MIC là quân bài chính của Intel để tiến vào kỷ nguyên PetaFlops (1 PetaFlops = 1.000 TeraFlops), bên cạnh các đối thủ lớn khác như SPARC của Oracle, POWER của IBM, HSA của AMD và CUDA của NVIDIA. Trong top 500 SC mới công bố của thế giới, hệ thống sử dụng card Xeon phi của Intel đứng hạng 150 với năng lực tính toán đạt 118 TFlops.
Trước đây, Xeon phi được phát triển với tên mã Knight Corner. Dòng chip này cũng dùng các bóng bán dẫn 3D và công nghệ 22nm giống với chip Ivy Bridge, nhưng khác ở chỗ nó sẽ xuất hiện dưới dạng một thẻ PCIe với 50 nhân xử lý bên trong và bộ nhớ đồ họa ít nhất là 8GB GDDR5. Xeon phi sẽ được dùng để hỗ trợ cho CPU Xeon E5-2600/4600, giúp máy tính xử lý các tác vụ song song tốt hơn. Xeon phi thích hợp với các máy trạm, trung tâm dữ liệu hoặc thậm chí là các siêu máy tính.
Bên cạnh đó, Xeon phi có công nghệ SIMD (Single Instruction Multiple Data) chuẩn 512b nên cho phép các thành phần xử lý thực hiện tác vụ trên nhiều dữ liệu khác nhau cùng lúc chỉ với một chỉ dẫn từ RAM. Intel cho biết mỗi chip Xeon Phi có thể đạt tốc độ tính toán 1 teraflops. Con số này tương đương với chiếc card FirePro mà AMD vừa giới thiệu hồi tuần trước. Con chip này cũng hoạt động tốt với các mô hình lập trình x86 hiện có.
Mỗi card Xeon phi còn có thể được xem là một node máy tính (compute node) chạy Linux độc lập với hệ điều hành của máy chủ với khả năng tính toán song song tốt, tối ưu hóa cho những máy tính hiệu suất cao. Intel cho biết thêm rằng 44 công ty hiện đã đăng kí dùng Xeonp phi trong các sản phẩm của mình, trong đó có Dell, HP, IBM, NEC,... Đến năm 2018, Intel kỳ vọng Xeon sẽ đạt tốc độ Exaflops.
Việc ra mắt Xeon phi sẽ giúp Intel cạnh tranh tốt hơn với NVIDIA, vốn đã sản xuất các card PCIe với GPGPU Tesla với khả năng tính toán mạnh và được dùng để bổ sung cho các hệ thống máy tính hiệu suất cao (HPC - High Performance Computer).
Coprocessor là gì?
Coprocessor là một vi xử lý máy tính được dùng để hỗ trợ cho bộ xử lý trung tâm (CPU). Những tác vụ mà Coprocessor thực hiện có thể là tính toán dấu chấm động, xử lý đồ họa, tín hiệu, xử lý chuỗi, mã hóa... Coprocessor đóng vai trò giảm tải cho CPU nên sẽ giúp tăng tốc hệ thống. Coprocessor cho phép khách hàng tùy chỉnh máy tính của mình.
|