Tại các cửa hàng chuyên kinh doanh máy tính bảng Trung Quốc tại Hà Nội trên các con đường Trần Khát Chân, Lê Thanh Nghị, Xã Đàn, Trần Quang Diệu, Cầu Giấy…, ghi nhận đầu tiên của Số Hóa là thị trường máy tính bảng Trung Quốc vô cùng đa dạng, từ mẫu mã, tên tuổi, cấu hình đến giá cả. Theo lời một chủ cửa hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội), "người dùng cần gì chúng tôi cũng có", từ loại cấu hình “khủng” (RAM 1 GHz, chip 1,5 GHz, màn hình lớn 9,7-inch) mà giá chỉ 2 triệu đồng, đến loại có chất lượng cao hơn như màn hình Retina. Chủ hàng này ước tính, có đến trên 30 tên tuổi máy tính bảng lắp ráp tại Trung Quốc đang có mặt tại thị trường trong nước.
Máy tính bảng của Trung Quốc cũng có nhiều tầm kích thước.
Anh Đỗ Thanh Tùng, phụ trách một cửa hàng chuyên kinh doanh máy tính bảng Trung Quốc, cho biết nhìn chung máy tính bảng loại này có ba cỡ 7-inch, 8-inch và 9,7-inch. Khách có nhu cầu mua máy ở tầm tiền nào cũng có, từ thấp nhất 1,3 triệu đồng đến hàng “xịn” trên 5 triệu đồng.
Theo phản ánh của các chủ hàng, nhìn chung, lượng máy bán ra tốt, trung bình mỗi cửa hàng đều bán được trên 10 chiếc mỗi ngày. Có ba nhóm khách mua chính: sinh viên, nhóm này thường chú trọng tính năng kết nối Internet; người muốn tìm hiểu về công nghệ coi trọng cấu hình và tốc độ; các bậc phụ huynh mua máy cho con trẻ giải trí. Với dạng khách hàng thứ ba, các cửa hàng thường giới thiệu loại 7-inch, màn hình IPS sắc nét, đồng thời, cài đặt sẵn nhiều ứng dụng dành cho trẻ em trong đó các game vừa chơi vừa học.
Những loại máy tầm giá thấp cảm ứng khá tệ.
Theo Số Hóa thử nghiệm, các máy tầm thấp, khoảng 2 triệu đồng, có cảm ứng khá tệ, phím vật lý cũng rất cứng và tốc độ chậm. Một chủ hàng cho biết, phần lớn các máy giá này chỉ có Ram 512 MB, màn hình LCD và không hỗ trợ kết nối 3G. Loại cao tiền hơn, tầm 3 triệu đồng trở lên, màn hình hiển thị khá, tốc độ nhanh hơn, có máy còn được trang bị hai camera. Anh Phạm Hải, chủ một shop đồ công nghệ trên đường Xã Đàn (Hà Nội), cho biết nhìn chung máy tầm 3 triệu đồng trở lên sử dụng khá ổn, "không có gì phải chê". Thậm chí, người này còn tiết lộ, các máy tầm 4 đến 5 triệu đồng sẽ được trang bị màn hình IPS hay Retina khá đẹp. Tuy nhiên, hàng giá cao như vậy cửa hàng anh không có sẵn vì bán chậm, ít người mua. Nếu có ai thực sự muốn mua thì phải đặt hàng.
Anh Nguyễn Đăng Khang (Thụy Khuê, Hà Nội) sau một tháng trải nghiệm với chiếc AMPE a85 cho biết máy hay bị lỗi ở phần kết nối Bluetooth và Wi-Fi. “Tính năng Bluetooth mỗi khi bật đều bị đơ, máy cũng không tìm được thiết bị để kết nối. Wi-Fi cũng hay chập chờn, nhiều khi không bắt được sóng”, anh kể. Còn chị Ngô Thị Thủy (Hoàng Cầu, Hà Nội) mới mua hai chiếc máy tính bảng Trung Quốc buổi sáng, buổi chiều đã phải mang một chiếc ra đổi vì cảm ứng bị "đơ".
“Cũng có nhiều khách hàng phàn nàn về lỗi trên các máy tính bảng Trung Quốc, chủ yếu là về phần mềm, máy nhanh nóng, bàn phím ảo hay bị lệch khi nhập liệu (chẳng hạn gõ chữ A lại ra chữ S) và các lỗi về kết nối (Wi-Fi, 3G, Bluetooth), anh Đức Hiệp, kỹ thuật viên tại một công ty máy tính trên đường Trần Đại Nghĩa cho hay. Khi mua máy tính bảng rẻ tiền loại này, người mua nên lưu ý tính năng 3G của máy chỉ tương thích với một vài loại USB 3G, chủ yếu của Trung Quốc mà không tương thích với USB 3G của nhà mạng trong nước. Riêng với các lỗi phần mềm, việc cài đặt lại không quá phức tạp, tuy nhiên, anh Hiệp cũng đặt ra vấn đề, việc các máy hay bị lỗi phần mềm có thể do cửa hàng đã can thiệp vào điều chỉnh thông số RAM, chip, hệ điều hành được cài đặt sẵn. Anh Hiệp cho biết, cảm nhận của anh khi sử dụng các máy tính bảng Trung Quốc là tốc độ không tương xứng với cấu hình. Nhiều máy ghi tốc độ RAM, chip cao nhưng thực sự lại chậm hơn rất nhiều.
Từ kinh nghiệm bản thân, anh Khang cho rằng khi đã cân nhắc mua máy tính bảng rẻ tiền, người dùng nên chọn loại máy có thương hiệu riêng, có website riêng (tránh chọn các thương hiệu nhái), khi mua, nên xem máy trực tiếp và dùng thử tất cả các tính năng, không nên mua qua mạng.
Dù vậy, theo anh Khang, "nếu đã quyết định mua máy tính bảng Trung Quốc nghĩa là người dùng chấp nhận may rủi, chứ sau một năm biết cửa hàng còn ở đó mà bắt đền". Vả lại, chẳng may có sự cố, liệu có thể chữa khỏi hay lại gặp phải tình trạng “chữa lành thành què”.
“Cũng nên xem chính sách đổi máy mới của cửa hàng”, chị Thủy bổ sung. Hiện tại, hầu hết các cửa hàng đều áp dụng chính sách bảo hành một năm cho các sản phẩm, một số còn áp dụng một đổi một trong vòng ba ngày.