Trước kia, YouTube chỉ đơn thuần là một website chia sẻ video giữa các người sử dụng từ khắp nơi trên thế giới. Theo đó, người dùng chỉ đơn thuần đăng ký một tài khoản tại đây và đưa các video clip của mình lên trên đó để người thân xem hoặc những ai khác quan tâm cùng xem và bình luận. Với cơ chế cho phép lưu trữ clip rất thoáng cũng như tốc độ xem nhanh, YouTube nhanh chóng trở thành địa chỉ lưu trữ video hàng đầu trên thế giới với số lượng hàng trăm triệu người dùng và hiện giờ vẫn chưa một website nào cùng tính năng có thể “đọ sức” được với YouTube.
Để có kinh phí duy trì cơ chế hoạt động, YouTube đã ký các hợp đồng quảng cáo với những nhà cung cấp các dịch vụ trực tuyến trên mạng, các công ty phim ảnh, hiệp hội bóng rổ nhà nghề Mỹ, công ty truyền thông BBC của Anh... để thông tin và các clip quảng cáo của họ xuất hiện trên đầu bảng tìm kiếm khi người dùng gõ các từ khóa tương ứng, thậm chí khi mở một clip khác nội dung, những quảng cáo trên còn có thể tự xuất hiện trong màn hình xem video.
Shane Dawson trong một video clip trên YouTube
Song song đó, để thu hút người dùng với bất kỳ trang mạng chia sẻ video nào, yêu cầu đầu tiên là trên đó phải có những “ngôi sao” thu hút người xem và đăng ký thành viên. Cùng với chính sách trả thưởng của YouTube chính là chiếc cần câu khiến gần như mỗi ngày, có hàng trăm clip độc đáo, mới lạ, hấp dẫn được đưa lên YouTube chứ không phải là những website nào khác.
Theo các tiết lộ hậu trường, nghiên cứu của các chuyên gia phân tích và công ty quảng cáo TubeMogul thì những tài khoản trên YouTube có số lượng người xem các video của mình cao trên 100 triệu lượt đều nhận được những khoản tiền trả thưởng xứng đáng từ Google (hãng sở hữu YouTube). Chẳng hạn, tài khoản của Natalie Tran - một cư dân Úc gốc Việt có kênh riêng là communitychannel với số người xem nhiều nhất trên YouTube ở Australia - trong một năm nhận được 101.000 USD – tương ứng với khoảng 139 triệu lượt xem. Hay như với Ryan Higa mà các clip đưa lên YouTube thường có nội dung hài hước nên thu hút rất nhiều lượt người xem. Loạt chương trình “Làm thế nào để trở thành găngxtơ” và “Làm thế nào để trở thành Ninja” đã khiến lượng người xem các clip của anh tăng lên chóng mặt với con số 249 triệu lượt. Nhờ thế, Ryan Higa nhận được khoảng 181.000 USD từ Google.
Cho tới thời điểm hiện tại, người kiếm được nhiều tiền nhất trên YouTube chắc chắn phải kể đến Shane Dawson. Với khả năng sản xuất đáng nể, Shane Dawson lập ba kênh riêng trên YouTube. Kênh thứ nhất chứa các video clip nhạc chế hoặc các vở kịch ngắn mang tính châm biếm do anh tự làm - đây là kênh có nhiều người xem nhất. Kênh thứ hai là một dạng Vlog - nhật ký trên mạng bằng những đoạn video ngắn hoặc các chương trình video thủ công. Kênh thứ ba chứa các video được ghi bằng điện thoại di động iPhone của Dawson. Với lượng người xem trong năm qua là 432 triệu lượt, Shane Dawson nhận được thù lao “làm chơi ăn thật” đến 315.000 USD, một con số mà bất kỳ ai đi làm tại Mỹ cũng ao ước (thu nhập bình quân đầu người tại Mỹ là khoảng 60.000 USD/năm).
Những tác hại
Trước nguồn lợi có thể mang về cho người upload video nên rất nhiều tệ nạn đã liên tục xuất hiện trên YouTube với mục đích câu khách xem video của mình. Một trong những phương pháp thông dụng nhất là các cá nhân lấy nguyên xi hoặc trích từng phần nội dung băng đĩa có bản quyền rồi đưa lên kênh riêng của mình. Bằng cách này, người dùng khắp nơi có thể xem chùa toàn bộ nội dung các bộ phim, chương trình ca nhạc được các công ty giải trí dày công tổ chức.
Việc này nhanh chóng gặp phải phản ứng giận dữ của các hãng giải trí. Nhiều công ty và tổ chức bản quyền đã dọa sẽ lôi Google ra tòa vì tội bao che cho việc ăn cắp bản quyền. Mặc dù Google tuyên bố không liên quan tới những gì người dùng upload lên nhưng hãng này cũng nhanh chóng lập ra đội chuyên trách để đi xóa các tài khoản hoặc video bị than phiền là vi phạm bản quyền.
Bên cạnh việc ăn cắp tác quyền một cách trắng trợn của những video clip do người dùng đưa lên, một loạt các mánh khóe khác để tăng lượng truy cập cho kênh riêng của người dùng trên YouTube cũng được tận dụng. Hệ trọng nhất là khá nhiều người đã đưa lên những clip sex, trong đó tích cực nhất là các công ty sản xuất phim “cấp III” thường trích những đoạn nhạy cảm nhất để chiếu lên YouTube, sau đó khi kết phim thì trỏ liên kết tới website của riêng họ. Bộ phận thanh lọc của YouTube từng than phiền là họ làm việc mỏi tay với những người dùng kiểu này.
Bên cạnh đó, các clip khác mang tính phân biệt chủng tộc, cổ vũ bạo lực... cũng được đưa lên YouTube rất nhiều và không ít lần tạo ra những hiệu ứng không tốt cho xã hội, chẳng hạn clip học trò lột áo cô giáo ở Singapore hay clip học sinh đánh nhau, xé đồ ở nhiều trường phổ thông tại Việt Nam hoặc clip sinh viên xả súng giết thầy cô tại Mỹ...
Vai trò người xem
Dù nói gì đi chăng nữa thì một clip khi được đưa lên YouTube, mục đích sau cùng là để có nhiều lượt truy cập nhằm giúp tác giả kiếm tiền. Vì thế, trước các clip vi phạm thuần phong mỹ tục, nên chăng người xem tỉnh táo tắt chúng đi và không tiếp tục làm nhiệm vụ quảng cáo chúng cho bạn bè của mình. Hiện tại, Google đã đưa thêm tính năng báo cáo video vi phạm các nguyên tắc sử dụng của hãng, khi gặp những clip dạng này hãy báo cáo cho Google biết để họ xóa chúng đi.