“Chúng tôi xây dựng một nền văn hóa và phương thức quản lý độc nhất vô nhị, mà chúng tôi gọi là “Cách của Hacker” (Hacker Way), Zuckerberg viết. “Có một câu châm ngôn của giới hacker mà bạn sẽ nghe thấy cực nhiều ở hội sở của Facebook, đó là “Mã code sẽ thắng mọi tranh cãi”.
Câu nói này đã thâu tóm tinh thần của văn hóa Facebook, một doanh nghiệp lấy lập trình làm trung tâm, nơi các khóa đào tạo coding xuyên đêm và các cuộc thi “hackathons” diễn ra thường xuyên, vô cùng phổ biến.
“Ý tưởng hay nhất và sự thực thi luôn chiến thắng, chứ không phải người giỏi lobby nhất cho ý tưởng đó, hay người quản lý được nhiều nhân viên thắng”, Zuckerberg tuyên bố.
Việc trình bày những triết lý điều hành trong hồ sơ xin IPO kiểu này ngày càng trở nên phổ biến trong giới công nghệ. Các tài liệu nửa như mời gọi, nửa như khuyến cáo: “Hỡi các cổ đông, đây là nền văn hóa mà các anh đang định mua. Làm ơn đừng phá vỡ nó”.
Trước Facebook, nhà sáng lập lập dị Andrew Mason của Groupon – trang web mua theo nhóm nổi tiếng nhất thế giới – đã mở đầu hồ sơ xin IPO bằng một quan điểm quản lý: “Đời quá ngắn ngủi để sống nhàm, kinh doanh nhàm”.
Tương tự, năm 2004, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin của Google cũng khuyến cáo các cổ đông rằng họ điều hành vì lợi ích dài lâu chứ không quan tâm đến kết quả ngắn hạn. Đồng thời, câu châm ngôn “Đừng làm điều xấu” (Don’t be evil) của Google cũng trở nên nổi tiếng từ đó.
Quan điểm này ít nhiều đã được phản ánh lại trong lá thư của Zuckerberg: “Chúng tôi không xây dựng dịch vụ chỉ vì tiền. Chúng tôi kiếm tiền để xây dựng các dịch vụ tốt hơn”.
Cũng vì thế mà Facebook thường xuyên nâng cấp và cũng thường xuyên thử nghiệm những ý tưởng mới, dù cho chúng có thể vấp phải vô số chỉ trích như chính sách bảo vệ riêng tư hay tính năng Timeline mới đây.
Song tất cả những phản hồi trái chiều chẳng mảy may làm Zuckerberg nao núng. Chúng tôi dám câu nói “Làm dở còn hơn nói hay” trên tất cả các bức tường để nhắc nhở mình luôn tiến về phía trước”.