Mỗi món đồ đều có một đường dẫn đi kèm, gọi là “hành trình của món đồ” dẫn tới những bức ảnh và hồ sơ về người thợ dệt đã tạo nên món hàng, người thợ thủ công đã cắt vải và người thiết kế trang phục.
Người mua cũng có thể tự chụp ảnh và tải lên mạng để người thợ dệt và thợ may được ngắm trang phục của họ trông như thế nào khi được người ở nơi khác mặc.
Mỗi chiếc khăn, áo, váy trong dịch vụ trên đều là hàng độc vì nó được may từ một mảnh vải cotton dệt bằng tay bởi những người thợ dệt ở bang Tamil Nadu ở miền nam Ấn Độ, nơi có nghề dệt phải từ nhiều thế kỷ qua. Mỗi người thợ dệt mất 4-5 ngày để làm ra một mảnh vải kích thước 6x6,25m.
Sau đó, những mảnh vải này được các nhà thiết kế ở châu Âu, có thể ở Italy hoặc Romania sáng tạo để bảo đảm không sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành người mua đi bán lại các sản phẩm được giao bán, bằng cách đăng ký địa chỉ liên lạc và đường dẫn tới tài khoản Facebook, Twitter và LinkedIn.
Công ty chủ dự án hy vọng các blogger và người sử dụng internet “ngày càng tham gia sâu vào dự án để giúp chúng tôi quảng bá thương hiệu, không chỉ là quần áo mà còn là thông điệp”, Enrique Posner, giám đốc bộ phận công nghệ và kinh doanh của dự án, nói. “Khía cạnh độc đáo nhất của dự án là câu chuyện đằng sau mỗi sản phẩm độc đáo – điều thường bị mất đi trong quá trình sản xuất hàng hoá hàng loạt”.