Tại Việt Nam chưa có bất kỳ một thống kê đầy đủ nào về giá trị mua sắm online nhưng tại châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Hoa Kỳ thì việc mua hàng trực tuyến đã trở thành một kênh bán hàng chính thức thứ hai của các hãng lớn. Tại Hoa Kỳ, vào ngày Cyber Monday - ngày đặc biệt để mua sắm online, có tới 87% các công ty bán lẻ đưa ra giá khuyến mãi đặc biệt vào ngày này, và thu hút tới 96,5 triệu khách hàng. Theo số liệu điều tra của công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen, trên thế giới hiện nay có 10% dân số thực hiện việc mua bán trên mạng với con số gần 627 triệu người.
Mua sắm trực tuyến có nhiều tiện lợi
Nhận định về mua sắm trực tuyến, chị Qu., nhân viên văn phòng tại một công ty ở quận 3, TPHCM lý giải, hiện nay nhiều người bận công việc không thể đi mua sắm thường xuyên tại các siêu thị, trung tâm mua sắm nên giải pháp mua sắm trên mạng sẽ giúp bớt được thời gian đi lại và có nhiều cơ hội chọn được thứ mình thích trước khi mua trong lúc đang ngồi làm việc hoặc nghỉ ngơi.
Khi đi mua sắm tại siêu thị, giá các món hàng được ghi trên từng sản phẩm và người mua chỉ việc lấy vào xe đẩy và lúc ra mới biết mình mua hết bao nhiêu tiền, thậm chí mua quá lố phải trả lại. Trong khi đó với chiếc máy tính đơn giản, người dùng có nhiều cơ hội để so sánh giá cả các món hàng và biết được mình sẽ mua hết bao nhiêu tiền, từ đó cân đối việc mua sắm. Theo Qu., trong cơ quan chị, nam giới cũng khá quan tâm tới việc lên mạng... dò giá cả trước khi ra ngoài mua.
Mua hàng “offline”
Trước khi mua hàng, người dùng chọn cách lên mạng xem giá, nhưng sau đó người dùng lại đến các siêu thị, trung tâm thương mại để mua chứ không phải là đặt hàng từ các siêu thị, cửa hàng trên mạng. Theo một thống kê, tại Việt Nam, chỉ có khoảng 7% người dùng Internet đủ “can đảm” để tham gia mua bán trên mạng, còn lại 93% lên mạng xem giá xong thì vẫn phải đến nơi bán tận mắt nhìn thấy món hàng mới quyết định mua. Điều này khiến cho kinh doanh trên mạng chưa mang lại lợi nhuận cao, theo ông Henry B. Nguyễn - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư IDG Việt Nam, một trong những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử, năm 2010 mua bán trên mạng chỉ đạt 500 tỉ đồng, một con số không thật tương đối cao.
Theo Tr., chủ một cửa hàng thời trang trên Facebook, mặc dù các cửa hàng online có lợi thế được nhiều người truy cập nhưng hạn chế là không thể tạo được niềm tin cho người muốn mua hàng. Người tiêu dùng vẫn giữ tâm lý khi mua hàng phải chọn những trung tâm lớn để tránh bị nhầm. Tuy thế, tâm lý này đã dần dần thay đổi theo thời gian khi các cửa hàng trực tuyến tạo dựng được niềm tin nơi khách hàng. Trong lĩnh vực máy tính, điện tử..., các siêu thị đi đầu trong việc đưa bảng giá, sản phẩm lên mạng và khá nhiều người đã đặt hàng trực tiếp qua website của công ty, một đại diện siêu thị điện máy Nguyễn Kim cho hay.
Tuy nhiên để tạo được tiếng vang lớn như những trang mạng mua sắm ở nước ngoài, mua sắm trực tuyến tại Việt Nam còn phải tiếp tục làm nhiều việc, trong đó quan trọng nhất cần bổ sung thêm nhiều chi tiết hơn về sản phẩm mình cần bán. “Có những món quần áo, vật dụng mà người bán chỉ đưa lên duy nhất một tấm hình thì rất khó để người mua hình dung nó to, cao, thấp, bé như thế nào để chọn lựa. Vì thế, nhiều khi trong hình thì hộp bánh rất to nhưng đến nơi xem lại thì nó bé tí tẹo. Hay các bộ quần áo đưa lên mạng nếu cùng một kiểu thì chỉ có một hình chụp và chẳng biết bên trong, mặt sau nó ra sao. Nên chăng, các món hàng đưa lên mạng nên có một mã số để người dùng có thể chỉ đích danh sản phẩm cần mua. Khi ấy mọi việc sẽ tiện hơn, người mua chọn được đúng cái mình cần” - Chị Qu. cho hay.