Android là hệ điều hành (HĐH) cho thiết bị di động phổ biến nhất hiện nay, được phát triển từ nền tảng mã nguồn mở Linux. Vậy tại sao Linux đến thời điểm này vẫn còn lận đận mà Android lại thành công?
Được các ông lớn hậu thuẫn
Bước ngoặt của Android là năm 2005, thời điểm Google mua lại Android.Inc – một công ty nhỏ đặt tại California (Mỹ). Ngay sau đó, Android được phát triển trở thành nền tảng di động mở đầu tiên của Open Handset Alliance (tạm dịch: Liên minh thiết bị cầm tay mở rộng), thông qua đó Android chính thức tham gia thị trường HĐH di động. Khi đó, các hệ điều hành đang chiếm đa số thị phần là Windows Mobile, Symbian, Palm OS và BlackBerry OS.
Đến năm 2008, Open Handset Alliance đã hội đủ các “ông lớn” trong ngành công nghệ, như: Sony Ericsson, HTC, Motorola, Samsung, T-Mobile… với cùng mục tiêu là phát triển các tiêu chuẩn mở cho thiết bị di động. Các hãng công nghệ tham gia liên minh này đều là các ông lớn trên thế giới nhưng họ chưa có được một HĐH riêng cho thiết bị của mình. Trong khi đó, việc phụ thuộc vào các HĐH thương mại như Windows Mobile hay Symbian... khiến nhiều hãng công nghệ không mặn mà. Nguyên nhân một phần là do làm tăng giá sản phẩm hoặc đó là HĐH của hãng đối thủ. Vì vậy, nhiều hãng công nghệ đã tích cực “bắt tay” với Google để phát triển Android.
Android đã có mặt trên nhiều nhãn ĐTDĐ. Ảnh: Lê Duy
Tầm nhìn Google
Thời điểm Android ra mắt, nhiều người đã hoài nghi về khả năng của HĐH di động còn non trẻ này. Trong khi thị phần đang thuộc về Symbian, iOS hay Windows Mobile thì chưa có lấy một sản phẩm cài đặt HĐH mới mẻ này. Tuy nhiên, sự giậm chân tại chỗ của Windows Mobile, sự độc quyền HĐH của Apple (chỉ dành cho thiết bị của hãng là iPhone, iPad) và sự ỷ lại của Nokia với Symbian đã giúp Android thành công như hiện nay.
Trở thành HĐH cho thiết bị di động chiếm thị phần lớn nhất đã chứng minh tầm nhìn của Google trong việc đầu tư, định hướng và phát triển Android. Google đã xác định rõ Android là HĐH dành cho smartphone chứ không dành cho đa số ĐTDĐ, nơi mà các HĐH khác đang hoạt động rất tốt.
Tương lai mở
Miễn phí - dấu ấn đậm nét của kho ứng dụng và game của Android tại thời điểm này, thu hút người dùng lựa chọn. Đã có hàng ngàn ứng dụng và game cho tải miễn phí trên kho ứng dụng Android Market, bỏ xa kho ứng dụng App Store của Apple. Các hãng khác cũng mở kho ứng dụng nhưng các lập trình viên lại không mặn mà. Nguyên nhân được cho là do mã nguồn mở của HĐH này dựa trên nhân Linux (mã nguồn mở phổ biến nhất hiện nay) nên việc các lập trình viên tiếp cận và làm quen khá dễ.
Google đang hợp tác với các nhà sản xuất để cài đặt Android trên sản phẩm của họ mà không tính phí hoặc rất ít. Nhiều hãng sản xuất đã tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất khi không phát triển HĐH riêng mà chỉ phát triển nét riêng của hãng từ mã nguồn Android. Điều này giúp hãng công nghệ có nét riêng trên sản phẩm của mình nhưng vẫn giữ được các tiện ích khác mà Google phát triển cho Android. Mặt khác, vấn đề tùy biến để tối ưu phần cứng hãng sản xuất hoàn toàn chủ động mà không bị Google can thiệp.
Trong tương lai, khả năng phát triển của Android là rất khả quan. Định hướng phát triển HĐH mã nguồn mở này có thể vươn xa hơn, xuất hiện trên hầu hết các thiết bị công nghệ, từ đồ dùng điện tử trong gia đình đến các phương tiện có quản lý bằng máy tính…
Google và tham vọng “đám mây”
Mới đây, Google vừa ra mắt ChromeBook chạy Chrome OS là một HĐH “đám mây”. ChromeBook có thành công hay không vẫn còn là ẩn số, nhưng khả năng đồng bộ với Android là một lợi thế. Ngoài ra, xu hướng mà Google muốn thể hiện thông qua ChromeBook là thực hiện một đế chế Google, tương tự cách mà Apple đang áp dụng hiện nay và rất thành công.
Google đặt tham vọng sẽ cung cấp nền tảng hệ điều hành đồng bộ cho tất cả các thiết bị, từ điện thoại di động, máy tính bảng đến máy tính… Khi đó, “đám mây” mà Google tạo ra sẽ phủ lên hầu hết các thiết bị có kết nối internet. Người dùng điện thoại di động hay máy tính bảng sẽ có thể chạy Chrome OS từ trình duyệt để hoàn thành công việc mà không cần lúc nào cũng mang theo máy tính. |