Từ TV lên mạng
Trên mạng hiện nay có rất nhiều website đấu giá trực tuyến. Mô hình đấu giá trên mạng thực chất không phải là một mô hình mới mà đã xuất hiện từ rất lâu ở Hoa Kỳ và châu Âu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nó có vẻ đã đi được một bước xa hơn rất nhiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đấu giá trực tuyến không phải bắt đầu từ... trên mạng mà lại bắt đầu từ trên... TV.
Cách đây khoảng 1 năm, với hình thức quay số trên TV hay đấu giá ngược, người dùng chỉ việc nhắn tin theo số điện thoại ghi trên màn hình và đưa ra giá của mình, nếu như giá nhỏ nhất thì được mua sản phẩm... miễn phí (sau khi bị trừ rất nhiều tiền vì nhắn tin). Tuy thế, trò này sau một thời gian dường như không còn hấp dẫn nữa vì trên TV hiện nay, ít thấy chúng xuất hiện.
Sau trò đấu giá ngược, các phiên đấu giá tiếp tục “dẫn” nhau lên trên mạng. Theo L. - sinh viên Trường Đại học Ngoại Thương, một “chuyên gia” săn hàng độc trên mạng để đem bán lại lấy hoa hồng - các trò đấu giá trên mạng được lấy “cảm hứng” từ các trang mua bán trực tuyến và trao đổi trực tuyến như Ebay hoặc Craigslist theo một cách rất... Việt Nam. Chuyển từ TV lên mạng, các trang đấu giá thực hiện phương pháp ngược lại, đó là người sử dụng đăng ký một tài khoản trên trang mạng rồi tìm các món hàng muốn mua và đưa ra giá để có thể thắng được giá của người khác trước khi sở hữu nó. Tuy thế, cách thức để quản lý người chơi lại không dễ dàng như trong một phiên đấu giá thật bởi khách hàng đăng ký có thể sử dụng bất kỳ thông tin không chính xác nào mà website đấu giá không thể kiểm chứng. Việc đó đã dẫn đến những chuyện dở khóc dở cười.
Mua đểu – bán đểu
Trong một lần sắp xếp lại nhà kho, S. - sinh viên Đại học Hùng Vương - tìm được chiếc điện thoại cổ của Motorola. Trước trào lưu dùng máy cổ của nhiều người, S. đem sản phẩm của mình lên một trang đấu giá để mở phiên. Giá khởi điểm S. đưa ra chỉ ở mức khiêm tốn, 300.000 đồng. Tuy thế, sau đó vài tiếng, đã 5 người đồng ý mua điện thoại của S. với mức giá cao nhất là 500.000 đồng. Đang chần chừ chờ hết thời hạn đóng phiên đấu giá thì qua vài hôm sau, S. ngỡ ngàng khi có một người trả cho điện thoại của mình lên tới 1 triệu, vài người tiếp theo tiếp tục đẩy giá lên 2 triệu, 3,5 triệu rồi 10 triệu đồng. Quá vui mừng, sau khi kết thúc đấu giá, S. liên lạc với người mua thì các thông tin đăng ký đều là giả. Trường hợp của S. không phải là hiếm, đã có rất nhiều người lên mạng bán những chiếc vỏ iPod trắng, mắt kính 3D, tiền cổ nhưng được trả giá có khi đến vài tỉ đồng nhưng khi liên lạc thì không ai đến mua.
Theo L., hiện nay, để tránh trường hợp bị gạt kiểu ấy, rất nhiều người đem hàng lên mạng đấu giá, họ thường đăng tin cùng lúc lên nhiều website khác nhau, thậm chí là tạo nhiều tài khoản khác nhau để cùng bán một món hàng. Khi ấy, sau khi đã có kết quả đấu giá, nếu như ai trả giá cao nhất mà có ý định mua và chịu liên lạc thì người đấu giá sẽ bán. Tuy thế, cũng có không ít trường hợp, người đăng tin đưa lên hình ảnh của sản phẩm rất đẹp, rất tinh tế hoặc hình ảnh của sản phẩm thật nhưng khi giao hàng thì lại đưa ra các mẫu sản phẩm bị lỗi, nhái hoặc hàng không giống với tin đăng trên mạng. Một quản trị website đấu giá cảnh báo rằng, mọi người nên hạn chế việc giao dịch qua bưu điện mà nên trực tiếp gặp nhau để kiểm tra sản phẩm trước khi trả tiền.
Đừng cả tin
Hiện tượng đấu giá “đểu” trên mạng gần đây còn tiếp tục lan lên TV và gây ra những tình huống trớ trêu. Nhiều người vẫn không quên chuyện một chương trình từ thiện nọ, khi đưa các sản phẩm ra đấu giá như hồng ngọc cực đại, trống đồng... đã có khá nhiều người đẩy giá của các sản phẩm ấy lên những con số cực cao, từ vài tỉ cho tới vài chục tỉ đồng. Tuy nhiên, khi cơ quan đại diện của tổ chức từ thiện tới liên lạc để trao hàng và lấy tiền thì họ... biến mất hoặc số điện thoại giao dịch không liên lạc được.
Theo một số luật sư, việc đấu giá dù trên mạng hay trên TV thì có thể xem như đang thực hiện một hợp đồng dân sự. Nếu như đã đấu giá và không trả tiền thì xem như đã vi phạm hợp đồng, sự việc có thể kiện ra tòa án dân sự để giải quyết và chắc chắn người có hành vi chọc phá sẽ không thể thắng kiện. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải xác định được danh tính của người đấu giá, và khi ấy, bắt buộc website chủ quản phải có những bước sàng lọc thông tin cẩn thận hơn. Nhưng, việc này có khả năng đe dọa đến lượng thành viên tham gia trang web đó và đây là điều mà các tổ chức kinh doanh không muốn xảy ra.
Một số ý kiến trên các diễn đàn công nghệ cho rằng nên sử dụng thông tin chứng minh nhân dân và tài khoản ngân hàng để làm căn cứ giao dịch. Tuy nhiên, vấn đề này cần một sự hợp tác sâu rộng hơn rất nhiều so với quy mô của một website đấu giá. Vì vậy, cho đến lúc này, khi tham gia đấu giá trên mạng, bạn không nên kỳ vọng vào một số tiền quá mức mong đợi mà nên chấp nhận những cái giá vừa tầm với sản phẩm của mình.