Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm, ngành điện tử - công nghệ thông tin có tới 16.200 chỗ việc làm/năm; tiếp theo là ngành chế biến lương thực - thực phẩm và hóa chất - nhựa, cao su cùng có 10.800 chỗ việc làm/năm; ngành cơ khí 8.100 chỗ việc làm/năm.
Phát triển ngành cơ khí công nghệ cao
Ngành cơ khí TP tập trung phát triển các chuyên ngành cơ khí công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, giảm thiểu sản phẩm cơ khí gia công đơn thuần. Các nhóm ngành cơ khí được ưu tiên phát triển gồm: cơ khí khuôn mẫu; máy móc, thiết bị điện; máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp chế biến. Các nhóm ngành cơ khí được khuyến khích phát triển gồm: sản xuất dụng cụ gia đình; sản xuất máy công cụ; sản xuất máy động lực; sản xuất dụng cụ y tế, quang học, đồng hồ.
Quy hoạch phát triển ngành cơ khí đến năm 2020 được phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt trình độ công nghệ tương đương các nước hàng đầu trong khu vực, có thể xuất khẩu 40%-45% giá trị sản lượng hằng năm, đáp ứng trên 80% nhu cầu trang bị sản phẩm cao cấp và dịch vụ cơ khí cho các tỉnh phía Nam.
Tại TP HCM hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí, tổng số lao động đang làm việc trong ngành này khoảng 57.000 lao động. Dự báo nhu cầu chỗ việc làm trống bình quân hằng năm của ngành cơ khí là 8.100 người, chiếm khoảng 3% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành cơ khí chiếm khoảng 90,25%. Trong đó nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp và không bằng cấp chiếm 11,77%, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm khoảng 49,72%, nhu cầu trình độ CĐ chiếm 18,63%, nhu cầu trình độ ĐH chiếm 8% và nhu cầu trình độ trên ĐH chiếm 2,14%.
Chú trọng công nghiệp phần mềm
Ngành điện tử - công nghệ thông tin TP phát triển theo hướng chú trọng công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng cao. Tập trung các phân ngành, lĩnh vực thuộc danh mục các công nghệ cao ưu tiên đầu tư và sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao ưu tiên phát triển như sản xuất các sản phẩm, linh kiện, thiết bị tin học, viễn thông, nghe nhìn, sản xuất phần mềm và nội dung số.
Nhu cầu nhân lực ngành điện tử - công nghệ thông tin ngày càng tăng, đặc biệt về chuyên ngành và chất lượng nhân lực chuyên môn cao.
Dự báo nhu cầu chỗ việc làm trống bình quân hằng năm của ngành điện tử - công nghệ thông tin khoảng 16.200 người, chiếm 6% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành điện tử - công nghệ thông tin chiếm khoảng 79,58%. Trong đó nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp chiếm 4,44%, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm khoảng 40,54%, nhu cầu trình độ CĐ chiếm 19,36%, nhu cầu trình độ ĐH chiếm 14,1% và nhu cầu trình độ trên ĐH chiếm 1,14%.
Ngành chế biến lương thực “hút” nhân lực
Ngành chế biến lương thực - thực phẩm tập trung phát triển những sản phẩm tinh chế, có giá trị gia tăng lớn bằng công nghệ hiện đại. Ngoài ra, đầu tư khai thác hết năng lực chế biến thực phẩm hiện có và nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Các nhóm ngành chế biến lương thực - thực phẩm được ưu tiên phát triển bao gồm: sản xuất sữa; sản xuất dầu thực vật; chế biến thủy sản; chế biến thịt. Các nhóm ngành chế biến lương thực - thực phẩm được khuyến khích phát triển bao gồm: xay xát; sản xuất bia, rượu, nước giải khát.
Dự báo nhu cầu chỗ việc làm trống bình quân hằng năm của ngành chế biến lương thực - thực phẩm tại TP HCM khoảng 10.800 người, chiếm 4% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành này chiếm khoảng 77,93%. Trong đó nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp và không bằng cấp chiếm 6,4%, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm khoảng 56,89%, nhu cầu trình độ CĐ chiếm 9,66%, nhu cầu trình độ ĐH chiếm 4,83% và nhu cầu trình độ trên ĐH chiếm 0,15%.
Ngành hóa chất - nhựa, cao su: Hơn 10.000 chỗ làm/năm
Ngành hóa chất - nhựa, cao su tập trung phát triển các phân ngành, lĩnh vực áp dụng công nghệ cao, sản xuất sạch nhằm bảo vệ môi sinh, môi trường và giá trị gia tăng để dần trở thành chủ lực như hóa dược và dược phẩm; hóa mỹ phẩm, hương liệu và cao su, nhựa cao cấp. Bên cạnh đó, chú trọng công tác nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực hóa tinh vi, hóa dược, kết hợp với công nghệ sinh học để sản xuất các sản phẩm từ nguồn động - thực vật nhiệt đới phục vụ sản xuất thuốc, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm. Các nhóm ngành hóa chất - nhựa, cao su được ưu tiên phát triển bao gồm: sản phẩm cao su, plastic, sản xuất chất tẩy rửa, dược phẩm: tập trung nghiên cứu các loại dược liệu từ thiên nhiên để sản xuất các loại tá dược và vitamin phục vụ nhu cầu chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu thị trường nước ngoài. Các nhóm ngành hóa chất - nhựa, cao su được khuyến khích phát triển bao gồm: sản phẩm hóa chất tinh khiết, sơn.
Dự báo nhu cầu chỗ việc làm trống bình quân hằng năm của ngành hóa chất - nhựa, cao su khoảng 10.800 người, chiếm khoảng 4% tổng nhu cầu nhân lực. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của ngành hóa chất - nhựa cao su chiếm khoảng 90,81%. Trong đó nhu cầu nhân lực trình độ sơ cấp và không bằng cấp chiếm 6,28%, nhu cầu nhân lực trình độ trung cấp chiếm khoảng 50,25%, nhu cầu trình độ CĐ chiếm 8,49%, nhu cầu trình độ ĐH chiếm 25,23% và nhu cầu trình độ trên ĐH chiếm 0,56%.