Một cuốn sách dù bán ở bất kỳ đâu với giá 1 USD được xem là điều không tưởng bởi chi phí để sản xuất ra nó, chi phí phát hành... luôn cao hơn dù tác giả có cố gắng tiết kiệm đến mức nào. Vậy mà những cuốn sách có giá chỉ 1 USD lại thực sự đang làm mưa, làm gió trên thị trường Internet và nhiều người đã trở thành triệu phú nhờ những cuốn sách tí hon này.
Amanda Hocking - một cô gái 26 tuổi hiện đang sống tại bang Minnesota (Mỹ) là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất.
Amanda Hocking - một cô gái 26 tuổi hiện đang sống tại bang Minnesota (Mỹ) đã kiếm hơn 1 triệu USD từ việc bán sách điện tử do chính mình viết
Amanda Hocking là một tác giả viết sách trên mạng và chưa từng có bất kỳ một tác phẩm nào xuất bản trong đời thực nhưng lượng sách mà cô bán được trên mạng đã lên tới con số hàng triệu. Trong quá khứ, Amanda Hocking đã bắt đầu viết các tác phẩm của riêng mình và để đó cho tới một ngày, khi nghe được câu chuyện của Karen McQuestion hay Joe Konrath – những nhà văn cũng làm giàu từ việc bán sách trên mạng, Amanda Hocking đã quyết định đóng gói các tác phẩm của mình thành sách điện tử (e-book) rồi đưa lên các kho trực tuyến như Amazon, Barnes & Noble... để bán.
“Vào thời điểm ấy, hình như tôi đã viết được khoảng 12 tác phẩm và nghĩ nên đăng chúng còn hơn là để yên trong máy tính. Trong tình huống tệ nhất, tức chẳng ai thèm đọc, thì tôi cũng chẳng có gì để mất” - Amanda Hocking lý giải cho quyết định của mình.
“Lợi thế của sách điện tử (e-book) là tác giả không bao giờ phải lo lắng về chi phí xuất bản, tính toán số lượng sách bán ra, thuê gian hàng hoặc phải thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm thu hút người mua để sách không bị ế. Mọi người nói với tôi rằng việc tự xuất bản sách trên Internet không thu hút được độc giả, nếu không cho ra đời được sản phẩm có chất lượng thì không bao giờ đủ sống” - Amanda Hocking thổ lộ. Tuy nhiên, với Amanda Hocking thì kết quả lại hoàn toàn trái ngược.
Từ tháng 4-2010 đến nay, trong vòng một năm, Amanda Hocking đã bán được khoảng 900.000 bản sách trong số 9 đầu sách thuộc sở hữu của mình với giá khoảng từ 1-3 USD. Sau khi trừ đi 30% chi phí cho nhà quản lý các kho lưu trữ trên Amazon, Barnes & Noble..., Amanda Hocking vẫn được lời trên... 1 triệu USD.
Quảng cáo 1 USD
Với mức giá quảng cáo chỉ 1 USD, một anh chàng người Trung Quốc tên Li Xiang đã nhanh chóng trở thành một trong những triệu phú trẻ nhất trên mạng tại Trung Quốc sau khi khôn khéo biến website www.pcpop.com thành một biển quảng cáo khổng lồ.
Li Xiang - triệu phú trẻ nhất trên mạng tại Trung Quốc
Mùa hè năm 1999, trong khi 3 triệu sinh viên Trung Quốc đang ngập đầu với kỳ thi đại học, thì Li Xiang, khi đó 18 tuổi, quyết định tập trung vào công việc kinh doanh trang web của mình, sau khi lập ra được một website có tên là PCPOP có chức năng cung cấp dịch vụ quảng cáo nhãn hiệu các sản phẩm công nghệ thông tin cho người dùng và thương nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Việc bán quảng cáo mang lại nhiều khoản thu lợi cao với 6.000 nhân dân tệ mỗi tháng, “số tiền đó cao hơn thu nhập hằng tháng của cả bố mẹ tôi cộng lại” - Li nhớ lại. Với mục tiêu năm sau tăng gấp đôi doanh số so với năm trước, Li đã thuê thêm nhân viên và đề ra nhiều kế hoạch ngoạn mục. Hiện tại, mức lợi tức của website do Li Xiang sở hữu đã vượt mức 100 triệu nhân dân tệ (khoảng 200 tỉ đồng Việt Nam) hàng năm.
Phần mềm 1 USD
Nếu so với nghề bán quảng cáo thì nghề bán phần mềm mang lại cho các chủ nhân kinh doanh nó lợi nhuận cao hơn rất nhiều. Nước Anh luôn luôn là nơi phát hiện được khá nhiều doanh nhân nhí với những khả năng kiếm tiền trực tuyến đặc biệt mà bất kỳ người lớn nào cũng phải kiêng nể.
Christian Owens kiếm cả triệu USD nhờ bán phần mềm giá rẻ
Christian Owens, một học sinh trung học người Anh, đã tự kiếm cho mình cả triệu USD nhờ bán phần mềm đóng gói và quảng cáo trực tuyến giá rẻ. Khi 7 tuổi, Owens có chiếc PC đầu tiên, 3 năm sau cậu bắt đầu sở hữu máy tính Mac và tự học thiết kế web. Đến năm 2009, cậu bắt đầu mở website chuyên bán ứng dụng cho hệ điều hành Mac. Cách làm của Owens cực kỳ thông minh, cậu liên lạc với các nhà phát triển để lấy được những hợp đồng giảm giá trên các ứng dụng của họ.
Sau đó, Owens đóng gói các phần mềm lại với nhau và bán theo từng nhóm sản phẩm cho người mua. Như vậy, thay vì bỏ tiền mua nhiều phần mềm riêng lẻ, người dùng chỉ việc mua một gói phần mềm của Owens với giá rẻ hơn rất nhiều. Nhờ hướng đi đúng đắn mà chỉ trong 2 năm, trang web của Owens đã có lãi lên đến hơn 1 triệu USD và biến cậu trở thành triệu phú vào tuổi 16. Bên cạnh việc kinh doanh phần mềm, Owens còn đầu tư vào Branchr, công ty quảng cáo dựa trên mỗi lần nhắp chuột.
Xu hướng Lý giải về hiện tượng “lượm bạc cắc trở thành triệu phú” này, một kinh tế gia trên BusinessWeek cho rằng công nghệ Internet và các dịch vụ mua bán trực tuyến cho phép chủ nhân tạo ra một gói sản phẩm với khả năng cung cấp không giới hạn số lượng người mua. Như vậy, chỉ đơn giản bỏ ra một vài phút để tạo dựng sản phẩm và đem quảng cáo tìm người mua và nhờ khả năng phổ quát của mạng Internet thì dù chỉ bán với giá 1 USD nhưng nếu có 1 triệu người mua, tác giả vẫn có thể thu được một lượng lợi nhuận khổng lồ mà không hề tốn nhiều công sức lao động. Bởi những lý do đó mà dịch vụ mua bán trực tuyến ngày càng nở rộ ở các quốc gia phát triển. Tại Việt Nam, trên các gian hàng App Store của Apple hay những trang mua bán trực tuyến của Ebay, Amazon... cũng xuất hiện khá nhiều sản phẩm và phần mềm “made in Việt Nam” được bày bán công khai trên đó. Mới đây, game “Cứu cụ rùa” của Việt Nam cũng đã mang lại cho tác giả của nó một khoản tiền lớn sau khi được đông đảo người dùng iPhone, iPad tải về để chơi. |