Chị Lương Kim Huệ, giáo viên Trường TH và THCS Tà Xi Láng (Trạm Tấu – Yên Bái) không ngần ngại khoe chỗ duy nhất có thể bắt sóng điện thoại trong nhà và đã được chồng chị đánh dấu cẩn thận bằng 3 vết khứa dao trên thanh gỗ cạnh giường ngủ.
Anh Nguyễn Hữu Hòa, hiệu trưởng nhà trường cho biết có chừng 5, 6 điểm trong trường có sóng điện thoại nhưng không phải lúc nào cũng gọi được, nhiều khi phải di chuyển qua vài điểm mới nhận được sóng.
Ở Trường Tiểu học Điện Quan 2 (Bảo Yên – Lào Cai) cũng chỉ có vài điểm kết nối được sóng điện thoại. Chị Đào Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường bật mí chỗ duy nhất có thể kết nối sóng điện thoại trong trường là quanh gốc cây xoan nằm phía trước sân chơi của học sinh.
Sóng điện thoại đã vậy, để vào mạng Internet, các thầy cô giáo ở các trường này phải dùng thiết bị 3G đi cách trường vài km mới kết nối được.
Bên cạnh chiếc cửa sổ phòng Hiệu trưởng Trường TH và THCS Tà Xi Láng là điểm quen thuộc để các thầy cô giáo dốc bầu tâm sự với “người phương xa”. Theo kinh nghiệm để đảm bảo không bị ngắt sóng trong lúc tâm sự, điện thoai cần được trang bị tai nghe và cố giữ tay cố định tại điểm đã kết nối.
Trường Tiểu học Điện Quan 2 được trang bị một chiếc điện thoại cố định không dây để tại phòng Hội đồng nhưng mỗi lần muốn gọi hay nhận điện thoại đều phải mang máy ra gốc cây xoan trước sân trường mới kết nối được.
Điểm duy nhất trong ngôi nhà của vợ chồng chị Lương Kim Huệ, giáo viên Trường TH và THCS Tà Xi Láng có thể kết nối điện thoại cũng là nơi hai vợ chồng buộc phải kê chiếc giường ngủ để tiện liên lạc.
Chiếc điện thoại di động của vợ chồng chị Huệ luôn được đặt cố định một chỗ và luôn phải để lộn ngược vì theo anh Hà Thanh Hùng, chồng chị Huệ thì sau nhiều lần thử anh thấy ở vị trí ấy điện thoại kết nối ổn định nhất.
Những cán bộ, giáo viên trường TH Điện Quan 2 thường ví gốc cây xoan trước sân trường là buồng điện thoại cố định vì ngoài chỗ này ra ở trong trường không chỗ nào có sóng.
Việc đầu tiên khi chuyển đến căn phòng nội trú dành cho giáo viên trường TH Điện Quan 2 của cô giáo Hà Kim Hiền là dò tìm điểm bắt sóng điện thoại. Chính điểm kết nối sóng điện thoại này được cô giáo Hiền chọn đặt chiếc bàn làm việc của mình.
Cậu học sinh lớp 9A Trường TH và THCS Tà Xi Láng cũng sở hữu một chiếc điện thoại di động nhưng chủ yếu chỉ để nghe nhạc.
Vào khoảng 10 giờ sáng hàng ngày anh Nguyễn Hữu Hòa, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Tà Xi Láng đều đặn đi xe máy xuống núi cách trường hơn 5km để kết nối Internet nhận thông tin, chỉ thị của cấp trên bằng chiếc laptop và thiết bị kết nối Internet 3G. Anh Hòa kể, nhiều hôm trời mưa phải có thêm một người che ô và một lần do mưa to kèm gió lớn chiếc laptop ướt hết phải mang xuống huyện sửa mất cả tuần.