêm để đại bộ phận người tiêu dùng có thể chấp nhận và sử dụng mobile Internet.
"Đặt giả thiết tất cả những điều kiện trên đây đều được đáp ứng, chúng tôi dự báo về sự gia tăng đột biến lưu lượng sử dụng mobile Internet trong hai năm tới", ông Darin nói.
Báo cáo của Nielsel cũng chỉ ra xu hướng sử dụng nội dung số của người Việt Nam. Theo đó 96% người dùng Internet đều đã truy cập vào ít nhất một trang mạng xã hội. 79% trong số họ từng bày tỏ thái độ yêu thích (like) hoặc dõi theo một nhãn hiệu, một công ty hoặc người nổi tiếng nào đó trên mạng. Tỷ lệ này cao hơn 10% so với mức bình quân của khu vực Đông Nam Á.
Người dùng Internet Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tìm thấy trên mạng xã hội. 58% những ý kiến đăng tải được cho là tin cậy và 81% sử dụng mạng xã hội như một nguồn lực để ra các quyết định mua sắm.
"Sự ràng buộc chặt chẽ giữa người dùng Internet và các nội dung online sẽ là cơ hội cho các hoạt động quảng bá, tiếp thị. Các nhãn hàng, công ty tạo đột phá và giành được lợi thế cạnh tranh chính là những đơn vị xuất hiện thường xuyên và sống động trên các trang mạng xã hội được nhiều người yêu thích như Facebook hoặc một vài trang khác của Việt Nam. Việc làm này không chỉ nhằm mục đích quảng cáo tới người tiêu dùng online, mà còn nhằm giáo dục và xây dựng một cộng đồng xung quanh thương hiệu cũng như tầm nhìn của doanh nghiệp", ông Darin nói.