“Em là học sinh lớp 12, nhưng lại để ý một thầy giáo trong trường, hơn em tới 20 tuổi. Thầy chưa lập gia đình nên vẫn còn rất “thanh niên tính”. Mỗi khi tan học, em chỉ muốn nán lại để nói với thầy rằng: “Em thích thầy””.
Trong bức thư tâm sự với VTC News, nữ sinh này còn cho biết, trước khi thích thầy giáo của mình, em đã từng rung động với bố của bạn thân vì vẻ ngoài thành đạt, sự chín chắn và tính cách rất tâm lý của người đàn ông này.
Việc rung động có vẻ không bình thường khiến cô bé lớp 12 hoang mang, lo lắng, không hiểu có phải những rung động đó có trái với quy luật hay không? Tại sao mình lại không có tình cảm với những bạn trai cùng trang lứa?
Thực tế hôn nhân chồng già – vợ trẻ
Những rung động đầu đời của các thiếu nữ mới lớn với những người lớn tuổi, thành đạt trong cuộc sống, được bà Lê Thu Hiền, Trung tâm Người bạn tri kỷ khẳng định, đó là một tình cảm hết sức bình thường.
Chồng già vợ trẻ cần lắm nghệ thuật sống. Ảnh thugian.com
Trong thực tế, nếu đối phương nắm bắt được những rung động này và “ra tay”, rất dễ đi đến một đám cưới chỉ trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, sự chênh lệch về tuổi tác, thậm chí là một thế hệ, đã nảy sinh ra những tình huống dở khóc, dở cười.
Gọi điện đến Trung tâm Người bạn tri kỷ 1900 585868, chị Lê Hương (Phan Đình Phùng, Hà Nội) đã tâm sự trong cơn hoảng loạn tột cùng. Khi vừa tốt nghiệp đại học, chị gặp một người đàn ông, 45 tuổi, đã ly dị vợ, sống với 2 con trong một biệt thự sang trọng gần nhà người bác của mình.
Sau mấy lần qua lại, chào hỏi, chị choáng vì sự giàu sang, “cảm” vẻ bề ngoài chín chắn và sự chiều chuộng hết mình của người đàn ông này. Chị cũng thấy yêu quý 2 đứa con riêng xinh xắn của anh ta nên chỉ sau 3 tháng tìm hiểu, họ đã cưới nhau. Chị hy vọng tràn trề rằng với vẻ ngoài thanh xuân của mình, chồng sẽ chiều chuộng, nâng niu mình cũng như mình sẽ sống một cuộc sống “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”.
Tuy nhiên, chỉ sau khi cưới được một tháng, chị đã thấy tù túng với cuộc sống của một osin xịn. Chồng không cho đi làm, mỗi ngày chị chỉ được đi chợ 30 phút và có chồng áp tải, về nhà dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, chiều chuộng chồng và chăm sóc 2 đứa nhỏ... Mỗi khi chồng đi đâu, anh ta khóa trái cửa lại. Không những thế, anh ta còn lắp camera để theo dõi vợ làm gì trong nhà, gọi điện cho ai.
Chị cũng đã từng bị chồng đánh đập tàn nhẫn, chỉ vì gặp lại và nói chuyện với một người bạn trai học cùng lớp ngày xưa. Chị không được về thăm bố dù ở trong cùng một thành phố. Mong ước được nâng niu, chiều chuộng ngày xưa, giờ thành ra nông nỗi này.
Tạm hài lòng với người chồng là giảng viên đại học, hơn mình 20 tuổi, chị Thu Hằng (Hà Nội) cho biết: “Tiếp xúc với sinh viên nhiều, nên tính cách của anh ấy khá trẻ. Anh ấy khá hiểu tâm lý của tôi nên việc chuyện trò cũng rất thoải mái. Chỉ là do anh ấy lớn tuổi hơn, lo toan nhiều hơn nên chi tiêu trong gia đình, việc to việc bé, anh ấy gần như là người quyết định. Tôi không biết chồng tôi có bao nhiêu tiền nhưng tôi chắc là anh ấy có những khoản phòng thân, để sau này còn lo cho con cái. Tôi chỉ cầm đủ tiền sinh hoạt thường ngày của gia đình thôi”.
Chị Hằng chỉ bối rối khi gặp những người bạn của chồng, vốn xấp xỉ tuổi bố mình - 50, 60 tuổi - nhưng chị vẫn phải gọi bằng anh.
Tình yêu hình tượng và sự sụp đổ trong thực tế
““Gái ham tài” vốn đã được ông cha ta đúc kết. Những cô bé mới lớn, bắt đầu chớm nở tình yêu, thường hay hình tượng hóa những người thành đạt. Họ hy vọng, người đàn ông lớn tuổi, chín chắn trong cuộc sống, thành đạt, giàu có, sẽ là chỗ dựa vững chắc cho cuộc sống hôn nhân của họ sau này.
Một số còn ảo tưởng rằng mình sẽ được chiều chuộng, bế ẵm, chăm sóc chu đáo. Họ nghĩ rằng cuộc sống không phải lao động vất vả, chỉ phải ở nhà trông con, ăn diện, đón chồng về, là một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng đó là sai lầm” – Bà Lê Thu Hiền khẳng định.
Rất nhiều cô gái trẻ gọi điện đến trung tâm của bà chỉ để khóc với những lựa chọn của mình. Cuộc sống quẩn quanh xó bếp, chỉ tiếp xúc với con cái và người thân trong gia đình biến họ từ một con người có bằng cấp, năng động, thành những người tự ti, trong tay không có bất cứ một tài sản nào có giá trị làm ra từ sức lao động của mình.
Chính vì thế, tiếng nói của họ trong gia đình cũng không có trọng lượng. Người chồng thành đạt đi từ tờ mờ sáng, và về nhà khi họ đã ngủ nên có khi cả ngày không thấy mặt nhau. Muốn được quyết một điều gì đó cho bản thân, như đi học nhảy, mở cửa hàng buôn bán... họ đều phải xin xỏ và thường là bị từ chối.
Hơn nữa, hôn nhân thường kéo theo sự sụp đổ về hình tượng người chồng. Mong muốn có một người chồng chiều chuộng, thương yêu bản thân, thực hiện những lời hứa khi còn yêu nhau, bỗng chốc bay biến trong cuộc sống gia đình.
Ngoài ra, sự chênh lệch tuổi tác, là hai thế hệ khác nhau , khiến vợ chồng có những suy nghĩ khác nhau, cách ăn uống, sinh hoạt khác nhau... nên nhiều bà vợ trẻ vỡ mộng rất sớm. Ly hôn là giải pháp thường được họ nghĩ đến lúc này để “giải thoát” cho bản thân.
Để khắc phục tình trạng đổ vỡ trong hôn nhân ở những cặp đũa lệch, bà Hiền khẳng định: “Người phụ nữ cần phải đứng trên đôi chân của mình và hãy đừng sống cuộc sống tầm gửi. Nếu không kiếm ra tiền, cuộc sống của bạn sẽ bị khống chế, mất tự do.
Hơn nữa, trong cuộc sống của mỗi người, gia đình, con cái chỉ là một nửa cuộc sống. Xã hội và nhiều mối quan hệ khác chiếm 50% cuộc sống của bạn. Do vậy, các bà vợ trẻ hãy đi làm, ngoài việc kiếm tiền, còn là cơ hội để bạn tiếp xúc, mở mang cuộc sống của mình. Tránh tình trạng ít tiếp xúc dẫn tới trầm cảm”.