85% người tiêu dùng mua hàng qua mạng cố gắng tìm kiếm các dấu hiệu an toàn của website TMĐT. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Tìm cách hút lòng tin của "Thượng đế"
Theo một khảo sát của CyberSoft thì 90% người tiêu dùng khi truy cập các website TMĐT có tâm lý sợ bị lừa đảo, 85% khách hàng cố gắng tìm kiếm các dấu hiệu an toàn của website TMĐT khi mua hàng qua mạng.
Làm sao để khách hàng mua hàng trên website TMĐT nhiều hơn khi mua sắm qua mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro vẫn đang là câu hỏi thường trực đối với các doanh nghiệp/website TMĐT. Và nhiều doanh nghiệp/website TMĐT đã áp dụng giải pháp tìm tới bên thứ 3 để chứng thực uy tín cho mình.
Một số doanh nghiệp nhanh nhạy như Ngân Lượng, Bảo Kim đã sớm triển khai dịch vụ xác thực uy tín cho các website TMĐT và đã thu hút khá đông khách hàng.
Ông Trần Việt Vĩnh, Phó Giám đốc phụ trách điều hành và kinh doanh (COO) Công ty Cổ phần Ngân Lượng, cho biết, hiện có gần 1.000 website trong nước sử dụng dịch vụ chứng nhận uy tín “Ngân lượng đảm bảo” (với 3 mức phí gồm 6 triệu đồng/năm, 10 triệu đồng/năm, 15 triệu đồng/năm). Một trong những điển hình thành công là Công ty Bảo hiểm BIC của Ngân hàng BIDV, sau khi gắn nhãn xác thực của Ngân Lượng đã tăng 23% doanh số bán hàng trực tuyến (online) ngay trong tháng đầu, thanh toán qua NgânLượng.vn chiếm hơn 50% tổng doanh thu bán trực tuyến của BIC.
Điểm nổi trội của dịch vụ "Ngân lượng đảm bảo" là nếu người mua bị lừa đảo bởi các website dán nhãn xác thực uy tín của Ngân Lượng mà không được người bán khắc phục thiệt hại thì Ngân Lượng sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn tối đa theo các mức 3 triệu đồng/vụ, 6 triệu đồng/vụ, 10 triệu đồng/vụ. Nếu người mua không nhận được sản phẩm hoặc sản phẩm không đúng như mô tả trên website có gán nhãn "Ngân lượng đảm bảo" thì Ngân Lượng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường 100% giá trị hàng hóa.
Cung chưa thỏa mãn cầu
Tuy nhiên, những dịch vụ gán nhãn uy tín do 1 doanh nghiệp như Ngân Lượng, Bảo Kim... cung cấp vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu và kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp kinh doanh TMĐT.
Một trong những lý do chưa chọn giải pháp chứng thực của Ngân Lượng hay Bảo Kim được ông Bùi Tiên Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Checkin Việt Nam chia sẻ là những dịch vụ xác thực uy tín này chỉ áp dụng cho những website sử dụng phương thức thanh toán tài khoản của Ngân Lượng hoặc Bảo Kim chứ chưa chấp nhận các công cụ thanh toán khác.
Mặt khác, nhiều đại diện kinh doanh TMĐT cũng băn khoăn rằng ai sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng và uy tín cho chính các nhà cung cấp dịch vụ xác thực uy tín như Ngân Lượng, Bảo Kim,.. bởi các nhà cung cấp cũng chỉ là doanh nghiệp kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Ở một khía cạnh khác của việc nhờ bên thứ 3 gán nhãn xác thực uy tín, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) lưu ý hiện tượng website TMĐT đua gán nhãn theo phong trào, gán nhãn chỉ để đánh bóng thương hiệu. Có những website TMĐT gán cả loạt dấu xác thực của nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước lên giao diện trang chủ, chẳng khác gì cột điện thoại treo lủng lẳng các loại cáp nhưng người tiêu dùng nhìn vào không thể hiểu nổi ý nghĩa của nhãn xác thực. Việc này vừa tốn kém chi phí vừa không hiệu quả.
Chưa kể một số doanh nghiệp/website TMĐT đang "cộp" cả những chứng chỉ, dấu xác thực vi phạm quy định của pháp luật, chẳng hạn sử dụng chứng thư số của nước ngoài như VeriSign.
Một nhu cầu đang được các doanh nghiệp/website TMĐT đặt ra là cần có một nhãn xác thực uy tín cho website TMĐT do một cơ quan quản lý Nhà nước cấp. Cách đây vài năm, Bộ Công Thương đã rục rịch triển khai chương trình dán nhãn xác thực Trustvn cho các website TMĐT. Nhưng theo bà Bùi Thị Thanh Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm eComviet, Bộ Công Thương thì Trustvn chỉ thẩm định vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, hiện nay còn xuất hiện nhiều tình huống xung đột khác trong quá trình giao dịch TMĐT như giao kết hợp đồng, quảng cáo...
Thời điểm này, Bộ Công Thương cũng đang khởi động Hệ thống tiêu chuẩn trong giao dịch TMĐT (SafeWeb), cung cấp nhãn xác thực uy tín cho mọi hoạt động giao dịch của website TMĐT.
Theo khảo sát ban đầu của Bộ Công Thương, chưa có website TMĐT nào đáp ứng các tiêu chí đề ra để có thể được gán nhãn SafeWeb bởi vẫn còn mắc những lỗi phổ biến như giảm giá, khuyến mại sai quy định, không quy định rõ quy trình giải quyết khiếu nại của khách hàng và quy định về giao hàng,... Bộ Công Thương sẽ tích cực tư vấn cho các doanh nghiệp/website TMĐT tự hoàn thiện mình để sớm có nhiều website được xác thực SafeWeb, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường TMĐT Việt Nam.