Gặp nghệ sĩ Hồ Kiểng vừa mới đi đóng phim ở Cà Mau về, một vai nhỏ trong phim ngắn của Nhật Bản sản xuất. Ông khoe vui “vai này chỉ quay có 3 giờ nhưng được ăn mặc bảnh, lái xe hơi”. Có lẽ đó là một vai “sang trọng hiếm hoi” của ông già chuyên đóng vai phụ trong suốt hơn nửa thế kỷ qua vốn quen với khán giả trong những hình ảnh lão nông, ăn mày và cái kiểu hài hước xuề xòa giản dị.
Cống hiến trọn đời
Người dân xung quanh chung cư 1AB Cao Thắng - TPHCM ai cũng biết ông già đeo cái kính không tròng hài hước và dễ mến. Bây giờ lão nghệ sĩ đã có được một căn phòng khang trang, tiện nghi hơn nhưng hình ảnh của hơn 30 năm cơ khổ sống ở “cõi trần gian lụp xụp” của ông thì ai cũng nhớ.
Những gì đã nâng niu lưu giữ trong căn phòng cũ– thực tế là nơi để máy phát điện ọp ẹp của chung cư, bây giờ được Hồ Kiểng đặt trong bộ sưu tập “đường nghề” ở một góc trang trọng hơn trong căn hộ mới. Đó là 4 tập lưu niệm hình ảnh, những bài báo đã viết về ông hơn nửa thế kỷ qua, 6 tập bài hát vọng cổ, 4 tập thơ do ông sáng tác cùng những kỷ lục và hàng loạt bằng khen.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, lão nghệ sĩ còn đầy duyên với điện ảnh này vẫn dành tình yêu và tận tụy với nghề. Bất kỳ đạo diễn nào cần đến ông, không nề hà vai lớn nhỏ và bất kể là đi quay ở đâu, ông đều nhận lời tham gia và cũng không để ý đến mức thù lao là bao nhiêu.
“Nếu ngày mai tôi có chết, hôm nay tôi cũng sẽ nhiệt tình với vai diễn, được đóng phim, với tôi, đã là một niềm vui lớn lao rồi. Ngày xưa, một người thầy dạy ở Trường Nghệ thuật Liên Xô nói với tôi rằng làm nghệ thuật chứ không phải là bán nghệ thuật. Cái nghệ thuật cần là sự cống hiến và hy sinh. Tôi vẫn ghi lòng và thực hiện theo câu nói ấy cho đến tận bây giờ” – nghệ sĩ Hồ Kiểng nói.
Nghệ sĩ Hồ Kiểng trong đời thường (ở tuổi 85)
Thật vậy, ông được nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên, quý mến bởi sự hết lòng với phim của ông. Hồ Kiểng chưa lần nào làm phật lòng ai, dù là người cùng thời hay thế hệ con cháu sau này, ai cũng nhắc nhớ ông bằng một thái độ thương mến và kính trọng. Làm gì ông cũng tận tâm tận lực, vai chính diện hay phản diện, lặn lội vất vả như thế nào ông cũng nhận.
Liều thân đóng phim quên mình đến mức có đến 4 lần ông tưởng mình đã “tới ngày về với đất”. Bị ngựa quăng gãy xương phải nằm Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội gần một năm khi đóng phim Rừng xà nu ở Cao Bằng; bị rắn độc cắn chết lâm sàng 3 ngày tưởng hết đường cứu chữa khi đóng Đêm săn tiền; bị té đến tụ máu hộp sọ phải mổ não khi đóng phim Cảnh sát hình sự và hệ lụy của những năm tháng đóng phim không nề hà gian khổ của ông là cơn trụy tim tưởng đã từ giã cõi đời từ năm 2005.
“Chắc trời thương cho còn sống để làm nghệ thuật nên vẫn còn ngon lành tới bây giờ” – lão nghệ sĩ già nói vui. Hiện ông sống bằng máy trợ tim và những vết sẹo trở thành những “dấu tích không quên” cho sự cống hiến, hy sinh hết mình vì nghệ thuật của ông.
Bóng chiều tay trắng
Cái thời lăn lộn ở chiến trường, rồi trở về sau ngày thống nhất đất nước “ăn gió nằm sương” với các đoàn phim: Lửa trung tuyến, Hòn đất, Mùa nước nổi, Mùa gió chướng, Về nơi gió cát…, có lúc kiếm sống bằng nghề hớt tóc dạo, làm thợ hồ… ký ức nào cũng hiện hữu trong nghệ sĩ Hồ Kiểng như chỉ mới hôm qua. Đi gần trọn một đời bôn ba, lão nghệ sĩ vẫn không đòi hỏi gì cho mình. Một phần ba cuộc đời sống trong căn phòng chỉ vừa đủ kê một chiếc giường và sống những ngày khốn khó nhưng ông vẫn không phàn nàn lấy một câu.
Cả một dặm dài mấy mươi năm, đã đóng bao nhiêu vai diễn, nghệ sĩ Hồ Kiểng nhớ hết: 208 phim, 304 vở kịch trên đài phát thanh, 48 vở kịch nói, 12 tuồng cải lương, vẽ 6 phim hoạt hình, rồi ảo thuật, đi tấu hài, lồng tiếng múa rối, soạn bài ca cổ, làm thơ... Một gia tài nghệ thuật đồ sộ cùng Kỷ lục Việt Nam cho danh hiệu Người đóng vai phụ nhiều nhất Việt Nam. |
“Tiền bạc là vật ngoài thân, đất điền là của hư ảo, danh lợi bỗng chốc cũng về không. Đầu óc mà cứ nghĩ tới lợi lộc thì sẽ bị cuốn theo nó, còn tâm sức đâu nữa mà sống trọn tình với nghệ thuật” – lão nghệ sĩ suy nghĩ nhẹ tênh như vậy nên cứ đi qua “cõi tạm trần gian” bằng những ngày tháng phiêu linh không lo bị dồn đuổi bởi bất cứ những lo lắng đau đáu nào dẫu cuộc sống quá đỗi thiệt thòi và bất công so với cả một cuộc đời ông cống hiến cho nghệ thuật.
Đã hơn một thập kỷ kể từ ngày được phong tặng danh hiệu NSƯT, hơn một lần được công nhận đạt chuẩn NSND nhưng cho đến nay, danh hiệu cao quý ấy như vẫn còn ở rất xa tầm tay của lão nghệ sĩ đã bước qua tuổi 85 khi tên ông không nằm trong danh sách đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND của lần này.
Ông nói đã từ lâu nhiều người lầm ông là NSND, ông bảo chưa, mới ưu tú thôi. Ai cũng hỏi sao kỳ vậy. Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ về thế thái nhân tình, lão nghệ sĩ hay tự trào bằng những câu thơ: Mẹ sinh tay trắng thuở lọt lòng - Lớn làm cách mạng trắng tay không - Hòa bình vui với đôi tay trắng - Hết kiếp xuống mồ trắng tay không…
NSƯT Hồ Kiểng nói “ở trên” bảo nếu ông muốn xét tặng danh hiệu NSND thì phải làm đơn xin. “Cả đời tôi cống hiến cho nghệ thuật, đến cả mạng sống của mình còn không màng tới. Bây giờ phải đi xin để có được danh hiệu ư? Nghe chua xót quá! Ờ, thì mấy năm rồi nhiều lúc nghĩ cũng thấy buồn, mà thôi, xem như mình cũng đã trả lại trần gian trọn một kiếp nghề” - lão nghệ sĩ bộc bạch.