Thời gian gần đây, Nguyễn Hà Đông, cha đẻ của game Flappy Bird nổi tiếng trên di động, liên tục xuất hiện tại những sự kiện công nghệ lớn trên thế giới.
Tác giả Flappy Bird hào hứng trở lại
Ngày 14-5, Nguyễn Hà Đông xuất hiện trên kênh truyền hình CNBC và cho biết sẽ đưa Flappy Bird trở lại vào tháng 8 tới. Theo Nguyễn Hà Đông, Flappy Bird phiên bản mới sẽ có một số điều chỉnh để bổ sung tính năng cho phép nhiều người chơi cùng nhau khiến game ít gây nghiện hơn. Tiếp đó, Nguyễn Hà Đông lại xuất hiện ở sự kiện công nghệ tầm cỡ Wired Business Conference (WiredBizCon) tại New York - Mỹ. Trước đó, anh cũng được mời tham dự sự kiện công nghệ nổi bật Global Mobile Internet Conference (GMIC) vào tháng 3 vừa qua với sự có mặt của nhiều nhân vật tài danh trong làng công nghệ thế giới. Ngoài ra, mới đây trên Twitter, Nguyễn Hà Đông cũng tiết lộ một hình ảnh game mới của anh sắp được tung ra có cách chơi, đồ họa đơn giản, tương tự Flappy Bird.
Kể từ khi Nguyễn Hà Đông rút game Flappy Bird thì trên Apple App Store và Google Play đã đầy các trò chơi nhái theo Flappy Bird. Mới nhất là sự xuất hiện của trò Floppy Bird: New Season, đang làm mưa làm gió trên App Store với phong cách đồ họa và cách chơi giống hệt Flappy Bird. Vào ngày 19-5, game nhái này đã leo lên tốp ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất của Apple App Store và theo ước đoán của các chuyên gia, game vẫn mang về cho chủ nhân hàng ngàn USD mỗi ngày. Trên Twitter của mình, ngày 15-5, Nguyễn Hà Đông đã xác nhận Floppy Bird: New Season không phải là game do anh phát triển. Thậm chí, một game nhái khác là Flippy Bird Fly Pro còn đạt trên 1 triệu lượt tải về. Có thể thấy, dù chỉ là các game ăn theo nhưng vẫn hấp dẫn người chơi, khẳng định sức hấp dẫn từ Flappy Bird.
Game di động Việt đang biến chuyển
Thời gian gần đây, số lượng các game di động do các studio và các lập trình viên tự do của Việt Nam đưa lên các kho ứng dụng di động ngày càng nhiều. Các game này trước đây có thể kể đến như Khu vườn trên mây, School Cheater, Jump & Jump, Freaking Math, Thần thoại, Jun, DidiDodo Defense... với phong cách chơi, chất lượng không thua kém gì các game di động nổi tiếng trên thế giới. Một số game mới nhất gây ấn tượng mạnh còn có thể kể đến là Hải tặc Soha, Vua bắn cá, HellGate, Chiến binh CS…, trong đó game Chiến binh CS của CMN và Wasabi phát hành được đánh giá là game di động được đầu tư tốt, có lối chơi đặc sắc và nền tảng đồ họa 3D chất lượng, ấn tượng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có đến hàng chục hãng, studio game như Joy Entertainment, DIV MOB, Appota, SohaGame, Tofu Games, MCCorp, VTC, VNG, FPT, Buoi Studio… và hàng trăm lập trình viên tự do tham gia phát triển game di động tại Việt Nam. Nhiều nhà phát triển game lớn cũng tiết lộ sẽ đầu tư “khủng”, có thể lên đến hàng triệu USD, để phát triển nhiều game di động trong thời gian tới.
Tại hội nghị Vietnam Mobile Day 2014 diễn ra hôm 17-5 vừa qua, đại diện các nhà phát triển game lớn như Appota, Tofu Games, SohaGame… cho biết sẵn sàng hỗ trợ nhau để phát triển các game di động sản xuất tại Việt Nam, đồng thời sẽ giúp đỡ các lập trình viên độc lập trong việc xây dựng các game di dộng của mình bằng cách quảng bá cho các game này. Đây được coi là bước ngoặt cho sự phát triển game di động Việt Nam.
Nguồn thu chủ yếu của các game di động Việt Nam hiện có thể thông qua các hình thức như thu tiền từ việc quảng cáo; cho tải game miễn phí nhưng phải trả tiền mua vật phẩm trong game; thu phí tải về; thu phí đăng ký cho một dịch vụ nào đó hoặc kết hợp tất cả các mô hình trên… Chỉ cần game đó hấp dẫn, có số lượt tải, lượt chơi lớn là các nhà phát triển, lập trình viên có thể thu về hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn USD mỗi tháng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự hấp dẫn từ doanh thu của game di động hiện nay sẽ có thể khiến nhiều lập trình viên, nhà sản xuất vì lợi nhuận mà chạy đua phát triển game ồ ạt nhưng chất lượng kém, thiếu sáng tạo khiến cho ngành game di động phát triển không bền vững.
Doanh thu mơ ước từ game di động
Theo hãng nghiên cứu thị trường AppAnnie và HIS, game là hạng mục nội dung số kiếm nhiều tiền nhất trong năm 2013. Trong đó, riêng game di động đã đóng góp tới 16 tỉ USD, tăng hơn 2,9 lần so với năm 2012. Ở thời kỳ đỉnh cao, Flappy Bird đã giúp Nguyễn Hà Đông kiếm được 50.000 USD/ngày. Còn tại hội nghị Vietnam Mobile Day 2014 diễn ra hôm 17-5, các chuyên gia cho biết ước tính doanh thu game di động tại Việt Nam đang đạt khoảng 2 triệu USD/tháng.