Đây là lần đầu tiên, đội ngũ bác sĩ, kỹ sư Việt Nam có thể tự mình thiết kế và thay thế xương nhân tạo in 3D Titan ở vị trí cực kỳ hiếm gặp và "khó nhằn".
Hồi phục thần tốc sau ca phẫu thuật "2 trong 1"
Tròn 1 tháng sau cuộc đại phẫu, ông Lê Đình Thuận (63 tuổi, Thanh Hóa) đang nỗ lực phục hồi chức năng để chóng về quê ăn Tết với gia đình. Nhìn ông đi lại thoải mái bằng nạng, thậm chí có thể lên, xuống cầu thang mà không cần trợ giúp, ít ai biết rằng ông vừa trải qua cuộc đại phẫu phức tạp bậc nhất ngành ung thư xương, thay thế hoàn toàn xương chậu và một phần xương đùi bằng vật liệu nhân tạo.
Cách đây gần 1 năm, sau khi phát hiện khối u ở phổi, ông Thuận đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nhưng một thời gian sau, ông lại bị đau khớp háng và phát hiện ra khối u xương nằm ở vị trí cực hiểm. Ung thư xương vùng khớp háng có tỉ lệ gặp ở mức hiếm (ít hơn 0,5%) so với các ung thư khác. Đặc biệt, tình trạng di căn xâm lấn cả xương chậu, bao khớp và đầu trên xương đùi như trường hợp của ông Thuận thì còn hiếm gặp hơn nhiều lần.
Do là bệnh lý phức tạp nên nhiều bệnh viện trước đó ông thăm khám đều chỉ định mổ tháo bỏ một bên khung chậu nhằm cứu tính mạng. Điều này đồng nghĩa bệnh nhân sẽ gần như không thể lắp chân giả, toàn bộ cấu trúc ổ bụng sẽ có nguy cơ sa xuống dưới, phải có các loại lưới bọc che phủ. Thậm chí, tỉ lệ tử vong trên bàn mổ có thể lên tới 25%. Do đó, ông Thuận và gia đình đã nhiều lần từ chối điều trị theo phương án này.
Phải đến khi tới Vinmec thăm khám, ông Thuận mới bắt đầu nhen nhóm hy vọng một ngày nào đó sẽ có thể đi lại được. Ngày 22-12-2023, ông đã trải qua ca mổ phức tạp kéo dài 8 tiếng đồng hồ với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các y bác sĩ đa chuyên khoa Vinmec bao gồm phẫu thuật mạch máu, tiêu hóa, tiết niệu và can thiệp mạch và các kỹ sư Trung tâm Công nghệ 3D VinUni.
Ca phẫu thuật thay thế cùng lúc 2 vị trí xương chậu và một phần xương đùi đã diễn ra thành công mà không hề có biến chứng, đặc biệt chỉ mất hơn 2 lít máu trong mổ. Đây là khoảng thời gian kỷ lục bởi thông thường chỉ thay thế riêng phần xương chậu đã mất tới 8-12 tiếng.
"Giờ đây, tôi đã thực sự đi lại được, các bác sĩ Vinmec có thể làm được những điều rất khó mà rất ít bệnh viện ở Việt Nam làm được", ông Thuận bày tỏ khi ra viện. Trước đó, chỉ 2 ngày sau mổ, ông đã có thể tự mình ngồi dậy và sau 10 ngày, đã có thể một mình tập thành thạo di chuyển bằng nạng. "Phần xương nhân tạo thay thế có thể chống đỡ trọng lượng cơ thể 73 kg mà không hề thấy đau đớn gì", ông Thuận chia sẻ. Được biết, tổng thời gian phục hồi của ông đã rút ngắn chỉ còn ⅓ so với thông thường.
Thiết kế xương nhân tạo 3D Titan - Bước tiến mới của điều trị ung thư xương Việt Nam
Đối với ca bệnh đặc biệt này, các bác sĩ tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình và Y học thể thao (CTCH) Vinmec đã phải "cân não" để đưa ra phương án điều trị thích hợp và an toàn nhất. GS.TS.BS. Trần Trung Dũng, GĐ Trung tâm CTCH, cho biết, điểm mấu chốt là sau phẫu thuật loại bỏ u xương còn phải tạo hình lại được khuyết hổng xương chậu và xương đùi giúp người bệnh vận động và đi lại được.
Do đó, bài toán khó nhất là lựa chọn loại vật liệu và cách thức ghép xương nhân tạo như thế nào để tái tạo lại hình thể, chức năng của phần xương ở vùng chịu lực lớn nhất cơ thể. Qua hội chẩn, nghiên cứu, các y bác sĩ và kỹ sư đã thống nhất lựa chọn vật liệu Titan đáp ứng các yêu cầu về tải lực và độ bền.
Tuy nhiên, khó lại chồng khó, y văn thế giới chưa từng ghi nhận trường hợp nào thay thế đồng thời cả xương chậu và nửa trên xương đùi điều trị ung thư, cũng không có hãng thiết bị nào sẵn giải pháp xương chậu nhân tạo để thay thế cho trường hợp này. "Nếu đặt hàng nước ngoài nghiên cứu, chế tạo thì phải mất ít nhất 2 tháng, trong khi đó, người bệnh cần mổ càng sớm càng tốt để ngăn ngừa khối u tiến triển xâm lấn. Bởi với bệnh nhân ung thư, thời gian là vàng" - GS.TS.BS. Trần Trung Dũng chia sẻ.
Do đó, cách duy nhất là nhóm phẫu thuật viên phải tự thiết kế ra xương nhân tạo cấy ghép cho bệnh nhân này. Sau hơn 2 tuần chạy đua với thời gian, liên tục thử nghiệm trên gần 100 mẫu thử với các tình huống mô phỏng, các kỹ sư, bác sĩ đã lựa chọn được một thiết kế tối ưu nhất cho ca bệnh. "Chúng tôi đã sử dụng kết cấu mô phỏng hình thái xương chậu với dạng rỗng tổ ong để khối lượng toàn bộ xương nhân tạo nhẹ. Cùng vật liệu chế tạo từ hợp kim Titan y tế tương thích sinh học, sau khi in 3D và gia nhiệt có khả năng chịu tải lực gấp hơn 10 lần xương thật.", bác sĩ Phạm Trung Hiếu, Phó GĐ Trung tâm công nghệ 3D, chia sẻ.
Bác sĩ Hiếu còn cho biết, thay vì phải bắt khoảng 10-12 vít hoặc làm nẹp để cố định vào phần cánh chậu còn lại, các kỹ sư chỉ sử dụng tổng cộng 5 vít, vị trí bắt vít ngầm bên trong nên bệnh nhân hoàn toàn ko có cảm giác là có vật liệu trong cơ thể, có thể nhanh chóng phục hồi chức năng vận động. Đây là ý tưởng của các kỹ sư, bác sĩ của Việt Nam mà chưa có cơ sở nào trên thế giới làm mô hình này.
Sau quá trình kiểm định tại Việt Nam, thiết kế xương chậu được gửi sang Đức để sản xuất bằng hệ thống in 3D theo đúng tiêu chuẩn thiết bị cấy ghép y tế CE của châu Âu. Đáng nói, công đoạn sản xuất và nhập mẫu sản phẩm từ nước ngoài này chỉ mất 1 tuần, ít hơn rất nhiều so với thời gian tối thiểu 2 tháng nếu đặt hàng chế tạo từ đầu tới cuối.
Với sự hợp tác của chuyên gia từ những cường quốc về in 3D như Đức, Bỉ và Israel, các bác sĩ và kỹ sư đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm cấy ghép xương nhân tạo từ các chất liệu như Titan và Peek. Dự kiến trong 1, 2 năm tới, những sản phẩm này sẽ được cấp phép chế tạo và sản xuất thương mại hóa để có thể sử dụng rộng rãi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh.
Có thể nói, thành công của ca phẫu thuật "2 trong 1" này đã đưa điều trị ung thư xương của Việt Nam bước sang một trang mới. Qua đó khẳng định chuyên môn và chiến lược điều trị chắc chắn, chính xác của đội ngũ các bác sĩ và kỹ sư Việt Nam, cũng như những nỗ lực, sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ, tìm ra phương án điều trị, hướng đi mới cho người bệnh ung thư xương.