Nguồn lợi từ mạng ảo
Theo một thống kê của Statcounter thì hiện nay Facebook đang chiếm vị trí hàng đầu thế giới với 61,68% người sử dụng, đứng thứ hai là StumbleUpon chiếm 19,98%, YouTube, thứ ba với 7,75% người dùng và đứng thứ tư là Twitter chiếm 5,88%. Các phân tích của nhiều chuyên gia và thậm chí chính Google cũng phải thừa nhận các mạng xã hội đã vượt qua công cụ tìm kiếm hàng đầu thế giới Google Search để trở thành địa chỉ Internet được nhiều người ghé thăm hàng ngày nhất thế giới. Điều này mang đến cho các mạng xã hội những quyền lực thực trong một môi trường ảo.
Tài sản của mạng xã hội là... người dùng
Hiện tại, các nhà quảng cáo được tin là đang tìm đến các mạng xã hội để hợp đồng đặt banner dài hạn tại đây trong khi người dùng các mạng này cũng vui vẻ chấp nhận chúng. Theo các báo cáo tài chính của Facebook thì hãng này thu được khoảng 1,1-2 tỉ USD lợi nhuận trong năm tài khóa 2010, còn Twitter thì được 150 triệu USD. Đó là những con số rất ấn tượng mà nhiều công ty công nghệ khác phải mong ước.
Không những thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ, các mạng xã hội còn càng trở nên... bí hiểm khi cho tới nay vẫn chưa chính thức bước lên sàn chứng khoán và nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng đã có những định giá cực cao cho các địa chỉ website này. Mới đây, tháng 12-2010, Facebook được ngân hàng đầu tư Goldman Sachs của Mỹ định giá lên tới 50 tỉ USD. Ngay sau đó, General Atlantic tiếp tục nâng giá trị của Facebook lên 65 tỉ USD.
Mạng xã hội Twitter mới đây cũng từ chối lời đề nghị mua lại với giá 10 tỉ USD của đại gia công nghệ Google, vì tin rằng giá trị của họ cao hơn như thế. Sau thất bại đó, gần đây Google lại tiếp tục đưa ra ý định mua lại mạng xã hội Groupon với giá 6 tỉ USD cho một công ty mới tồn tại chưa đến 2 năm và cách thức hoạt động cũng tương tự như các công ty kinh doanh mạng xã hội khác. Tuy thế, cũng như cách mà Twitter, Facebook đã làm, ông chủ của Groupon đã từ chối lời đề nghị của Google vì cho rằng họ phải “xứng đáng” ở một mức giá cao hơn.
Nhiều bí ẩn đằng sau
Mặc dù có giá trị cao nhưng nhiều nhà quan sát lại tỏ vẻ hoài nghi về giá trị thực của Facebook trong thời điểm hiện tại bởi việc định giá mạng xã hội này lại đến từ chính... các nhà đầu tư của nó.
Facebook có giá trị cao hơn cả những công ty công nghệ hàng đầu
Năm 2010, tập đoàn Digital Sky Technologies của Nga đã quyết định góp thêm 500 triệu USD cho Facebook cùng với số tiền 500 triệu USD của ngân hàng Goldman Sachs. Ngay sau đó, trong một thông cáo báo chí, chính ngân hàng Goldman Sachs lại tiếp tục... đánh giá Facebook có giá rất “khủng”, lên tới mức 50 tỉ USD. Điều này gây không ít nghi vấn cho các nhà kinh tế thế giới.
Sang năm 2011, Goldman Sachs tiếp tục “bơm” khoảng 1 tỉ USD vào Facebook cùng với nguồn đóng góp khoảng 2,5 tỉ USD của nhà đầu tư General Atlantic. Cả hai đã cùng tạo cú hích mới cho Facebook khi General Atlantic tuyên bố “lúc này, Facebook có giá đến... 65 tỉ USD”.
Lise Buyer, nhà phân tích thị trường với chuyên môn định giá các thương hiệu, đã khẳng định “không ai có thể trả cho Facebook hơn mức giá đó (50 tỉ USD)” và thừa nhận “không ai ở thung lũng Silicon thực sự biết giá trị của Facebook, cho dù tất cả họ đều thừa nhận nó có thể có giá trị rất lớn”. Với các mạng xã hội khác cũng như thế, chưa ai biết được thực sự những website này có giá bao nhiêu bởi nó chưa được đưa ra thị trường chứng khóan.
Đâu là giá trị thực?
Theo các nhà quan sát, giá trị của những mạng xã hội đang được các tổ chức tài chính “bơm” quá mức. Cụ thể với Facebook, do hiện nay cổ phiếu của nó vẫn chưa được chính thức niêm yết trên thị trường mà chỉ được giao dịch nội bộ trên thị trường cá nhân và cũng chỉ đạt mức 42 tỉ USD. Tuy thế, con số này vẫn không có nguồn kiểm chứng độc lập khác mà chỉ... dựa vào tuyên bố của những người... trong cuộc.
Bên cạnh đó, việc định giá quá cao cho các mạng xã hội sẽ giúp các nhà đầu tư thu được lợi nhuận kếch xù ngay trong những ngày đầu chúng lên sàn. Chẳng hạn, mạng xã hội OpenTable đã được thổi phồng giá trị cổ phiếu tăng lên thêm... 200% mặc dù đây là một địa chỉ hầu như rất ít tiếng tăm và không có mấy người sử dụng. Facebook cũng tương tự, mạng xã hội này đang có dự tính sẽ phát hành cổ phiếu của họ vào năm 2012, Goldman đã đổ 450 triệu USD vào Facebook với hy vọng trở thành một ngân hàng đầu tư cho cổ phiếu của Facebook trong thời gian tới và chúng sẽ mang lại hàng trăm triệu USD tiền lệ phí cho các ngân hàng đầu tư đón nhận nó.
Tuy thế, theo chuyên gia truyền thông Rushkoff thì “người sử dụng chính là giá trị của Facebook. Người sử dụng không phải là khách hàng của Facebook. Người sử dụng chính là sản phẩm. Khách hàng của Facbook là những người đang trả tiền cho Facebook”. Và “ai là những người đang trả tiền cho Facebook? - Chính là những công ty điều tra thị trường và những nhà quảng cáo” - Rushkoff nhận định .
Nhà phân tích Lise Buyer thì thừa nhận “Facebook rõ ràng rất đáng giá, bởi đó là công ty có được thông tin cá nhân của khoảng 600 triệu người, nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác, và những giám đốc marketing sẽ rất thích thú với những thông tin này”.
Tuy vậy, theo một khảo sát đáng tin cậy của các tổ chức tài chính, vào tháng 9-2010, giá trị của Facebook vẫn chỉ trong khoảng 23-33 tỉ USD nhưng chỉ sau 3 tháng với số tiền rót vào chưa tới 2 tỉ USD của các ngân hàng đầu tư cộng với khoản lãi 2 tỉ USD của Facebook thì vẫn không đủ sức để nâng giá trị của nó lên tới mức 50 tỉ USD hay 65 tỉ USD như hiện nay. Tạp chí TIME nhận định, không có lý do gì để mạng xã hội ảo, chỉ có mỗi một tên miền nhưng lại có giá trị rất cao, thậm chí còn hơn cả những công ty hàng đầu khác như Dell giá 28 tỉ USD, Adobe giá 16 tỉ USD, Lenovo - hãng sản xuất máy tính lớn nhất Trung Quốc - 5,67 tỉ USD.
Quả bong bóng mạng xã hội sẽ vỡ khi chúng chính thức lên sàn, nếu như thực sự chúng không đáng giá như những gì các nhà đầu tư đã “thổi” lên thì ngay những ngày đầu giao dịch, họ sẽ bán sạch cổ phiếu của Facebook hay các mạng xã hội khác để kiếm lời trước khi sự thực về một hiện tượng “ảo” trong thế giới “thực” chính thức sụp đổ.