Chim chấp chới thay thế chim nổi giận
Nhắc tới chim trên thế giới game gần đây, có lẽ hình ảnh quen thuộc nhất sẽ là những chú chim màu vàng, đỏ trong trò chơi nổi tiếng Chim nổi giận ("Angry Birds"). Nhưng chỉ trong một hai tháng trở lại đây, Chim Nổi giận đã phải nhường chỗ cho một chú chim khác trong game Chim chấp chới (Flappy Bird). Tên là chấp chới nhưng game này luôn vững chắc số 1 trên Apple Store và Google Play, với ngót 50 triệu lượt tải về, trước khi bị tác giả khai tử.
Đơn độc, không có kẻ thù, không bạn đồng hành, thách thức chính của Chim chấp chới dường như thể hiện ngay ở tên gọi. "Chấp chới" tự thân đã thể hiện sự phập phù trong hành trình của nhân vật chính. Không rõ đích đến, trở ngại trong hành trình nằm ngay ở khả năng tồn tại của chú chim và chỉ lơi lỏng (thực tế đa phần do mỏi tay) là số phận của chim trong lượt chơi game kết thúc.
Thành công của Flappy Bird giống như một sự khẳng định, cái khó nhất trên đời là "vượt lên chính mình". Điểm hấp dẫn của game vô thức nằm ở sâu trong tâm lý con người, vô hình chung tạo nên một tác dụng ngoài dự kiến. Việc người ta buộc phải chơi đi chơi lại vì sức hút tự thân đó đã trở nên một mối nguy, trước hết là số phận của những chiếc điện thoại cài đặt game, sau đó là chính bản thân người chơi.
Chú chim chấp chới đã trở nên nổi tiếng thế giới
Chim chấp chới không ham kiếm tiền
Thành công của game mang lại cả phản ứng hâm mộ lẫn song song là sự chỉ trích thái quá vào tác động tiêu cực của game. Có những phản hồi và chỉ trích đọc xong có thể khiến người nhận được trở thành "chú chim nổi giận" chứ không phải chuyện chơi.
Phản ứng của người chơi được coi là lí do chính mà tác giả game, một lập trình viên người Việt Nam, rút Flappy Bird khỏi cả hai kho ứng dụng phổ biến nhất toàn cầu. Còn thực tế thì chàng trai này đánh giá rằng game của mình có thể gây nghiện, một trạng thái ảnh hưởng không tốt tới cuộc sống của người chơi.
Thật lạ lùng. Nếu chỉ cần nhìn vào các ứng dụng trên điện thoại thông minh, chắc chắn ai cũng có thể thấy việc được phổ biến rộng rãi là kỳ vọng hàng đầu của các nhà phát triển ứng dụng. Kèm theo đó sẽ là các khoản thu nhập (mà qua thành công của Flappy Bird mới được nhắc tới nhiều) rõ ràng là khá béo bở. Còn ở quy mô của những hãng game lớn, việc người chơi bị "ràng buộc" vào thế giới game do mình tạo nên, gần như là một điều sống còn cho công cuộc kinh doanh của họ.
Nhìn lại thị trường game Việt Nam trong chục năm qua, có thể thấy rõ điều đó. Từ một lĩnh vực mang tính giải trí, với internet, game online đã trở thành một ngành công nghiệp vô cùng hấp dẫn, kéo theo hàng chục triệu người chơi.
Giả sử người chơi có "nghiện", thì nhà phát hành game sẽ là bên thu lợi nhiều nhất, với số thời gian mà người chơi phải trả quy được ra cả tiền ảo lẫn tiền thật. Thế nên khi có sự vụ gì xảy ra, ví dụ game thủ lỡ "chết vì chơi game quá đà", các hãng phát hành game cũng chỉ xuê xoa.
Khác với Flappy Bird, một trò chơi mà theo thổ lộ của tác giả được soạn ra để người chơi trong vài phút giải trí, có thể dừng chơi bất cứ lúc nào, các trò chơi trực tuyến trên máy tính được thiết kế có kết cấu tầng tầng lớp lớp hơn rất nhiều. Người chơi muốn vượt qua các thử thách trong game để đến đích, cần phải "cày cuốc" trong nhiều giờ để lên level, kiếm thực nhiều bảo bối, "giết" thực nhiều đối thủ trong game.
Báo chí từng phát động những đợt chỉ trích game online khá rầm rộ, trong đó, các nhà khoa học có đưa ra những phân tích về tác hại của game tới sự phát triển về tâm thần và thể chất của giới trẻ Việt Nam (vốn đã không có những ưu việt tự nhiên so với thế giới). Tuy nhiên, những đợt chỉ trích này không đủ để giảm cung và cầu đối với game onlie, vì những lợi ích không hề nhỏ mà thị trường này mang lại.
"Nếu là chim, anh sẽ chỉ là loài chim... Flap?"
Trở lại với câu chuyện được coi là thần kì, dù ngắn ngủi, của "chú chim chấp chới". Rõ ràng, nếu lí do lo ngại tác hại của game đối với người chơi là thật, Nguyễn Hà Đông đã cho thấy sự khác biệt lớn, và hiếm, của mình so với câu chuyện của các hãng phát hành game.
Tuy so sánh là khập khiễng, vì một bên là một cá nhân và một bên là thực thể kinh doanh chuyên nghiệp, nhưng cả hai đều có điểm chung là nếu càng nhiều người chơi, hoặc người chơi "cày" càng lâu thì đều thu được tiền, từ quảng cáo (đối với Flappy Bird) hay từ thẻ chơi game (đối với các trò chơi trực tuyến).
Ở góc nhìn bình thường, dường như mọi người đều có phần tiếc nuối cho chàng trai Việt Nam đang có cơ hội kiếm được rất nhiều tiền. Có người còn cho rằng, cần phải vượt qua những áp lực để "bản lĩnh" hơn. Để làm giàu cho mình, và mang danh cho...Việt Nam.
Song đọc những dòng Twitter của Hà Đông thì có lẽ người ta phải nghĩ khác. Khó có thể kết luận một người dám sống với bản ngã của mình là thiếu bản lĩnh.
Và có lẽ về chuyện vật chất thì những người quan tâm đã mải mê chú ý hết vào nhà vô địch Flappy Bird, cũng không cần phải lo nhiều cho chàng trai trẻ. Với Super Ball Juggling và Shuriken Block, hai game tương tự từng đứng trong Top 10 của bảng free game apps, dù bớt đi chú chim kia, Hà Đông vẫn có những chú gà đẻ trứng vàng. Quan trọng hơn, anh có thể tiếp tục niềm đam mê của một nhà phát triển phần mềm ứng dụng mà không bị sa vào những áp lực ngoại lai đốt thời gian không kém gì Flappy Bird đối với những nguời "nghiện" nó.
Vì thế, với những người tin vào Nguyễn Hà Đông và GEAR Studio (cái tên rất động, khiến ngươì ta có thể nghĩ tới động tác "vào số" của các loại xe), hẳn là họ sẽ mong rằng sự khai tử chú chim chấp chới kia sẽ không phải là "Game Over".
Biết đâu, với cái tâm thế khá đặc biệt của tác giả trò chơi, ngày nào đó sải cánh dặt dẹo của "chú chim chấp chới" sẽ được bay cao hơn ở một tầng mây của đại bàng thực thụ.