Công ty TNHH SX-TM-XNK D&T (D&T Group) được biết đến là doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến rong nho lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. Sở hữu vùng nguyên liệu 70 ha mặt biển trồng rong nho (trong đó 65 ha là liên kết với nông dân) và nhà máy chế biến, đóng gói diện tích hơn 8.000 m2 đạt các tiêu chuẩn quốc tế, trung bình mỗi tháng D&T Group xuất khẩu trên 60 tấn rong nho tách nước sang thị trường Mỹ, Nhật…
Kiên trì và trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Quang Duy, Tổng Giám đốc D&T Group, nghề rong nho chỉ thu hoạch 9 tháng. Mỗi ngày công ty thu mua bình quân 7 tấn rong tươi; 70% sản lượng dùng để xuất khẩu, 30% còn lại tiêu thụ nội địa.
13 năm trước, ông Duy là một trong 2 người đầu tiên ở Khánh Hòa trồng thử nghiệm rong nho. Mất nhiều năm "lên bờ xuống ruộng" vì vừa làm vừa nghiên cứu, cải thiện chất lượng sản phẩm trong khi đầu ra rất èo uột. "Có lúc, đến căn nhà cuối cùng tôi cũng phải cầm cố và vay mượn thêm từ người thân, bạn bè để trả nợ, làm lại từ đầu. Khó như vậy nhưng tôi không bỏ cuộc bởi thấy rõ tiềm năng thị trường rất lớn. Thực tế 3 năm trở lại đây đã chứng minh tôi nghĩ đúng, làm đúng: thế giới lẫn Việt Nam bùng nổ xu hướng tiêu dùng loại "quà của biển" này" - ông Duy bộc bạch.
Với phương châm vì cộng đồng, ông Duy chia sẻ bí quyết trồng rong nho cho nông dân, hướng dẫn họ chuyển đổi từ nuôi tôm hùm, ốc hương nhiều rủi ro sang trồng rong nho để có thu nhập ổn định. Với mức thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng/ha, nhiều hộ dân đã chuyển sang trồng rong nho, vừa có giá trị kinh tế vừa giúp sản sinh không khí sạch, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường biển.
"Nếu chỉ bán rong nho tươi thì bà con chỉ tiêu thụ được rong loại 1, rong loại 2-3 phải đổ bỏ. Điều đó khiến tôi đau đáu mãi, đến nay đã nghiên cứu phát triển thành công một số sản phẩm chế biến sâu là snack rong biển (thành phần 90% là rong nho), giúp giải quyết bài toán tiêu thụ rong loại 2-3 cho nông dân. Sản phẩm mới ra thị trường đã được người tiêu dùng các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM ủng hộ, sắp tới sẽ chào bán vào các hệ thống siêu thị" - ông Duy nói.
Thành công của D&T Group đã tạo động lực cho nhiều startup khác tham gia vào lĩnh vực nuôi trồng, chế biến khá mới mẻ này. Theo ông Duy, Việt Nam chỉ mới khai thác một phần rất nhỏ lợi thế ngành rong nho nói riêng và rong biển Việt Nam nói chung. Dư địa của ngành còn rất lớn, có thể nói là thị trường rong nho mới bước vào giai đoạn trưởng thành nên còn nhiều cơ hội cho các DN cùng khai thác.
Sản xuất rong nho tại nhà máy của D&T Group
"Làm nên chuyện" từ sự khác biệt
Cũng tạo nên giá trị từ sự khác biệt, anh Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam - VietNipa, nhà sáng lập thương hiệu "Mật dừa nước ông Sáu", bước đầu thành công nhờ bí quyết "bắt" cây dừa nước tiết ra mật.
Từ việc làm chủ phương pháp lấy mật từ cuống dừa nước, thương mại hóa thành công sản phẩm ra thị trường, sau 5 năm khởi nghiệp, anh Tiến đã sở hữu cơ ngơi khá vững chắc. Anh đang lên kế hoạch mở rộng quy mô vùng trồng, ra mắt thêm nhiều sản phẩm từ dừa nước để tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Công ty cũng đã mở một cửa hàng giới thiệu sản phẩm, bán các loại thức uống có sử dụng nguyên liệu cơm dừa để giới thiệu thêm cho người tiêu dùng các món ăn vặt từ cây dừa nước.
Anh Tiến cho hay công ty hiện có 2 dòng sản phẩm là mật dừa nước tinh chất (dùng để uống như nước giải khát) và mật dừa nước cô đặc (thay thế đường), phân phối tại nhiều siêu thị, cửa hàng, sàn thương mại điện tử... VietNipa đang liên kết với khoảng 10 hộ dân khai thác vùng nguyên liệu 10 ha trồng dừa nước, đem về cho nông dân nguồn thu khoảng 8 triệu đồng/tháng. "Ở TP HCM, huyện Cần Giờ có 900 ha diện tích dừa nước tự nhiên chưa khai thác. Trung bình 1 ha dừa nước có thể khai thác 15 tấn mật cô đặc và 10 tấn đường/năm. Nếu khai thác hết tiềm năng này không chỉ mang lại nguồn thu lớn cho nông dân mà còn giúp phủ xanh Cần Giờ" - anh Tiến tính toán.
Chị Nguyễn Huỳnh Thu Trúc, CEO của một trường chuyên đào tạo kỹ năng cho học sinh (mua độc quyền từ Phần Lan), vừa "lấn sân" mảng kinh doanh thực phẩm online. "Từ tháng 2-2023, siêu thị Tươi Ngon Mát chuyên bán hàng online chính thức được khai trương với gần 1.000 mã hàng, trong đó chủ yếu là thực phẩm tươi sống" - chị Trúc chia sẻ.
Điều chị đặc biệt tự hào là không chỉ bán hàng thông qua từng sản phẩm, Tươi Ngon Mát còn chuyển tải thông điệp sống xanh, tinh thần khởi nghiệp xanh đến cộng đồng. Thông qua các câu chuyện, khoảng cách giữa nhà sản xuất - kinh doanh và khách hàng được rút ngắn. Công ty xây dựng được những khách hàng trung thành. "Câu chuyện của đôi vợ chồng trang trại Bình An ở Ninh Thuận lập nghiệp từ khó khăn, trung thành với phương châm sản xuất xanh, sạch và tạo dựng cơ ngơi gần 100 ha đất trồng dưa lưới chất lượng cao không chỉ khiến người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sản phẩm mà còn lan tỏa niềm tin về lối sống xanh, sản xuất xanh" - chị Trúc nêu ví dụ.
Phải biết chờ cơ hội
Từ kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Quang Duy cho rằng DN khởi nghiệp xanh phải có định hướng rõ ràng ngay từ đầu: phải xác định làm gì, có kế hoạch, tạo ra lợi ích gì cho cộng đồng và xã hội. Phải đầu tư bài bản từ đầu, có sự tương tác hỗ trợ của nhà khoa học và chính quyền địa phương. Bộ ba chính quyền - nhà khoa học - DN/nông dân phải liên kết chặt chẽ để chung tay phát triển nông nghiệp xanh.
"Một bộ phận startup muốn có tiền nhanh, không sẵn sàng đón nhận thất bại. Tuy nhiên, để thành công, startup phải tạo ra giá trị tài chính để "lấy ngắn nuôi dài", chờ cơ hội bứt phá.