Trong thời gian qua, Sabu là cái tên được nhiều người nhắc đến nhất trong vai trò thủ lĩnh của nhóm hacker LulzSec, với những tuyên bố thách thức và ngạo mạn cũng như đứng ra phát động những cuộc tấn công quy mô lớn của hacker nhằm vào nhiều mục tiêu khác nhau trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, danh tính của Sabu đã bị lật tẩy hoàn toàn vào sáng thứ 3 vừa qua, sau khi cục điều tra liên bang Mỹ FBI thực hiện chiến dịch “tàn phá tổ chức” nhằm vào nhóm hacker LulzSec.
Theo các nguồn tin ban đầu, lãnh đạo của nhóm hacker LulzSec, kẻ có biệt danh “Sabu” có tên thật là Hector Xavier Monsegur, một người Mỹ gốc Puerto Rico, 28 tuổi, cha của 2 người con, hiện đang thất nghiệp và đang sống tại thành phố New York.
Điều đáng chú ý nhất đó là tiết lộ của Sabu sau khi bị bắt giữ. Hacker này thừa nhận lâu nay vẫn làm việc cho các tổ chức chống hacker của chính phủ Mỹ, thường xuyên cung cấp thông tin của các hacker cho cơ quan thực thi pháp luật liên bang.
Theo đó, Sabu thực sự đã bị cảnh sát “lật mặt” từ tháng 6 năm ngoái và đã nhận tội vào tháng 8 với các tội danh tấn công hệ thống máy tính, xúi dục tấn công các trang web chính phủ… cũng chính Sabu là người đã trực tiếp tấn công vào các hệ thống của Visa, MasterCard, Paypal, công ty bảo mật HBGary và các trang web của chính phủ Tunisia, Algeria, Yemeni và Zimbabwe…
Sau khi bị bắt giữ, Sabu đã đồng ý hợp tác với cảnh sát, tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo nhóm hacker LulzSec của mình, phát động những cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu mới để kêu gọi các hacker chủ chốt tham gia. Sau đó, thông tin của các hacker này sẽ được Sabu cung cấp lại với các cơ quan chức năng để dựa vào đó có thể lần ra danh tính thực sự và bắt giữ các hacker.
Vào tháng 6 năm ngoái, nhóm hacker LulzSec bất ngờ tuyên bố "gác kiếm" và ngừng mọi hoạt động tấn công của mình, đây rất có thể là thời điểm mà Sabu đã bị cảnh sát "lật mặt" thật sự. Tuy nhiên sau đó không lâu, vào tháng 7, LulzSec tuyên bố hoạt động trở lại, nhiều khả năng, đây là thời điểm mà Sabu đã bắt đầu vai trò mới của mình.
Thực sự Sabu đã đóng rất tốt vai trò “hai mặt” của mình. Mới tuần trước, sau khi cảnh sát quốc tế bắt giữ 25 thành viên của nhóm Anonymous, chính Sabu là người đã phát động cuộc tấn công nhằm vào trang chủ của Interpol.
Bên cạnh vai trò thủ lĩnh của LulzSec, Sabu cũng là một trong những thành viên chủ chốt và rất có ảnh hưởng trong nhóm hacker Anonymous. Sabu đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích các điểm yếu trên các hệ thống máy tính để giúp nhóm hacker tấn công và xâm nhập vào đó.
Tiết lộ “động trời” của Sabu sẽ là một “đòn đau” đánh vào lòng tin và sự kiêu hãnh của nhóm hacker Anonymous.
“Sẽ rất khó khăn để Anonymous có thể phục hồi lại lòng tin giữa các thành viên” - Mikko Hyponnen, chuyên gia nghiên cứu bảo mật tại hãng bảo mật F-Secure, Phần Lan nhận xét - “Các thành viên của Anonymous có thể đang rất giao động. Ngay cả với thành viên có tiếng tăm như Sabu, họ cũng không thể tin tưởng, vậy thì còn có thể tin tưởng ở ai?”
Cũng trong sáng thứ 3 vừa qua, bên cạnh Sabu, 5 thành viên khác của nhóm LulzSec cũng đã bị cảnh sát bắt giữ, bao gồm 2 thành viên người Anh, 2 tại Ireland và 1 thành viên tại Chicago.
Vụ bắt giữ này diễn ra chỉ ít ngày sau khi nhóm hacker Anonymous thừa nhận đã bị cảnh sát mạng xâm nhập và cài các thành viên vào mạng lưới của nhóm, nhưng chắc hẳn rằng ngay cả những thành viên chủ chốt của Anonymous cũng khó có thể ngờ rằng, đó lại chính là “Sabu”, một trong những thành viên có tiếng nói và uy tín nhất của nhóm hacker này.