Tháng 6-2012, mạng xã hội Trà đá quán Baidu để bắt đầu chạy thử nghiệm ở Việt Nam với tên miền “.vn”. Tuy nhiên, sản phẩm này của Baidu đã liên tục bị "ném đá" trên truyền thông và mạng xã hội. Vì vậy, khi ra mắt ngày 16-7, mạng xã hội của công ty Internet hàng đầu Trung Quốc đã phải mang tên “Baidu Tieba” phiên bản tiếng Việt thay vì "Baidu Trà đá quán" như lần quảng cáo trước đó. Và mạng xã hội này sử dụng tên miền quốc tế vn.tieba.com thay vì tên miền .vn hay .com.vn. Bên cạnh đó, Baidu còn cung cấp dịch vụ hỏi đáp thông tin trực tuyến tại zhidao.baidu.com.vn/ và mạng tìm kiếm, các dịch vụ tiện ích trực tuyến tại vn.hao123.com.
Một "đại gia" khác của Trung Quốc là Tencent cũng không giấu tham vọng mở rộng thị trường trên toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tháng 4/2012, WeChat - ứng dụng chat, nhắn tin miễn phí qua Internet của Tencent chính thức "đổ bộ" vào Việt Nam và quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc đổ bộ của các công ty về dịch vụ Internet của Trung Quốc cũng thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông Việt Nam. Đây cũng là 1 trong số 20 sự kiện ICT tiêu biểu 2012 được Câu lạc bộ nhà báo CNTT Việt Nam lựa chọn.
Lời bình cho sự kiện này được Câu lạc bộ Nhà Báo CNTT Việt Nam đưa ra mang tính cảnh báo cao: "Năm 2012, trên thị trường Internet Việt Nam, bên cạnh những cái tên quen thuộc như FPT, VNG và VC Corp... đã có thêm sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp Trung Quốc như Baidu, Tencent. Việc tham gia thị trường của các công ty Trung Quốc cũng dấy lên mối lo ngại liệu đây có phải là các phần mềm này có khả năng theo dõi và lấy cắp dữ liệu của người dùng hay không. Nhiều người sử dụng máy tính Việt Nam còn gặp phải tình trạng rất khó chịu khi phần mềm tìm kiếm Trung Quốc Hao123 tự tìm đường cài vào máy tính của mình và gặp rất nhiều khó khăn trong việc gỡ bỏ".
Trong bức thư của ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc VNG chia sẻ trên blog cá nhân gửi các nhân viên của mình, ông Minh cho biết, WeChat đã có sự tăng trưởng nhanh chóng trong suốt 2-3 tháng và đạt gần 1 triệu người dùng sử dụng với 2 phiên bản trên hệ điều hành iOS và Android. Còn Hao123 đã có sự tăng trưởng đột phá từ khoảng 70.000 lượt ghé thăm/ngày vào tháng 4-2012 lên đến 2 triệu lượt ghé thăm/ngày (tháng 8-2012). Theo ông Minh, số lượng thành viên của WeChat là một con số vô cùng lớn với lĩnh vực di động và sự tăng trưởng của Hao123 là "không hiểu nổi", "VNG vô cùng sốc và mọi suy nghĩ trước đây như sản phẩm không quan trọng, không có người dùng ở Việt Nam đều phải dẹp bỏ".
Ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc VTC Online cho biết, sự phát triển của WeChat cũng như các phần mềm nhắn tin, gọi điện miễn phí qua Internet là sự phát triển tất yếu của công nghệ và bắt đầu bùng nổ rất mạnh trong năm 2012, WeChat cũng có ưu thế khi là sản phẩm đầu tiên bước vào thị trường này ở Việt Nam. “Chưa kể, các mạng xã hội trên di động như WeChat là những sản phẩm mới trên thị trường mà Facebook chưa làm tốt nên tự thân nó có tính lan truyền rất lớn đối với cộng đồng người dùng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Mặc dù VTC Online hay các công ty Internet khác ở Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự “xâm chiếm” của WeChat hay Hao123 nhưng thời gian tới, nếu sản phẩm đến từ Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ thì những nguy cơ về an ninh, rủi ro mất chủ quyền số hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc biệt, tháng 12/2012, hãng tin Guardian (Anh) đã lên tiếng cảnh báo chức năng bảo mật trong ứng dụng nhắn tin di động WeChat của Tencent có thể theo dõi vị trí, nội dung riêng tư của hơn 200 triệu người dùng theo thời gian thực hay một số báo chí của Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ mất an toàn của WeChat, khi người dùng để lộ thông tin cá nhân với tội phạm.
Theo anh Nguyễn Duy Hiến, đại diện AppstoreVN, một số sản phẩm như WeChat dù bị nhiều người phản đối nhưng do Tencent đổ rất nhiều tiền vào truyền thông và phủ kín các kênh tiếp cận người dùng nên vẫn đạt được lượng người dùng đáng kể. Một lượng lớn người dùng thực ra không quan tâm đến xuất xứ WeChat và không biết nó bị tẩy chạy thế nào, họ cài Wechat vì thấy thông điệp truyền thông của nó phù hợp với nhu cầu của họ. “Cách truyền thông này thường gặp nhiều ở các tập đoàn ngành hàng tiêu dùng nhưng ít gặp ở các công ty Internet do chi phí quá cao”, anh Hiến nhấn mạnh. Chưa kể, số lượng người dùng WeChat là nữ chiếm tỷ lệ rất cao và đó cũng là lý do để lôi kéo những thành viên nam khác khi sử dụng tính năng “Look Aroud” giúp tìm kiếm những thành viên khác ở xung quanh vị trí của mình trên WeChat.
Một chuyên gia trong lĩnh vực Internet cho rằng, sự thành công của Hao123 và WeChat là do đáp ứng được nhu cầu của người dùng và thị trường còn trống, không có đối thủ cạnh tranh đủ mạnh để cung cấp dịch vụ. Ví dụ như Hao123, sản phẩm này đã phục vụ được nhu cầu của một số người muốn truy cập một website tổng hợp được những thông tin từ những trang web hàng đầu trong các lĩnh vực như âm nhạc, mua sắm, phim, điện thoại… - điều mà Zing home (VNG) hay Yahoo trước kia không đáp ứng được.
Còn WeChat, với tính năng đơn giản và tập trung nên đáp ứng được phần lớn nhu cầu và rất ít người sử dụng Việt Nam đưa ra lời phàn nàn sau khi dùng. Ngoài ra, do Tencent tung ra chiến lược “xâm chiếm” các nước trong khu vực Đông Nam Á rất bài bản, rõ ràng nên đã đầu tư chi phí quảng cáo lớn trên tất cả các kênh truyền thông, mạng xã hội - các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí trên Internet xuất hiện trước như Whatsapp, Viber đều không thực hiện được việc này. “Vì vậy, chỉ sau 2 - 3 tháng, WeChat đã có hơn 1 triệu người dùng trên smartphone và trở thành một mạng xã hội trên di động hàng đầu ở Việt Nam”, vị chuyên gia này cho biết thêm.