Một buổi hội ngộ của blogger TPHCM với bạn hữu - Ảnh trích từ blog của nhà thơ Nguyên Hùng
Năm 2010, không khí blog không còn sôi động như thời hoàng kim của Yahoo! 360o những năm 2006-2007. Sân chơi blog phân tán hơn nhưng cũng vì vậy mà từng sân chơi có sự tập trung, không “pha loãng” hay “xã giao” như trước (vì nhiều comment, giao lưu quá, không thể “chăm sóc”, “hài lòng” hết được). Thế giới blog Việt chia “lãnh địa” có phần lặng lẽ, không còn ồn ào. Mỗi blogger, tùy theo ý thích, sở trường của mình, chọn cho mình sân chơi phù hợp. Người chọn 360 plus, kẻ chọn Multiply; người khác lại thích blogspot hoặc My Opera, kẻ nọ lại chọn Yume, Vnweblogs... Có người sung sức, lập blog cho mình ở một vài sân chơi mà vẫn chu toàn, vừa post bài, vừa trả lời comment, giao lưu bằng hữu.
Một blogger “trụ cột” của làng Vnweblogs TPHCM khẳng định: “Không quan trọng chuyện tác phẩm hay dở, quan trọng là có sân chơi để giao lưu, thắt chặt tình bằng hữu” |
Tuổi teen: Ngắn gọn, yêu ghét rõ ràng
Thời đại bùng nổ thông tin, những người tuổi teen không thích dông dài thường chọn cho mình sân chơi Zing me và Facebook. Tại hai sân chơi này, họ tỏ bày qua những entry, những note ngắn và được chia sẻ với bạn bè. Ranh giới giữa trang nhật ký cá nhân (blog) và tâm sự của thành viên trên mạng xã hội (social network) hầu như không rõ ràng. Một dòng status, một câu rao trên Facebook cũng thu hút sự quan tâm sẻ chia của các thành viên bè bạn và thế là đủ, những người tuổi teen được tiếp thêm niềm vui cho ngày mới, quên đi những buồn phiền của tuổi mới lớn, sớm nắng chiều mưa.
Hai sân chơi này cũng lập hội, nhóm, nhất là Facebook. Bỏ qua những hội nhảm (như: Hội những người yêu hết mình rồi chia tay bất thình lình, Hội những người độc thân vì quá đẹp, Hội những bạn trẻ đi học chỉ để điểm danh, Hội thích vẽ bậy trong sách giáo khoa, Hội giả vờ nhắn tin khi gặp tình huống khó xử, Hội những người chém gió không ngại mồm, Hội đẹp trai khờ dại, Hội những người thức khuya dậy không xác định, Hội cứ ở vậy cho chúng nó thèm...), trên Facebook có những hội rất dễ thương học trò và thiết thực, như: Hội những người giúp nhau học tiếng Anh, các hội của du học sinh hay hội cựu học sinh các trường phổ thông. Nguyễn Hoàng Nam, thành viên hội cựu học sinh một trường phổ thông, cho biết: “Tham gia vào hội này, em gặp lại nhiều bạn cũ đã lâu không có tin nhau. Sự kết nối trên Facebook đã giúp chúng em gần nhau, cùng giúp đỡ nhau học tập và chia sẻ buồn vui trong cuộc sống”.
Tại Trường THCS Lê Quý Đôn - TPHCM, các em học sinh cũng tham gia vào các fan club của các thầy cô mà các em quý trọng, như thầy Chinh, cô Hồng, cô Loan... Tại đây, các em bày tỏ, chia sẻ tình cảm với thầy cô với những dòng tâm sự rất đáng yêu đáng quý, với những buồn vui dễ thương của tuổi teen.
Một mạng xã hội khác, thu hút khá nhiều người tham gia, đó là Yume. Những blogger tham gia sân chơi này hầu hết là người trẻ, đa số là sinh viên và người đã đi làm chưa lâu, độ tuổi còn sung sức, tràn đầy hoài bão, khát vọng vươn lên... Những tâm tư về cuộc sống, công việc, gia đình, tình yêu, tình bạn... được các bạn chuyển tải trong những entry dài hơn, có chất văn chương và lắng đọng hơn.
Anh hào vẫn dồi dào phong độ
Tuy nhiên, những blogger chuyên nghiệp tập trung khá nhiều ở 360 plus, Multiply, Blogspot, Vnweblogs...
Sân chơi 360 plus vẫn đông đảo blogger, thu hút nhiều thành phần, nhiều giới tham gia, từ những người rất trẻ đến những người đầu hai thứ tóc. Đình đám nhất vẫn là blog của các nhà báo, nhà văn, giới nghệ sĩ... Những entry của họ, với sự từng trải và dồi dào kinh nghiệm sống, hấp dẫn trong cách diễn đạt và tính nhân văn của từng entry... luôn được đón nhận và sẻ chia với những người bạn. Có thể kể ra đây những blogger nổi tiếng như các nhà báo Phan Văn Tú (Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Thế Thịnh (Báo Thanh Niên), Bố Cu Hưng (Báo Pháp Luật TPHCM), Huỳnh Thúc Giáp (Báo Bình Định)... Những câu chuyện nghề, chuyện đời của họ và những tâm sự về gia đình, bè bạn... được viết dí dỏm, hình ảnh minh họa “đắt” được đón nhận, phản hồi bằng những comment sâu sắc, hài hước, đem lại cho người đọc những phút giây thư giãn và... lắng đọng.
Hai nữ blogger của Vnweblogs (Phương Phương và Nico) - Ảnh từ blog của nhà thơ Nguyên Hùng
Giới “anh hào” blog từ Yahoo 3600 vẫn rất “hâm mộ” nữ blogger Quỳnh Vy (nhiều người cũng chỉ đoán là nữ thôi vì cái tên và cả biệt danh “phù thủy Calata” đầy ấn tượng). Nay người ta vẫn gặp blogger này trên Multiply với những entry sâu sắc với lối diễn đạt tưng tửng, nghịch ngợm, không thể không bật cười với cái duyên của ngòi bút này. Ngay cả lời giới thiệu đã... gây chú ý rồi: “Tuổi 30. Tính tình đanh đá. Thích cãi nhau”. Entry là “Buồn buồn” nhưng Quỳnh Vy viết lại... chẳng thấy buồn:
Buồn buồn lên blog la làng
Hết buồn lại chấm xuống hàng viết hoa
Đá văng ủ dột ra xa
Rồi lăn ra ngủ suốt ba bốn ngày
Thế là blogger Họa sĩ Nhím vào “còm”:
Ngủ gì ngủ những mấy ngày
Gái mà ngủ lắm... béo quay... lại buồn
Quỳnh Vy cũng có những cái note rất khôi hài, như:
Trời ơi tui muốn ở không
Làm việc cho lắm, tắm không mặc gì...
Đỏng đảnh nhà thơ mở rồi lại đóng
Một sân chơi khá hấp dẫn cho người mê văn chương, thu hút khá đông đảo người tham gia trong mấy năm qua là Vnweblogs, còn được mệnh danh là web văn chương. Sân chơi này hầu như quy tụ những... người không còn trẻ, độ tuổi dưới 25 góp mặt vào sân chơi này không nhiều, đa số chủ lực của web này là các blogger tuổi đã sồn sồn trở lên, nhiều người đã lên chức ông, bà, lâu lâu post hình ảnh, thông tin cháu lên... khoe, hay thông báo sắp làm... sui gia. Cũng góp mặt trên trang web này là những nhóm bạn học cũ từ thời xa lắc xa lơ, nay tập hợp lại được, giao lưu, hỗ trợ nhau trong đời sống hay những đồng đội cũ đi tìm đồng đội đã hy sinh; những người đang ở xa tổ quốc như blogger Thanh Chung (Mỹ), Thuận Nghĩa (Đức), Hoàng Lộc (Úc)...
“Đặc sản” của trang web này là tác phẩm văn chương, nhất là thơ, bạt ngàn thơ của các tác giả trên đất nước mà ai cũng có thể làm thơ, dù hay dù dở. Góp mặt trên trang web này cũng có những tác giả tên tuổi và những người chưa là tác giả tên tuổi song thơ hay, được giới sành điệu thẩm thơ đánh giá là những người làm thơ... đáng đọc. Do thiết kế của trang web và do tính tình... đỏng đảnh, khác người của các nhà thơ, nên tình trạng của nhiều blogger là thích thì lại mở hoặc thích thì lại đóng. Có những tác giả làm thơ hay như Mây Ngàn, Hoàng Thanh Trang, Nguyên Nguyên, Đa Mi, BiVi..., dăm bữa “nổi” lên rồi “lặn” mất tăm. Blogger Mây Ngàn xuất hiện với chùm thơ cực kỳ ấn tượng, được giới blogger chào đón, thì sau một thời gian dài cả năm đóng cửa, mới đây trở lại với dăm bài thơ, được vài bữa lại đóng blog. Blogger đình đám Đa Mi thì hầu như hai năm qua “tuyệt tích giang hồ”, để lại nhiều tiếc nuối... @
Blogger quý bạn Đây là tố chất luôn tràn trề của các blogger thứ thiệt. Không chỉ là những comment, hỏi thăm, chia sẻ trên blog, mà ngoài đời thường, những dịp gặp gỡ nhau bao giờ cũng được xem là “sự kiện chính”. Biết nhau qua mạng, được dịp offline, hạnh ngộ “dung nhan” của nhau, nghe nhau nói, nói nhau nghe, với nhiều blogger là “như thỏa tấm lòng”. Bởi vậy, những hình ảnh, câu chuyện trên blog về những cuộc gặp mặt của các blogger luôn xôm tụ và tràn đầy tình cảm thân thiết. Người đọc thường háo hức tìm xem những hình ảnh gặp gỡ, giao lưu giữa các blogger và chia sẻ, dành cho blogger nhiều thiện cảm. Trên Vnweblogs có Hội blogger Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, bầu các chức danh ban bệ, hoạt động ra trò. Mỗi lần các blogger có dịp đến đâu thường được “chủ nhà” đón tiếp nồng hậu; khi blogger có chuyện vui, chuyện buồn đều được thông tin, chia sẻ kịp thời. Nhiều blogger ở xa tổ quốc như Thanh Chung, Nico..., mỗi lần về nước đều được bạn bè blogger “giành nhau” chăm sóc tận tình. Ở Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tiền Giang, Bạc Liêu... , các nhóm blogger luôn chờ đón “bạn hiền”, quý bạn đến mức dành hết thời gian để đón tiếp, đưa bạn giao lưu, thăm thú nhiều nơi, “tình thương mến thương” nhiều vô kể. Vnweblogs cũng đã in một số tác phẩm cho các thành viên tiêu biểu, được dư luận đánh giá tốt, cũng là nguồn động viên các cây bút nỗ lực sáng tác đều tay và hay hơn; thắt chặt tình cảm gắn bó của người cùng một nhà. |