Xét về mặt thành tích, những người có tên trong danh sách đề xuất của Hội Âm nhạc TPHCM được hội đồng cấp cơ sở đánh giá là những gương mặt sáng giá của đời sống âm nhạc TPHCM, có bề dày cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, có đủ uy tín và sức cuốn hút đối với công chúng cũng như sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp, đồng thời có người đang làm công tác giảng dạy, truyền nghề, dìu dắt thế hệ đi sau.
NSƯT Quang Lý có hơn 40 năm gắn bó với âm nhạc, chất giọng trầm ấm trữ tình của anh đã chinh phục hàng triệu khán giả với những ca khúc nổi tiếng như: Thuyền và biển, Những ánh sao đêm, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca… Năm 1993, anh đã đoạt HCV Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại TP Đà Nẵng. Năm 1988, anh đoạt giải Ca sĩ hát hay về tình hữu nghị Việt – Xô tại cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc do Bộ VHTT tổ chức.
11 hồ sơ xin xét duyệt NSND, NSƯT cho 11 ca sĩ, nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc TPHCM đã bị loại ngay từ vòng xét duyệt tại hội đồng TPHCM, vẫn với lý do “thiếu huy chương”. Trong khi nhiều năm qua, lĩnh vực ca nhạc không tổ chức liên hoan ca nhạc toàn quốc. |
NSƯT Quỳnh Liên đã từng được trao Huy chương Chiến sĩ vẻ vang năm 1992, Huy chương Quân kỳ năm 2010, Giải thưởng Âm nhạc 2009, tham gia biểu diễn giao lưu tại nhiều quốc gia trên thế giới.
NSƯT Nguyễn Thị Nhung đoạt giải nhất Sáng tác nhạc khí cho tác phẩm Chiến thắng Điện Biên Phủ, là thầy của rất nhiều nghệ sĩ trẻ đang theo học khí nhạc và nhạc giao hưởng… Đáng tiếc là cả 3 nghệ sĩ này đều bị loại từ hội đồng cấp TP vì lý do không có huy chương sau khi được phong tặng NSƯT.
Ca sĩ Lan Ngọc đi hát từ năm 18 tuổi. Từ phong trào ca hát học đường, tiếng hát trữ tình của chị gắn liền với dòng “nhạc xanh” - những ca khúc mang tinh thần lạc quan, yêu đời cổ động tinh thần người dân, nhất là thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong những năm đời sống khó khăn: Cánh hoa dầu, Hương tràm, Em ở nông trường, em ra biên giới, Tình đất đỏ miền Đông, Quê hương,… Phong cách biểu diễn sang trọng của chị đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Hơn 40 năm đi hát, đạo đức nghề nghiệp và cuộc sống đời thường của chị vẫn sáng trong bởi lúc nào chị cũng chứng tỏ mình là người của công chúng, phong cách sống giản dị cả trên sân khấu và đời thường. Nhưng ca sĩ Lan Ngọc vẫn bị loại khỏi danh sách đề nghị xét tặng NSƯT.
Nghịch lý từ những lá phiếu bầu
Nghịch lý này xuất phát từ những lá phiếu bầu kín ở hội đồng xét đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cấp TP. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, cho biết ông và nhạc sĩ Võ Đăng Tín được mời tham gia hội đồng này và dĩ nhiên số phiếu của hai ông không thể “chuẩn hóa” cho 10 ca sĩ, nhạc sĩ trong danh sách đề cử của Hội Âm nhạc TPHCM. Ông chua xót: “Duy nhất chỉ có nhạc sĩ Thế Hiển đủ 12 phiếu thuận để được đặc cách, còn lại đều không đủ huy chương nên… rớt”.
Ca sĩ Lan Ngọc tâm sự: “Tôi đi hát vẫn mong đem lời ca của mình phục vụ công chúng. Việc hội đề nghị làm hồ sơ, thủ tục xin xét tặng NSƯT, tôi chấp hành. Vì vậy càng cảm thấy tổn thương khi biết mình bị loại. Tại sao không xét về quá trình đóng góp mà cứ tuân thủ theo tiêu chuẩn huy chương? Điều bức xúc này những ngày qua báo chí đã nói thay chúng tôi. Với một hội đồng xét duyệt mà có 10 người không nằm trong lĩnh vực thì thử hỏi mấy ai hiểu được quá trình phấn đấu và sự cống hiến của chúng tôi?”.
Ca sĩ - NSƯT Hồng Vân cho biết: “Tôi được đề nghị làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND nhưng tôi từ chối vì biết thế nào cũng sẽ không đủ tiêu chuẩn do thiếu HCV. Mà nói thật, tuổi của chúng tôi còn đi thi thố gì được nữa mà có huy chương”.
NSƯT Quỳnh Liên bức xúc: “Nếu chỉ xét về huy chương thì sự phấn đấu của chúng tôi cùng với những cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng sẽ được chuẩn hóa bằng gì? Ai sẽ cấp huy chương cho những đóng góp âm thầm của chúng tôi về truyền dạy nghề, xây dựng đội ngũ trẻ tiếp nối con đường nghệ thuật”?
Trả lời câu hỏi vì sao nhạc sĩ Thế Hiển được đặc cách trong khi nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thị Hải Phượng, ca sĩ Lan Ngọc, ca sĩ Tô Thanh Phương… không được đặc cách, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Vì anh Thế Hiển được nhiều người biết đến qua công tác từ thiện” (!?).
Điều này càng lý giải thêm lý do vì sao rất nhiều ca sĩ không làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Tiếc cho Hải Phượng
Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng đã chinh phục khán thính giả từ những năm còn bé bằng ngón đàn tranh điêu luyện của mình. Năm 1992, Hải Phượng đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh lần thứ nhất. Nối nghiệp mẹ - Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan - Hải Phượng vừa hoạt động sáng tác, biểu diễn và tham gia giảng dạy. Cô cùng với GS-TS Trần Văn Khê thực hiện nhiều CD giới thiệu đàn tranh Việt Nam ra các nước Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Nhật…, tham dự nhiều cuộc giao lưu văn hóa âm nhạc quốc tế và là người lĩnh xướng đầy tự hào qua hai chương trình Nhạc hội Đàn tranh châu Á do TPHCM đăng cai tổ chức. Cô cũng là gương mặt thanh niên điển hình tiên tiến của TPHCM. Việc Hải Phượng không được xét tặng NSƯT đợt này là một điều thiệt thòi cho cô. |