Nhiều bạn đọc thắc mắc chuyện vì sao thư rác gửi đi chẳng ai đọc mà lại phát triển rất mạnh. Phải chăng những người gửi thư rác rảnh rỗi ngồi cả ngày để gửi email cho người ta... xóa.
Đủ loại spam
Được sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đến Làng Đại học Thủ Đức gặp N., sinh viên khoa công nghệ thông tin một trường đại học có tiếng tại TPHCM. N. nổi tiếng trong giới spammer nhờ có mối quen biết và làm ăn rộng. Hiện tại, N. đang điều hành 3 đường dây chuyên mua bán các đĩa CD chứa hàng chục triệu địa chỉ email và phần mềm spam chuyên nghiệp cho bất kỳ công ty nào có nhu cầu quảng cáo sản phẩm trên email.
Spam luôn khiến mọi người mệt mỏi với lượng thư nhận được
Tiếp chúng tôi với nụ cười hồ hởi sau khi biết được mục đích của chuyến đi là đến để phỏng vấn “cao thủ”, N. nhanh nhảy phân tích hiện Spam trên thế giới được chia ra làm 3 loại, một dạng là người dùng cá nhân hoặc doanh nghiệp dùng máy tính của chính mình với phần mềm hỗ trợ gửi email với số lượng cực lớn để “bắn” đi các thông tin cần quảng bá, quảng cáo... Loại này gặp phổ biến ở Việt Nam và dường như không thể kiểm soát nổi bởi... quá nhiều người dùng. Một chủ website mới lập muốn quảng cáo cho trang web, Spam! Một công ty muốn giới thiệu bánh trung thu, Spam! Một hãng xe hơi ra mắt dòng xe mới, Spam! Công ty dược phẩm xuất bán loại thuốc đặc biệt, Spam!
Loại thứ hai, theo N., thuộc nhóm các spammer chuyên nghiệp. Cũng sử dụng cách thức như nhóm doanh nghiệp nhưng máy tính của spammer và các email được gửi là của người khác. Lẽ dĩ nhiên, việc này đồng nghĩa với việc spammer sẽ có được một khoản tiền kha khá từ “dịch vụ” do mình cung cấp. Lý giải vì sao các doanh nghiệp lại nhờ người khác đi spam giúp mà không tự làm, N. cho biết sau khi Việt Nam ra luật sẽ phạt nặng spammer, nhiều doanh nghiệp đẩy trách nhiệm cho những spammer bán nghiệp dư. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn spammer kiểu này thường là sinh viên các ngành liên quan đến công nghệ, muốn làm “tay trái” để kiếm tiền đóng học phí.
Loại thứ ba, đây là nhóm spammer cao cấp và là nguồn spam chủ yếu của... thế giới. Sử dụng hệ thống máy tính cực mạnh, các spammer này nhận đơn đặt hàng của nhiều công ty để quảng cáo sản phẩm của họ đến khắp nơi trên thế giới. Theo N., ở Việt Nam không có spammer dạng này và trên thế giới, con số cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những nhóm spammer này không phải là một cá nhân riêng lẻ mà thường là cả một tổ chức.
Cuộc chiến không có hồi kết
Nhiều người lầm tưởng spam chỉ đơn thuần là “bắn” hàng trăm triệu hay hàng tỉ email từ một máy tính, nhưng thực tế không phải vậy. Một spammer chuyên nghiệp thường sở hữu ít nhất từ 2 máy tính trở lên để phục vụ cho việc spam và nếu spam càng nhiều thì càng cần nhiều máy tính. Một email khi gửi thường có dung lượng 50 KB, nếu spam theo kiểu “chính quy” (trường nhận là địa chỉ email của người nhận thay vì là một email chung chung) thì mỗi người sẽ phải có một email riêng. Mỗi email gửi mất khoảng 5 giây thì một ngày, một máy tính hoạt động 24/24 cũng chỉ gửi được... 20.000 email. Trong trường hợp đính kèm file thì con số thư spam gửi được càng ít hơn nữa.
Hàng triệu máy tính bị kiểm soát chỉ để... spam
Vì lý do đó, để spam một cách... chuyên nghiệp cũng không phải là dễ. Điều này cộng thêm yếu tố quy định chế tài khắt khe mới của luật khiến cho các spammer ngày càng được nhiều doanh nghiệp tìm đến để “giao dịch”. Một mặt, tránh được phiền phức về luật pháp, khắc phục được sự thiếu sót về phần cứng (máy tính dùng để spam) và khi có gì xảy ra thì spammer... chịu hết.
Trên thế giới, các spammer siêu cao cấp là những hacker thực thụ, thay vì đầu tư mua dàn máy tính để gửi cả tỉ email một ngày, họ tấn công các máy tính khắp nơi trên thế giới và lập ra những mạng máy tính ma (botnet) để giúp phát tán thư rác. Thư rác trên thế giới chủ yếu xuất phát từ nguồn này. Bằng chứng của nó là sau khi các chuyên gia an ninh mạng đã xóa sổ được botnet Pushdo (hay Cutwail) đã giúp giảm 10% lượng spam toàn cầu. Cộng với việc tiêu diệt một số botnet khác như Bredolab, botnet Zeus, botnet Spamit... đã giúp giảm tới 47% lượng spam trên toàn cầu.
Tuy đã có những chế tài, nhưng thực tế spam sẽ không bao giờ bị diệt hết. Theo N., tại Việt Nam, sau mỗi “thương vụ” một spammer thường được thù lao vài ba trăm ngàn đồng, riêng nếu bán được bộ đĩa CD chứa 1 triệu địa chỉ email thì cũng có thể thu lợi trên trăm ngàn đồng. Đó là những con số rất có ý nghĩa với một sinh viên. Về mặt quy mô nhỏ là thế, riêng với các nhóm spammer chuyên nghiệp chắc chắn nguồn lợi sẽ còn cao hơn. Bởi thế, spam sẽ tiếp tục tồn tại cùng với email như hình với bóng.