Là một người hoạt động lâu năm trong công ty Công nghệ tại The Gemini Singapore Science Park, Chia Jin Ngee đã chia sẻ với Zing.vn một góc nhìn của ông về chiếc iPhone và sản phẩm Apple nói chung tại thị trường 5,4 triệu dân này. Theo ông, iPhone, iPad, MacBook không phải là những "điều gì đó quá đặc biệt" đến mức ai cũng muốn có.
Các cửa hàng bán sản phẩm của Apple thường không đông khách tại Singapore.
"Dân Sing không phát cuồng vì iPhone và các sản phẩm của Apple"
Cầm trên tay chiếc LG G3 và đeo đồng hồ thông minh Pebble, ông Ngee chia sẻ việc chọn một smartphone theo tiêu chí đủ đáp ứng cho nhu cầu của mình và một chiếc đồng hồ thông minh có thời lượng pin dài. Ông Ngee cũng cho biết, nhiều người bạn của ông cũng không đặt nặng các tiêu chí để chọn một chiếc smartphone, hay nghĩ rằng "phải dùng iPhone mới đẳng cấp" như nhiều nơi khác trên thế giới.
Trường hợp của ông Jin Ngee không phải là thiểu số ở Singapore. Theo chuyên gia này, trên các chuyến tàu điện ngầm, dân Sing cũng "dán mắt" vào smartphone, nhưng ít khi là iPhone.
Tại các nhà hàng, quán xá sang trọng ở Singapore, không khó để bắt gặp các thực khách đang dùng những chiếc smartphone Android màn hình lớn của Samsung, LG,... và giá tất nhiên rẻ hơn mẫu iPhone mới của Apple.
Trong sáng 25-9, ngày đầu tiên iPhone lên kệ tại nhiều quốc gia, ngoài những người đến từ Việt Nam, trong đám đông có cả người Trung Quốc, Indonesia,... nhưng rất hiếm khi người bản xứ. Không chỉ có iPhone, mẫu Apple Watch phiên bản mới cũng chỉ được bán tại một cửa hàng duy nhất trên đường Orchard, Singapore. Thiết bị này không hút khách và nhận lấy sự hờ hững của giới kinh doanh.
"Singapore từ nhiều năm nay vẫn không có Apple Store"
Trong những năm qua, Singapore là một trong số ít những quốc gia châu Á bán iPhone cùng thời điểm, thậm chí sớm hơn thị trường Mỹ. Tuy nhiên, trong khi Hong Kong, Nhật Bản, Úc đều đã có Apple Store, đảo quốc sư tử vẫn chỉ bán iPhone qua các đại lý cấp 1 (Apple Authorized Reseller) như Nubox, Epicenter hoặc đại lý cấp 2 và các nhà mạng như SingTel, StarHub, M1. Người mua đến các cửa hàng, trả tiền và mang máy về. Không hề có những tràng pháo tay, thái độ niềm nở nào từ phía các nhân viên dành cho những khách hàng đầu tiên mua iPhone, điều làm nên sự đặc trưng của các Apple Store trên toàn cầu.
Theo ông Chia Jin Ngee, lý do khiến Apple chưa đặt cửa hàng chính thức tại Singapore có thể do giá thuê mặt bằng tại đây quá cao, vượt qua những lợi ích mà một Apple Store có thể mang lại.
Thị trường 5,4 triệu dân trong mắt Apple khá nhỏ bé, dù hãng công nghệ Mỹ vẫn mở một công ty đại diện mang tên "Apple South Asia Pte Ltd" để điều phối những hoạt động ở Nam Á, bao gồm cả những thị trường như Việt Nam.
Nhận định của ông Jin Ngee không phải không có cơ sở. Trong một bài viết từ Reuters đăng cuối 2013, hãng tin này cho biết số lượng tiêu thụ iPhone tại Singapore thậm chí không đủ để lọt vào bản báo cáo thường niên của Apple. Dù các công ty nước ngoài vẫn chọn đặt văn phòng ở đây để tiết kiệm thuế phí, nhưng đối với Apple, việc duy trì một công ty con và các cửa hàng Apple Store tại một thị trường không lớn có thể là một điều lãng phí.
Tuy nhiên, chuyên gia 50 tuổi này cũng dự đoán Apple sẽ đặt Apple Store tại Singapore trong năm sau. Nếu điều này xảy ra, có thể cửa hàng của Apple sẽ chỉ mang tính biểu tượng và tư vấn, không đặt nặng mục tiêu kinh doanh.