Dấu ấn lập trình di động Việt
Thành công của Flappy Bird đã kích thích mạnh mẽ ngành lập trình di động cũng như các lập trình viên Việt Nam
Tác giả Flappy Bird thừa nhận mình thành công là nhờ may mắn. Thế nhưng, các chuyên gia công nghệ lại cho rằng sự thành công này là nhờ vào ý tưởng và đánh đúng tâm lý của người chơi. Flappy Bird đã tạo sự kích thích, ganh đua tột độ giữa những người chơi với nhau khi người này làm được, người khác lại không, thậm chí còn tạo nên sự bực tức khó chịu khi nhiều người chơi thất bại ngay từ đầu, khiến game này trở nên rất thu hút. Thêm vào đó, với sự hỗ trợ, chia sẻ lên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter…, Flappy Bird càng được biết đến nhiều hơn.
Hiện Flappy Bird đã có 50 triệu lượt tải và mang lại doanh thu ước tính khoảng 50.000 USD/ngày từ quảng cáo do ứng dụng này mang lại. Hiện số lượt tải game Flappy Bird trên Apple App Store và Google Play đạt từ 2-3 triệu lượt/ngày. Đây là một con số hết sức ấn tượng cho một ứng dụng di động mà bất cứ LTVDĐ hay các doanh nghiệp (DN) phát triển ứng dụng di động nào cũng mơ ước.
Có thể khẳng định game Flappy Bird là một hiện tượng trong lĩnh vực lập trình di động (LTDĐ) của Việt Nam, thậm chí là một hiện tượng hiếm gặp của ngành công nghiệp LTDĐ trong nước.
Nghề mới tiềm năng
Cách đây 5-6 năm, nghề LTDĐ tại Việt Nam được rất ít người biết đến. Gần đây, dù lĩnh vực di động bùng nổ trên thế giới nhưng tại Việt Nam, rất ít người theo đuổi ngành này, đặc biệt là sinh viên vì nghĩ rằng nó ít có khả năng mang lại thu nhập đủ sống.
Anh Nguyễn Quốc Minh, một LTVDĐ tự do tại TP HCM, cho rằng nếu không muốn vào làm tại các công ty phần mềm, bạn có thể tự mình viết ra phần mềm di động, sau đó đưa lên các kho ứng dụng để bán. Mỗi download của khách hàng, người lập trình sẽ nhận được từ 1-2 USD. Như vậy, một LTVDĐ có thể kiếm được vài trăm USD, thậm chí hàng ngàn USD/tháng nếu phần mềm của họ tiện ích và hấp dẫn.
Điểm thú vị với ngành LTDĐ là sau khi viết được phần mềm, bạn không cần phải bán chúng trên các kho ứng dụng mới kiếm được tiền mà hoàn toàn có thể cung cấp miễn phí. Tuy không thu tiền nhưng nếu phần mềm hay, thu hút thì các DN sẽ đặt quảng cáo vào trong phần mềm và bạn sẽ được chia lợi nhuận.
Trong 1-2 năm trở lại đây, nhiều trường cao đẳng, đại học đã bắt đầu mở ngành hoặc đầu tư mạnh cho ngành LTDĐ để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường. Ngoài ra, nhiều trung tâm như FPT-Aptech, VTC Academy, AiTi Education, TechMaster, Softech, NIIT, BK Mobile… cũng mở các khóa học đào tạo LTVDĐ.
Sự bùng nổ của smartphone và các kho ứng dụng di động mang lại những cơ hội việc làm vô cùng lớn và liên tục tăng cho ngành phần mềm di động. Theo các chuyên gia, sinh viên học ngành LTDĐ mới ra trường đều được trả mức lương từ 500-700 USD/tháng, nếu 3 năm kinh nghiệm sẽ nhận trên dưới 1.000 USD/tháng. Hiện nay, rất nhiều DN nước ngoài tại Việt Nam tuyển dụng nhân sự ngành LTDĐ, nếu đã có chút ít kinh nghiệm lập trình thì lương trung bình khoảng 3.000-5.000 USD/tháng.
Đại diện FPT-Aptech Việt Nam cho biết: “Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường smartphone đã kéo theo các cuộc đua ứng dụng của các nhà phân phối và DN phần mềm trên khắp thế giới nhằm mục tiêu khai thác ngày càng triệt để tính năng của thiết bị di động. Các vị trí đang khát nhân lực trầm trọng hiện nay là lập trình ứng dụng game, tester (chuyên viên kiểm thử phần mềm) trên các nền tảng di động iOS, Android, Windows Phone”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, nhận định nhiều DN công nghệ đã bắt đầu cuộc đua phát triển ứng dụng di động. Hiện số lượng sinh viên theo học LTDĐ khá nhiều nhưng để tìm được nhân sự đạt yêu cầu rất khó - theo các DN là chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số ứng viên.
Thời bùng nổ smartphone
Theo kết quả khảo sát từ IDC vừa được công bố, doanh số smartphone bán ra trên toàn cầu lần đầu tiên đạt ngưỡng 1 tỉ máy trong năm 2013. Như vậy, cứ 7 người trên thế giới thì có 1 người sử dụng smartphone. Còn theo thống kê được hãng nghiên cứu thị trường GFK công bố, thị trường Việt Nam năm 2013 tiêu thụ khoảng 17 triệu chiếc ĐTDĐ, trong đó smartphone chiếm khoảng 7 triệu. Cơn sốt smartphone đã kéo theo nhu cầu cần nguồn nhân lực cực lớn để viết nên các ứng dụng phục vụ cho nhu cầu của người dùng. |