Trang Sina Tech dẫn nghiên cứu mới đây của hãng phân tích thị trường Eguan và công ty game Giant Interactive (Trung Quốc) chỉ ra, ước tính có 100 triệu người tại Trung Quốc bị tổn thương não do game video.
Báo cáo xác định những game thủ bị mất khả năng kiểm soát bản thân và hình thành sự phụ thuộc bất cân đối vào game. Trong khi bài báo tiếng Trung gọi họ là “chết não”, “tổn thương não”, có vẻ như đây chỉ là dấu hiệu của “nghiện” game.
Enfodesk và Eguan thu thập dữ liệu thông qua nhiều phương pháp như hỏi đáp, phỏng vấn trực tiếp. Trong số những người tham gia khảo sát, 67,5% game thủ cho biết họ quen với người gặp phải loại tổn thương này, song chỉ có 0,02% thừa nhận mình đáng bị xếp vào danh mục đó.
Khảo sát cho thấy khu vực Đông Bắc Trung Quốc tập trung nhiều game thủ bị “nghiện” nhất, chiếm đến 29,7%. Tỉnh Hà Nam chiếm 17,2% trong khi Phúc Kiến chiếm 12,9%; 40,2% còn lại trải dài khắp đất nước. Nam giới có xu hướng bị ảnh hưởng cao hơn 30% so với nữ.
Nhà chức trách Trung Quốc luôn buộc các nhà phát triển game áp đặt hệ thống chống nghiện, chủ yếu để bảo vệ thanh thiếu niên, song đều thất bại. Chứng nghiện game tại Trung Quốc bắt đầu thu hút sự chú ý của quốc tế khi bộ phim tài liệu năm 2009 có tên “Who Took Our Children” kể về 30 tai nạn đều có nguồn gốc từ chơi game trực tuyến.
Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe game thủ, thậm chí dẫn đến tử vong do chơi quá liều, nó còn biến họ thành kẻ nguy hiểm. Bi kịch nhất là trường hợp của thanh niên 17 tuổi đã đầu độc cả bố mẹ sau khi bị cấm bén mảng đến quán café Internet. Như một hệ quả, các trung tâm điều trị, phòng khám công cộng hay thậm chí cả các trại huấn luyện như trong quân đội ra đời để giúp kiềm chế “bệnh dịch” này.