Học trực tuyến (e-learning) là phương thức học qua mạng internet, lấy tài liệu, trao đổi, tương tác đa chiều giữa người học - giảng viên. Mô hình này đang ngày càng phát triển nhanh do những tiện ích mà nó mang lại. E-learning cũng đang được nhiều tổ chức, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư để nâng cao chất lượng giảng dạy và thu hút học viên.
Đa dạng chương trình
Tại Việt Nam, e-learning phát triển với hàng chục trang e-learning đang hoạt động bài bản như: iss.edu.vn; zuni.vn; giapschool.org; onthi.net.vn; click2learn.vn; violet.vn; hellochao.vn; studynet.vn; tuyensinh247.com; baigiangtructuyen.vn; eduplay.vn; rockit.vn; edugreen.vn; kyna.vn... Các trang này có hàng trăm, hàng ngàn bài giảng theo chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho tất cả các môn học, các cấp lớp. Qua máy tính hay thiết bị di động, học viên truy cập vào các trang này chọn học chương trình phù hợp nhu cầu. Nhiều bài giảng còn có video, clip, hiệu ứng âm thanh, hình ảnh minh họa sinh động giúp học viên nắm vững cốt lõi nội dung. Ngoài ra, còn có các chương trình luyện thi, thi thử CĐ, ĐH, chứng chỉ ngoại ngữ, công nghệ thông tin từ xa. Công chức, nhân viên văn phòng có thể đăng ký các khóa học ngắn hạn đào tạo về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, quản trị mạng... để bổ sung kiến thức hay lấy các chứng chỉ cần cho công việc. Lớp học trực tuyến còn có các chương trình về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng sống...
Theo ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT trường học trực tuyến Sài Gòn (ISS), 10 năm qua, các trường e-learning tại Việt Nam đã dần hình thành và đang phát triển bổ sung kiến thức cho nhiều thành phần và thu hút nhiều người tham gia do tiết kiệm chi phí và thời gian học linh động. Học phí cho một môn học (toán, văn, Anh…) lớp 10, 11, 12 mỗi năm là 100.000 đồng. Với hỗ trợ của công nghệ phần mềm, học viên có thể đăng ký cùng lúc nhiều khóa học theo nhu cầu, tự điều chỉnh thời gian, tốc độ học theo khả năng, chủ động tự học và học tới lui nhiều lần nội dung. Học viên có thể tự tham khảo, nghiên cứu thêm qua các nguồn tài liệu được hướng dẫn tham khảo theo dõi tiến độ và kết quả học, được hỗ trợ giải đáp thông tin kịp thời.
“Học phí tuy thấp hơn học truyền thống nhưng số lượng học viên tham gia đông nên thu nhập của giáo viên dạy trực tuyến có thể rất cao. Điển hình là Kim Ki-Hoon, một giáo viên trường tư thục Hàn Quốc, kiếm 4 triệu USD mỗi năm từ dạy thêm trên trang megastudy.net. Trang web này hiện có 2.500 khóa học với giá bằng 1/5 so với giá học truyền thống” - ông Nguyễn Hoàng Vinh, Giám đốc trường trực tuyến Zuni.vn, cho biết.
Theo thống kê khảo sát của mạng e-learning Certifyme.net vào năm 2013, 72% công ty được khảo sát cho biết e-learning giúp các doanh nghiệp này thích ứng nhanh với thay đổi của xã hội. So với đào tạo truyền thống, e-learning giúp doanh nghiệp tiết kiệm từ 50%-70% chi phí đào tạo, rút ngắn 25%-60% thời gian, tăng khả năng lưu giữ kiến thức từ 25%-60%.
Cần gỡ “nút thắt giáo viên”
Hiện e-learning đang được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư phát triển. Vài năm gần đây, nhiều nhà mạng trong nước đã cho ra đời các dịch vụ e-learning trên di động thay vì chỉ giới hạn đào tạo e-learning trên máy tính. Từ năm 2013, Viettel đã ra mắt dịch vụ e-learning ViettelStudy, VinaPhone với vClass và gần đây là mStudy của MobiFone đã ra mắt dịch vụ. Đây là những dịch vụ e-learning có thể hoạt động tốt trên di động giúp người dùng học tập dễ dàng và thuận tiện. Trong tháng 9-2014, các nhà đầu tư mạo hiểm từ thung lũng Silicon (Mỹ) là Learn Capital, John Katzman và Formation 8 đã đầu tư 500.000 USD vào mạng e-learning Rockit Online của Việt Nam. Trước đó, vào tháng 3-2013, mạng Violet.vn cũng đã được tập đoàn IDG và Tinh Vân ký hợp đồng đầu tư phát triển. Điều này cho thấy thị trường e-learning Việt Nam đang thực sự có sức hút đầu tư lớn. “Thách thức cho các nhà đầu tư e-learning tại Việt Nam là thiếu nhân lực phù hợp để phát triển các công nghệ và chương trình đào tạo. Để có thể tồn tại, cần sự đầu tư sâu vào hệ thống phần mềm, phân tích dữ liệu, các quy trình kiểm tra đánh giá, phương pháp sư phạm trực tuyến... Bên cạnh đó, cũng cần đội ngũ nhân sự vận hành tốt, năng động và sáng tạo” - ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica Việt Nam, nói.
Thêm khó khăn nữa cho e-learning phát triển là số lượng giáo viên hạn chế do đa số có tâm lý e dè với việc dạy trực tuyến và chưa nắm vững kiến thức công nghệ. Việc nghiên cứu và sử dụng các công nghệ này thực ra khá đơn giản nhưng cần đầu tư thời gian nhất định. Khả năng tương tác giữa giáo viên và người học kém hơn học truyền thống. Thực tế, trong nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong tốp 20 quốc gia có tốc độ tăng trưởng internet nhanh nhất thế giới. Vì vậy, e-learning được đánh giá là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Vinh, “nút thắt” lớn nhất cần gỡ không còn nằm ở cơ sở hạ tầng mà làm sao khuyến khích nhiều giáo viên tham gia vào lĩnh vực này.
E-learning phát triển mạnh
Theo báo cáo của DeltaViet (một đơn vị cung cấp dịch vụ e-learning về kỹ năng), ước tính giá trị của thị trường e-learning Việt Nam hiện vào khoảng 1.000 tỉ đồng (gần 50 triệu USD), đây là những con số hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Báo cáo này cũng cho biết Mỹ và châu Âu chiếm tới 70% thị trường e-learning toàn cầu nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang vươn lên mạnh mẽ. Năm 2013, các quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị trường e-learning cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Việt Nam (44,3%) và Malaysia (39%).